Báo cáo tài chính quý III của tập đoàn Bảo Việt (BVH) cho biết đơn vị này sở hữu danh mục chứng khoán kinh doanh có giá gốc vào cuối tháng 9 lên tới hơn 2.546 tỷ đồng, tăng 30% so với cuối quý II và tăng 3,9% so với đầu năm, chiếm khoảng 1,5% tổng tài sản.
Trong đó, cổ phiếu niêm yết là cấu phần lớn nhất (chiếm khoảng 72%) với giá trị hơn 1.843 tỷ đồng, tăng lần lượt 32% và 19% so với thời điểm cuối quý II và cuối năm 2020 với các mã chủ lực là POW, VNR, CTG, MBB.
Danh mục chứng khoán kinh doanh của BVH. (Nguồn: BCTC quý III)
Đi sâu vào danh mục đầu tư cổ phiếu niêm yết BVH, cổ phiếu POW của Tổng công ty điện lực Dầu khí Việt Nam có giá trị cao nhất lên tới gần 317 tỷ đồng. Tuy nhiên, tập đoàn này phải dự phòng khoản lỗ cho lượng cổ phiếu trên gần 10 tỷ đồng.
Bên cạnh POW, BVH cũng đã mua vào gần 266 tỷ đồng cổ phiếu VNR của Tổng công ty cổ phần Tái Bảo hiểm quốc gia. BVH không dự phòng cho khoản đầu tư cổ phiếu VNR.
Ngoài ra, danh mục đầu tư của tập đoàn còn chứa hai cổ phiếu ngân hàng với giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng. Cụ thể, tại thời điểm cuối tháng 9, BVH sở hữu hơn 287 tỷ cổ phiếu CTG của VietinBank và đang dự phòng lỗ gần 20 tỷ cho số cổ phiếu này. Vào cuối tháng 6, CTG không được BVH hạch toán trong danh sách các khoản đầu tư lớn nhất.
Điều này cho thấy, Bảo Việt đã mua vào một lượng lớn cổ phiếu VietinBank trong quý III vừa qua.
Về diễn biến giá cổ phiếu, CTG đã liên tục lao dốc trong giai đoạn từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 9 với mức giảm giá lên tới hơn 25%. Đây có thể là yếu tố thúc đẩy BVH ‘’bắt đáy’’ cổ phiếu của VietinBank trong bối cảnh lượng tiền mặt của tập đoàn đã tăng mạnh trong nửa đầu năm.
Diễn biến cổ phiếu CTG trong những tháng gần đây. (Nguồn: Tradingview)
Trong nhóm ngân hàng, BVH cũng nắm giữ gần 172 tỷ đồng cổ phiếu MBB. Con số này không thay đổi so với cuối quý II và giảm gần 147 tỷ so với hồi đầu năm.
Danh mục của BVH còn có 801 tỷ cổ phiếu niêm yết khác, tăng hơn 21% so với cuối năm 2020 và gần 80 tỷ cổ phiếu chưa niêm yết.
Việc mở rộng danh mục đầu tư cổ phiếu vào quý III của BVH diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sâu sau nhịp tăng mạnh nửa đầu năm. Bên cạnh đó, xu hướng gia tăng đầu tư chứng khoán của tập đoàn cũng được hỗ trợ mạnh mẽ bởi tiềm lực tài chính hùng hậu với lượng tiền mặt và tiền gửi lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Báo cáo tài chính cho biết, dù đã sụt giảm trong quý vừa qua nhưng lượng tiền mặt của BVH vào thời điểm 30/9 vẫn lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tập đoàn này cũng có gần 14.900 tỷ tài sản tương đương tiền (chủ yếu là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 3 tháng) và hơn 66.100 tỷ tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng đến dưới một năm.
Với lượng tiền gửi ngân hàng ‘’khổng lồ’’ và tình trạng lãi suất huy động liên tục ở mức thấp kỷ lục, việc BVH chuyển dịch tài sản từ tiền gửi sang chứng khoán là điều không quá khó hiểu và phù hợp với xu hướng thị trường.
Trong báo cáo về ngành bảo hiểm phát hành mới đây, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá lãi suất tiền gửi thấp ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo BVSC, trung bình hơn 60% lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp bảo hiểm đến từ lợi nhuận hoạt động tài chính, trong đó chủ yếu là doanh thu tiền gửi (hơn 80% danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng). Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm, mặt bằng lãi suất được dự báo vẫn sẽ duy trì ổn định ở mức thấp. Điều này trực tiếp ảnh hưởng tới hoạt động đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm.