Ở dưới nước, đôi khi chúng ta có thể nhìn thấy một con vật nhỏ dễ thương trông giống như một con rái cá. Tuy nhiên, nếu bạn nhìn thấy những con vật như vậy, tốt nhất nên báo cho chi cục bảo vệ môi trường địa phương, vì chúng là loài xâm hại có sức "ăn tàn phá hại" cực lớn. Ở Mỹ và Hàn Quốc, loài vật nhỏ bé này cũng trở thành "tội phạm bị truy nã". Giết một con có thể đổi lấy phần thưởng lần lượt là 6 USD và 20.000 Won.
Chuột hải ly hay còn gọi là chuột Coypu là một phân loài của loài Myocastor coypus có nguồn gốc ở khu vực Nam Mỹ. Loài này được Molina mô tả năm 1782, ở Việt Nam chúng được gọi nhầm lẫn với cái tên là hải ly.
Con vật nhỏ bé dễ thương này có tên là Myocastor coypus, hay còn gọi là chuột hải ly, coypu hoặc nutria, và trông hơi giống hải ly. Nhưng tính cách và khả năng của chúng rất khác với hải ly. Ở châu Âu, hải ly được Liên hợp quốc bảo vệ, ở Trung Quốc, hải ly được xếp vào danh sách những loài động vật được bảo vệ cấp 1. Trong khi đó, loài chuột này là trở thành kẻ ăn tàn phá hại khét tiếng ở nhiều nơi trên thế giới.
Không những không xây đập như loài hải ly mà chúng còn có sức phá hoại với tốc độ thực sự kinh hoàng. Vào năm 2014, nhóm chuyên gia về các loài xâm lấn (ISSG) của Ủy ban Sinh tồn các loài của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã liệt kê chuột hải ly vào danh sách 100 loài ngoại lai xâm lấn hàng đầu thế giới.
Chuột hải ly và các loài động vật dễ nhầm lẫn khác. Lần lượt từ trái qua phải là chuột hải ly, chuột xạ hương, hải ly, chó đồng cỏ groundhog và rái cá.
Chuột hải ly là loài duy nhất thuộc họ Chuột hải ly Myocastoridae, thuộc bộ gặm nhấm. Chúng hoàn toàn khác với hai loài hải ly châu Âu (Castor fiber) và hải ly Bắc Mỹ (Castor canadensis) thuộc họ hải ly (Castoridae). Nó có nguồn gốc từ Bolivia và Brazil ở Nam Mỹ. Một con chuột hải ly trưởng thành có thể dài tới hơn 60 cm, nặng hơn 10 kg và có kích thước tương đương với một con gấu trúc nhỏ.
Do nhu cầu về lông thú đã khiến cho số lượng hải ly giảm mạnh, năm 1899 chuột hải ly được du nhập vào Hoa Kỳ để thay thế cho hải ly. Sau khi ngành công nghiệp lông thú sụp đổ vào những năm 1930, một số lượng lớn trong số chúng đã được nông dân thả vào tự nhiên.
Loài chuột này thích sống dưới nước. Ở Nam Mỹ bản địa của chúng, các chu kỳ lũ lụt và hạn hán được diễn ra liên tục và hạn chế số lượng của chúng. Nhưng ở Bắc Mỹ thì không có mùa khô, điều này đã khiến cho chúng có cơ hôi tăng trưởng và phát triển mạnh. 70 năm sau khi nhập cư vào Bắc Mỹ, lãnh thổ của loài chuột này liên tục được mở rộng, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với môi trường sinh thái địa phương.
Bạn có thể sẽ nghĩ, chúng chỉ là những con chuột không quá lớn thì có thể đe dọa được gì? Trên thực tế, con vật tưởng chừng như yếu ớt và bất lực này lại đang bị "truy nã" hết sức gắt gao ở Mỹ và Hàn Quốc vì nó có thể ăn uống, sinh con và phá hoại tất cả những gì tại nơi mà chúng sinh sống.
Chuột hải ly là một loài hết sức phàm ăn, mỗi ngày chúng có thể ăn tới 25% trọng lượng cơ thể, chúng ăn tất cả mọi thứ, từ thân cây, ngọn cây và cả rễ cây. Chúng đặc biệt thích ăn rễ cây, nhưng lại không thể phân biệt được cái gì ăn được và cái gì không ăn được, nên chúng có xu hướng nhổ luôn cái cây mà chúng định ăn lên hoặc sẽ cạo hết lớp vỏ cây rồi vứt bỏ. Thông thường, chúng sẽ ở yên một chỗ cho đến khi ăn hết phần cây ưa thích rồi mới rời đi.
Tại mỗi vùng đất mà chúng đi qua, đất sẽ trở nên tơi xốp do không có rễ cây và dễ bị xói mòn bởi các tác động từ môi trường tự nhiên. Chưa kể đến việc ăn hoa màu, bởi vậy nơi chuột hải ly sinh sống thường trở thành đầm lầy.
Như đã đề cập trước đó, hải ly thích "xây nhà", thì chuột hải ly thích "phá nhà". Chúng thích đào hố, và thường thì chúng thích đào hố dưới các bến tàu, đường xá và các tòa nhà khác của con người dẫn đến rung chuyển nền của tòa nhà.
Chuột hay ly là loài gặm nhấm sở hữu "hàm răng thép", răng cửa của loài gặm nhấm này luôn mọc dài ra và bề mặt răng cửa của chúng thường là lớp men cứng làm từ vật liệu vô cơ.
Giống như răng màu vàng của hải ly, răng của chuột hải ly có màu cam. Điều này là do men răng của hải ly và chuột hải ly đều chứa sắt hóa trị ba, cung cấp độ cứng chắc cho răng, cho phép chúng nhai các công trình kiến trúc của con người mà không bị đau hoặc ngứa.
Thói quen đào hố của chuột hải ly cũng là mối đe dọa đối với các tuyến đê bao. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, các đập bị chuột hải ly làm hư hại thường cần được xây dựng lại. Khi cơn bão Katrina tấn công Orleans, Louisiana, vào năm 2005, gây ra sự sụp đổ của hàng rào lũ lụt, và hiển nhiên chuột hải ly cũng đóng góp những công sức không hề nhỏ cho những thiệt hại này.
Ngoài ra, những thói quen sinh hoạt kỳ lạ của chuột hải ly cũng khiến cho loài động vật này trở thành một loài có hại. Chúng thích ăn và vệ sinh luôn ở dưới nước, phân của chúng không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước mà còn có thể lây lan các bệnh như lao, sán dây. Do đó, ở những khu vực nơi chúng sinh sống, con người có thể bị nhiễm bệnh khi chơi đùa dưới nước.
Tương tự như các loài gặm nhấm khác, chuột hải ly có khả năng sinh sản mạnh mẽ. Một con chuột hải ly cái có thể đẻ 3 lứa một năm, trung bình mỗi lứa 5 con, như vậy một cặp chuột hải ly có thể sinh trung bình 15 con một năm. Những con non có thể ăn và tàn phá thực vật từ 24 giờ sau khi được sinh ra.
Trên thực tế, rất nhiều nơi ở Hoa Kỳ đã bị chuột hải ly xâm chiếm. Và chúng đã thực sự làm đổi các đầm lầy muối ven biển ở bờ biển phía đông. Thủy triều từng không thể xâm lấn các đầm lầy ở đó, nhưng giờ đây thảm thực vật ven biển bị biển đã bị nhấn chìm và không còn khả năng phục hồi.
Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, loài chuột này đã khiến một vùng đất ngập nước rộng lớn ở Vịnh Chesapeake, Maryland, biến mất, và gây ra tác động sinh thái nghiêm trọng. Vùng đất ngập nước ven biển rộng 20 km vuông tại Khu bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia Blackwater ở Maryland cũng bị phá hủy bởi chuột hải ly.
Peter Tira, một quan chức của Cơ quan Cá và Động vật Hoang dã California cho biết: "Ảnh hưởng của chuột hải ly rất đáng sợ". Ở California, sức tàn phá của chuột hải ly thường được so sánh với cháy rừng và động đất.
Phải nói rằng, cuộc "xâm lược" của loài chuột này là một vấn đề trên toàn thế giới. Hiện nay, đã có các quần xã chuột hải ly hoang dã ở Châu Âu, Châu Á, Đông Phi và Bắc Mỹ. Năm 1989, Anh đã hoàn thành việc loại bỏ chuột hải ly tại quốc gia này, trong khi đó, nhiều nước ở Châu Âu vẫn đang vò đầu bứt tai vì chưa tìm ra được giải pháp tốt nhất để đối phó với chúng.
Ngay từ năm 2002, Cơ quan Quản lý Cá và Động vật Hoang dã Louisiana đã khởi động Chương trình Kiểm soát Nutria trên toàn bờ biển, với hy vọng kiểm soát số lượng chuột hải ly bằng cách chi tiền. Tiền thưởng vào thời điểm đó là 5 USD cho một con chuột hải ly bị giết, do chính phủ liên bang cấp. Tuy nhiên, số lượng hải ly bị săn bắt không đạt một nửa so với dự kiến là 400.000 con mỗi năm.
Để tăng sự nhiệt tình của những người đi săn, văn phòng đã thông báo vào năm 2019 rằng tiền thưởng cho việc giết chết mỗi con chuột hải ly đã tăng từ 5 USD lên 6 USD.
Còn ở Hàn Quốc, người ta có thói quen ăn thịt chuột hải ly và dùng mật của chúng làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, vì những căn bệnh do loài chuột này mang theo và những tổn hại đến hệ sinh thái, chính phủ Hàn Quốc hiện đã yêu cầu người dân giết chuột hải ly ngay tại chỗ và không được ăn thịt. Việc nuôi chuột hải ly ở Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với án tù 2 năm và phạt 20 triệu Won.
Tương tự như cách tiếp cận của Mỹ, chính phủ Hàn Quốc đã liệt hải ly vào danh sách các loài xâm lấn vào năm 2009 và áp dụng chiến lược săn bắt có thưởng. Giết một con chuột hải ly ở Hàn Quốc có thể nhận được 20.000 Won.