Số là "chuyện ấy" trong thế giới tự nhiên vốn đã rất phức tạp và đầy đen tối. Như loài bọ ngựa chẳng hạn, ân ái chẳng bao lâu thì con đực đã có nguy cơ nằm gọn trong bụng bạn gái nó rồi. Và câu chuyện cưa cẩm của loài chim sau đây có lẽ cũng sẽ khiến bạn cảm thấy mất hết niềm tin vào tình yêu luôn.
Loài chim trong câu chuyện là lyrebird (cầm điểu) - chim sơn ca cũng thuộc chi này. Loài chim này có một đặc điểm là mỗi khi gặp nguy hiểm, chúng sẽ kêu rất to - một dạng tín hiệu cảnh báo, cho phép đồng loại và những loài chim khác gần đó chuyển vào trạng thái phòng vệ. Đây là tập tính được chúng hình thành trong quá trình tiến hóa để bảo vệ con. Sau khi phát tín hiệu, chúng sẽ bay xung quanh, quấy rối và thậm chí là tấn công để xua đuổi kẻ thù.
Nhưng nào có ai ngờ rằng, đây cũng là cách mà lũ cầm điểu đực sử dụng để... cưa cẩm con cái. Đó là những gì các chuyên gia tại Mỹ và Úc vừa phát hiện ra, khi quan sát thấy loài chim này phát đi tín hiệu giả rồi bay xung quanh để lừa lũ chim cái, bắt chúng tin rằng nơi an toàn nhất lúc đó phải là ở bên chim đực. Mà lúc "yên bình bên anh" rồi thì chuyện gì đến cũng phải đến thôi.
Nhà điểu học Anastasia Dalziell từ ĐH Cornell (Mỹ), tác gia của nghiên cứu cho biết việc mô phỏng lại âm thanh báo động này là một phần khá quan trọng để chim đực giao phối được với con cái. Trong nghiên cứu của mình, Dalziell cùng các đồng nghiệp đã đặt camera thu lại âm thanh giao phối của cầm điểu đực và cái, trong giai đoạn tháng 6 - 8/2020, cũng là mùa sinh sản của loài vật này. Họ phát hiện ra rằng trong giai đoạn ấy, tiếng chim báo động phát ra với mật độ và tần suất nhiều hơn - lên tới 4h mỗi ngày. Thậm chí, âm thanh ấy còn phát ra khi chim đực đang thực hiện điệu nhảy thu hút con cái giao phối.
"Chúng tôi dần nhận ra việc mô phỏng lại âm thanh báo động lúc giao phối dường như là quy luật chung của lũ cầm điểu."
Theo các chuyên gia giải thích, lũ chim đực đã sử dụng mánh khóe này để tạo ra một cái bẫy, khiến chim cái tin rằng mọi hướng xung quanh đều có kẻ thù và nơi an toàn nhất chỉ có thể là ở chung với chim đực mà thôi. Giống như kiểu "Em yêu à, ngoài kia bao la sóng gió, ở yên đây bên anh," vậy. Vấn đề là âm thanh báo động của cầm điểu thực sự rất khó để lờ đi, nên gần như cho hiệu quả tuyệt đối.
Thêm vào đó, các chuyên gia còn tin rằng ngoài việc lừa con cái làm "chuyện ấy", hành vi này còn giúp quá trình ái ân kéo dài lâu hơn, qua đó làm tăng tỉ lệ thụ thai thành công.
Vậy đấy, rốt cục thì tình yêu cũng chỉ là một cú lừa thôi, ít nhất là với cầm điểu!
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho biết họ đang tìm cách so sánh phản ứng của chim cái với các âm thanh như vậy, nhằm tìm hiểu rõ lợi ích của hành vi này với chim đực. Ngoài ra, cầm điểu đực còn sở hữu một số hành vi khá kỳ lạ khi giao phối, như dùng cánh che đầu chim cái. Các chuyên gia vì thế đang cố gắng tìm hiểu để giải mã chúng.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology.
Nguồn: Daily Mail