Bên cạnh rau xanh và hoa quả, các loại cá luôn được giới chuyên gia khuyến cáo nên tăng cường tiêu thụ để phòng chống bệnh ung thư. Bởi vì cá là một trong những loại thực phẩm bổ dưỡng, đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể với vô vàn chất dinh dưỡng như protein, vitamin D và là một nguồn axit béo omega-3 tuyệt vời. Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mỗi người nên ăn ít nhất 3 bữa cá/tuần.
Mặc dù bổ dưỡng nhưng làm sao để dinh dưỡng từ cá không biến thành nguy cơ gây bệnh. Mỗi năm, có biết bao trường hợp bị ngộ độc, nhiễm khuẩn do ăn cá sống, cá lạ, các loại cá độc... Do đó, chúng ta phải có nhận thức đúng đắn và hiểu biết về các loại thực phẩm, các loại cá vì không phải loại cá nào cũng tốt. Có 1 loại cá được nhiều chuyên gia sức khỏe, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo về nguy cơ gây ung thư, đó là cá ướp muối.
Ăn cá muối trước 10 tuổi làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng. Ảnh: Sohu
Phân loại các chất gây ung thư của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) là chỉ số tham khảo có thẩm quyền và ảnh hưởng nhất đối với bệnh ung thư cũng như chất sinh ung thư trên thế giới.
Kể từ khi thành lập vào năm 1965, IARC đã thực hiện công việc xác định các chất gây ung thư. Các thông tin được công bố hàng năm và luôn cập nhật. Phân loại chất gây ung thư của IARC được chia thành 4 cấp độ, trong đó chất gây ung thư loại I dùng để chỉ những chất có tác dụng gây ung thư rõ ràng trên cơ thể con người.
Vậy tại sao cá muối lại trở thành chất gây ung thư loại I?
Đây là loại cá tươi ướp với rất nhiều muối rồi để khô, mục đích nhằm bảo quản lâu dài. Phương pháp bảo quản này đã có từ rất lâu, chi phi thấp và tiện lợi.
Trong quá trình ướp cá muối, người ta sử dụng nồng độ muối ăn cao nhằm mục đích khử nước của cá. Quá trình này dễ dẫn đến cá muối, cá mắm chứa cực nhiều nitrit. Nitrit sẽ chuyển hóa thành nitrosamine (nitrosodimethylamine) sau khi vào cơ thể.
Dưới môi trường axit của dạ dày, nitrosamine cực dễ gây ung thư. Hơn nữa, ngoài nguy cơ gây ung thư do nitrit gây ra, cá muối có thể sinh ra vi khuẩn trong quá trình phơi nắng, để khô, thậm chí là sản sinh ra aflatoxin… và aflatoxin cũng là một loại chất gây ung thư cực mạnh.
Ướp muối phơi khô là phương pháp thông dụng nhất để bảo quản cá có từ lâu đời và vẫn được lưu truyền cho đến ngày nay. Ảnh: Sohu
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn cá muối có mối tương quan nhất định với các bệnh ung thư, tỷ lệ tử vong cao như ung thư vòm họng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày.
Một số lượng lớn các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng trẻ em thường ăn cá muối trước 10 tuổi có nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng ở tuổi trưởng thành cao hơn so với người bình thường.
Một số chuyên gia Trung Quốc còn cho rằng chỉ cần ăn một kg cá muối mặn tương đương với việc hút 250 điếu thuốc.
Cá muối có ăn được nữa hay không?
Mặc dù cá muối là loại chất gây ung thư nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta phải loại bỏ hoàn toàn cá muối. Bởi vì nguy cơ gây bệnh như thế nào còn phụ thuộc vào liều lượng, khẩu phần mỗi người tiêu thụ.
Cá muối có nhiều muối, không nên ăn với số lượng lớn trong thời gian dài. Ảnh: Tân Hoa Xã
Lấy nitrosamine có trong cá muối làm ví dụ. Một lượng nhỏ nitrosamine không đủ để gây đột biến tế bào. Chỉ khi chúng ta tiêu thụ một lượng lớn nitrosamine, trong thời gian dài thì mới đủ để nitrosamine tích tụ trong cơ thể và gây hại cho hệ tiêu hóa, cuối cùng sẽ phát triển thành ung thư. Mọi người vẫn có thể ăn nhưng nhất định phải hạn chế vì dù sao cá muối cũng chứa nhiều natri, tốt nhất nên lựa chọn các loại cá tươi.
Từ quan điểm lâm sàng, ung thư là một căn bệnh rất phức tạp, việc phơi nhiễm với chất gây ung thư hay tiêu thụ các thực phẩm gây ung thư chỉ là một trong những yếu tố hình thành bệnh. Ngoài ra, tuổi tác, di truyền, chức năng miễn dịch, các bệnh mãn tính, … cũng có vai trò trong sự phát triển của ung thư. Do đó, bạn không cần phải hoang mang về việc cá muối được xếp vào danh sách chất gây ung thư loại I thì có được ăn hay không.
Các mẹo để ăn cá muối mà không lo ung thư
Dù có thích cũng không nên ăn cá muối thường xuyên. Ảnh: Internet
- Để an toàn nhất tất nhiên là không nên ăn loại cá này. Nếu quá thích ăn, hoặc điều kiện hoàn cảnh buộc phải ăn thì nên ăn ít, một tháng chỉ nên ăn 2 - 3 lần, mỗi lần cũng chỉ ăn số lượng nhỏ.
- Cố gắng không chiên cá muối. Bởi vì trong quá trình chiên, cá muối sẽ giải phóng các amin, các amin thứ cấp sẽ kết hợp với nitrit để tạo thành các hợp chất nitroso hoặc nitrosamine dễ dàng.
- Trước khi chế biến, bạn có thể ngâm cá muối trong nước rồi hấp chín theo ý muốn. Thao tác này sẽ làm giảm đáng kể lượng nitrit và muối trong cá.
- Ăn nhiều trái cây và rau quả giàu vitamin C trong khi ăn cá muối. Vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vitamin C có thể ức chế sự hình thành nitrosamine.
Theo Tân Hoa Xã