Tối ngày 28/3, có tổng số 50 học sinh Trường tiểu học Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) có cùng biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng được chuyển khám bệnh viện. Được biết, trước đó, các học sinh này đã ăn bữa trưa gồm cơm rang, gà phi lê chiên xù, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh Oreo Kinh Đô khi đi dã ngoại tại trang trại Cánh Buồm Xanh tại huyện Gia Lâm do nhà trường tổ chức. Hiện nguyên nhân gây ngộ độc vẫn được đang điều tra làm rõ.
Chỉ vài ngày trước, ngày 20/3, vụ ngộ độc sau khi ăn cá chép muối ủ chua khiến 1 người tử vong, 10 người phải thở máy cũng khiến dư luận quan tâm. Theo đó, sau ăn từ 12 giờ đến 24 giờ, tất cả các bệnh nhân trên đều có triệu chứng đau bụng, nôn ói, mệt, yếu dần tay chân. Sau 3 ngày điều trị, 1 bệnh nhân đã không qua khỏi. Nguyên nhân được tìm ra là do món cá chép ủ muối chua đã nhiễm chất kịch độc Botulinum.
Hay trước đó, ngày 14/3, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân khiến 1 người tử vong, 3 người nguy kịch sau khi tham gia bữa tiệc tại huyện miền núi tỉnh Quảng Nam.
Ngộ độc thực phẩm "vào mùa"
TS. BS. Hoàng Minh Đức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhận định: "Thời tiết ấm ẩm, đặc biệt là mùa hè, là mùa của ngộ độc thực phẩm vì trong thời tiết ấm áp, vi khuẩn và các tác nhân gây hại như nấm mốc, độc tố sinh ra trong thực phẩm sẽ nhanh chóng sinh sôi và phát triển hơn.
Ngoài ra, trong thời điểm này, chúng ta thường có rất nhiều hoạt động ngoài trời, đi du lịch, đi dã ngoại, ăn uống thường xuyên mà không thể kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm, việc rửa tay và vệ sinh dụng cụ trở nên khó khăn. từ đó dễ dàng sinh ra ngộ độc".
Thực tế, hầu hết các bệnh do thực phẩm gây ra được gọi là ngộ độc thực phẩm. Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm có thể bắt đầu trong vòng vài giờ hoặc vài tuần tùy thuộc vào nguyên nhân. Các triệu chứng phổ biến là: dạ dày khó chịu, nôn mửa, tiêu chảy, tiêu chảy có máu, đau dạ dày và chuột rút, sốt, đau đầu. Tình trạng này trong hầu hết các trường hợp có thể không nghiêm trọng và bệnh nhân có thể hồi phục sau vài ngày.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp có thể dễ đến các biến chứng nặng, thậm chí là tử vong. Các triệu chứng khi ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến hệ thần kinh và trong tình trạng nghiêm trọng gồm: nhìn mờ, đau đầu, mất cử động ở chân tay, gặp vấn đề với việc nuốt, ngứa ran hoặc tê da, yếu sức, giọng nói thay đổi...
Ai cũng có thể bị ngộ độc thực phẩm. Nhưng một số người có nhiều khả năng bị ốm hoặc mắc bệnh hoặc biến chứng nghiêm trọng hơn bao gồm: người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và người có hệ thống miễn dịch suy yếu do một bệnh hoặc phương pháp điều trị nào đó.
Lưu ý để phòng tránh ngộ độc thực phẩm
Để phòng ngừa nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, TS. Đức nhắc nhở mọi người cần chú ý đến những việc sau:
1. Làm sạch và vệ sinh
Bước đầu tiên để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trong mùa hè là rửa kỹ thực phẩm trước khi ăn. Tốt nhất bạn nên rửa thịt, rau, trái cây và các loại thực phẩm có thể rửa được khác trước khi ăn. Bạn cũng có thể sử dụng chất khử trùng được sản xuất đặc biệt để khử trùng thực phẩm.
2. Bảo quản thức ăn thừa trong tủ lạnh
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ngộ độc thực phẩm là tiêu thụ thực phẩm cũ và hư hỏng. Thức ăn để lâu bên ngoài tạo cơ hội cho mầm bệnh tấn công thức ăn. Lưu trữ thực phẩm ở những nơi mát mẻ ngăn không cho các sinh vật này phát triển trong thực phẩm của chúng ta.
3. Rửa tay khi chế biến và ăn uống
Bàn tay của chúng ta là một trong những cách phổ biến nhất mà mầm bệnh có thể xâm nhập vào cơ thể. Tránh chạm vào mặt và rửa tay thường xuyên có thể giúp bạn tránh bị nhiễm trùng hoặc bệnh tật.
4. Tránh để thức ăn ở những nơi mất vệ sinh
Thỉnh thoảng chúng ta có thể chọn thức ăn đường phố. Tuy nhiên, điều đó có thể không tốt cho sức khỏe của bạn. Ăn thực phẩm từ những nơi không hợp vệ sinh khiến bạn có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm cao hơn. Mọi người chỉ nên ăn ở những nơi chế biến thực phẩm hợp vệ sinh và tốt cho sức khỏe.
5. Nấu chín hoàn toàn thức ăn
Thực phẩm nấu chưa chín là một nguyên nhân có thể khiến bạn bị ngộ độc thực phẩm. Ăn thịt hoặc một số loại rau chưa nấu chín sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn, vi rút và các mầm bệnh khác xâm nhập vào cơ thể bạn.
6. Thường xuyên lau chùi nhà bếp
Giữ cho không gian nấu nướng của bạn sạch sẽ cũng quan trọng như việc rửa tay trước khi nấu ăn. Hãy thường xuyên làm sạch nhà bếp của bạn hàng ngày. Thức ăn vương vãi hoặc vệ sinh kém cũng có thể thu hút mầm bệnh đến gần thức ăn của bạn và khiến bạn bị bệnh.