Lỡ hẹn duyệt binh 9/5 ở Moscow nhưng Su-57 lại đang khiến người Nga "dậy sóng" - Vì sao?

Hoài Giang | 15-05-2022 - 07:14 AM

(Tổ Quốc) - Topwar mới đây đã đăng tải bài viết của nhà phân tích Roman Skomorokhov về những chiếc Su-57 vừa lỡ hẹn duyệt binh 9/5. Chúng tôi xin lược dịch dưới đây.

Từ chi tiết trên chiếc Su-57 "lỡ hẹn" duyệt binh ở Quảng trường Đỏ

Lễ duyệt binh kỷ niệm 77 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đã được phía Nga tổ chức tại Quảng trường Đỏ vào sáng 9/5 giờ Moscow (trưa cùng ngày giờ Việt Nam).

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã thông báo rằng tổng cộng 11.000 quân nhân, 131 đơn vị vũ khí và khí tài hiện đại, 77 máy bay và trực thăng sẽ tham gia vào cuộc duyệt binh.

Tuy nhiên phần trên không của cuộc duyệt binh đã bị hủy bỏ - nguyên nhân được Moscow tuyên bố là "do thời tiết".

Điều này được đánh giá là khá đáng tiếc và nếu muốn có cái nhìn sơ bộ về những gì người Nga đã chuẩn bị, có lẽ chỉ có thể căn cứ vào những hình ảnh được ghi lại trong diễn tập duyệt binh trước đó.

Lỡ hẹn duyệt binh 9/5 ở Moscow nhưng Su-57 lại đang khiến người Nga dậy sóng - Vì sao? - Ảnh 1.

4 chiếc Su-57 trên bầu trời Moscow trong buổi diễn tập duyệt binh Ngày Chiến thắng hôm 4/5 (Ảnh: Sputnik).

Được biết một chi tiết liên quan tới nhóm 4 tiêm kích Su-57 được cho là sẽ tham gia duyệt binh đã "lọt vào tầm ngắm" của các nhà phân tích Nga.

Cụ thể là cánh đuôi đứng của 1 chiếc Su-57 nói trên được trang trí bằng hình chính chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ 5 và một máy bay dạng "cánh bay" - thứ được cho là có nhiều điểm tương đồng với nguyên mẫu Máy bay không người lái tấn công (UCAV) S-70 Okhotnik-B.

Hiện một loạt các nhà phân tích quân sự Nga đang "hào hứng" với một giả thuyết thú vị xung quanh phát hiện này.

Tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất (UAC/OAK) đã nhiều lần nhấn mạnh rằng S-70 có thể tương tác với Su-57 để tấn công các mục tiêu trên không và trên bộ bằng số vũ khí mà nó trang bị.

Về cơ bản, viễn cảnh các UCAV có thể tiến hành các cuộc tấn công giúp "dọn bãi" cho tiêm kích tàng hình được nhiều nhà phân tích đánh giá cao.

Lỡ hẹn duyệt binh 9/5 ở Moscow nhưng Su-57 lại đang khiến người Nga dậy sóng - Vì sao? - Ảnh 2.

Hình ảnh về cánh đuôi của một chiếc Su-57 dự kiến sẽ tham gia duyệt binh Ngày Chiến thắng (Nguồn: UAC/OAK).

Thiết kế, lớp phủ hấp thụ sóng radar và khoang vũ khí trong thân giúp Su-57 hầu như không bị đối phương phát hiện - một yếu tố có thể giúp tiêm kích thành công trong việc giải quyết toàn bộ các nhiệm vụ được giao.

S-70 Okhotnik-B có thể bay tới 6.000 km với tốc độ từ 1.000 đến 1.400 km/h. Số vũ khí nó có thể mang theo được giữ bí mật, nhưng việc nó đã sử dụng bom 500 kg trong thử nghiệm tấn công cho thấy tải trọng vũ khí tối thiểu của S-70 Okhotnik-B có thể là 2 tấn bom đạn và tên lửa.

Su-57 và S-70 lần đầu tiên "bắt cặp" vào năm 2019. Khi đó S-70 đã thực hiện tương tác với Su-57 ở chế độ tự động.

Nhiệm vụ chính của Okhotnik-B có thể đã được lên kế hoạch sử dụng như một "radar bay" giúp tăng bán kính quan sát của máy bay có người lái - nói nôm na là để nó lao về phía trước và "dò đường".

Khi chạm trán đối phương, UCAV sẽ có nhiều kịch bản tác chiến bao gồm chỉ thị mục tiêu cho Su-57, vô hiệu hóa radar bằng vũ khí mang theo hoặc chỉ đơn giản là đánh lạc hướng không quân và phòng không của đối phương.

UCAV hạng nặng S-70 -Okhotnik của Nga trong thử nghiệm không kích mục tiêu bằng bom không điều khiển nặng 500 kg vào năm 2021 (Nguồn: Russia 1).

Tới tính khả thi của việc S-70 giúp Su-57 "dọn bãi"?

Tuy nhiên bên cạnh những đánh giá lạc quan, cũng tồn tại nhiều nghi ngờ về chiến thuật nói trên.

Su-57 có giá ước tính là khoảng 2,3 tỷ Rúp Nga (35,5 triệu USD).

Dù thấp hơn nhiều nhưng chi phí cho một chiếc S-70 cũng là 1,6 tỷ Rúp (24,7 triệu USD) và tài sản quân sự này không rẻ tới mức được sử dụng như "lính trinh sát".

Hay như việc vào năm 2021 truyền thông Nga đã lan truyền thông tin rằng tồn tại 1 biến thể Su-57 2 chỗ ngồi được thiết kế đặc biệt với vai trò chỉ huy có thể điều khiển tới 4 chiếc S-70 - điều mà cả UAC lẫn nhà sản xuất Sukhoi đều không đưa ra xác thực.

Ít ai nghĩ rằng việc chỉ 1 phi công (người điều khiển hỏa lực) quản lý tới 4 tiêm kích khác cũng tương tự như chơi game trên máy tính - và thực tế rõ ràng là phức tạp hơn nhiều.

Nếu thực sự có một nhiệm vụ như vậy - sẽ có một cách khác để thực thi nó đơn giản hơn đó là sử dụng máy bay AWACS (Hệ thống chỉ huy và cảnh báo trên không), thứ có thể dễ dàng chỉ thị mục tiêu cho tiêm kích và UCAV.

Nếu chỉ để "dọn bãi" cho Su-57, người Nga đã có trong tay nhiều loại vũ khí khác ví dụ như tên lửa chống radar, tên lửa hành trình... tất cả đều rẻ hơn nhiều so với S-70 - một UCAV được đánh giá là "khổng lồ".

UAV của Quân đội Nga theo dõi xe phóng của tổ hợp S-300 đối phương trước khi khai hỏa tên lửa chính xác tiêu diệt ở Ukraine (Nguồn: Sputnik/BQP Nga).

Kết luận

Vậy thực tế của việc "bắt cặp" giữa Su-57 và S-70 là gì?

Rất có thể S-70 chỉ được coi là ý tưởng về một "hộp tiếp đạn" giúp tăng hỏa lực của Su-57.

Và vì đây là một ý tưởng rất đắt tiền nên rất khó có thể triển khai nó sớm hơn năm 2028 - khi dự kiến đơn hàng sản xuất nối tiếp 76 Su-57 cho Quân đội Nga được hoàn tất.

Cho đến nay cũng chỉ có 2 nguyên mẫu S-70 được chế tạo để thử nghiệm về tính đúng đắn của ý tưởng.

Hiện vẫn chưa có bằng chứng về việc loại UCAV này sẽ được Quân đội Nga đặt hàng - chứ chưa nói đến việc sản xuất hàng loạt và đưa vào trang bị.

Và như vậy, có thể tạm kết luận rằng người Nga không nên quá hào hứng với phát hiện mới nhất trên những chiếc Su-57 - thứ vừa lỡ hẹn cả một cuộc duyệt binh quan trọng.

Su-57 và S-70 tạo thành đội hình vào năm 2019. Tuy nhiên cho tới nay S-70 vẫn chưa chính thức được đưa vào trang bị trong Quân đội Nga.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM