Lệnh cấm hôn của vị vua nước Anh và bài học chống dịch COVID-19 thời hiện đại

Tất Đạt | 26-02-2020 - 19:21 PM

(Tổ Quốc) - Hạn chế ôm hôn, tiếp xúc gần là một trong những hình thức đề phòng bệnh dịch được các cơ quan y tế khuyến nghị trong thời gian gần đây.

Lệnh cấm hôn

Theo Bloomberg, năm 1439, Vua Henry VI của Anh đã cấm người dân hôn nhau để đối phó với đợt bùng phát dịch hạch. Khi bệnh này xuất hiện vào năm 1439, có nhiều người nghi ngờ rằng căn bệnh lây qua nước bọt của người.

Do đó, Quốc hội Anh đã kiến nghị Vua Henry VI ban lệnh cấm hôn trực tiếp để phòng ngừa dịch bệnh. Đây cũng được cho là lí do khiến việc hôn gò má khi gặp gỡ trở nên phổ biến tại các nước châu Âu sau này.

Giữa bối cảnh thế giới đang đối phó với dịch do virus corona gây ra, một số cơ quan y tế cũng khuyến nghị người dân hạn chế những hành động tiếp xúc tình cảm.

Các chuyên gia dịch tễ học nói việc hạn chế tiếp xúc có thể giúp kiểm soát tốc độ lây nhiễm của dịch bệnh COVID-19 ở nhiều quốc gia.

Người Mỹ nên tạm dừng ôm chào hỏi, đập tay (high five) trong khi người Pháp và người Italy nên cân nhắc lại việc hôn má khi gặp mặt.

Tiến sĩ Michael Osterholm, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, nói: "Rõ ràng nếu virus corona đang tồn tại trong cộng đồng, thì hạn chế tiếp xúc là việc nên làm. Đó là một trong những cách mà bạn có thể chủ động hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh".

Tại Italy, nơi bệnh dịch đang có dấu hiệu bùng phát và 7 ca đã tử vong do COVID-19, người dân đã bắt đầu lắng nghe lời khuyên này.

Cô Giorgia Nigri, một nhà kinh tế học tại Rome, cho biết: "Mọi người nói chúng tôi không nên hôn má 2 lần để chào hoặc tạm biệt nhau nữa. Lúc đầu tôi rất bất ngờ và thấy buồn. Nhưng tôi cho rằng ở những nhóm lớn, đặc biệt có nhiều người lạ, thì đó là điều nên làm".

Ngày Valentine

Ở châu Âu, những đề nghị như trên đã vấp phải nhiều sự phản ứng. Tại Anh, trong ngày Valentine, các trang báo bao gồm Daily Mail và The Sun đã chỉ trích nhà virus học John Oxford khi ông khuyên người dân Anh nên "đứng cách xa nhau" thay vì ôm hôn chào mừng.

Các nước khác cũng lên tiếng về vấn đề này. Một số cơ quan y tế ở Singapore, Ấn Độ, Nga và Iran đã kêu gọi người dân không ôm nhau, không hôn và bắt tay.

"Chúng ta không cần phải bỏ thói quen của mình cả đời. Tôi nghĩ là chỉ cần hạn chế cho tới lúc dịch bệnh kết thúc," ông Oxford nói.

Việc hạn chế tiếp xúc khi chào hỏi dễ được áp dụng tại một số quốc gia khác. Tại Nhật Bản, người dân thường cúi đầu để chào nhau và rất ít khi đồng nghiệp hoặc đối tác kinh doanh có tiếp xúc trực tiếp.

Đầu tháng này, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã xuất hiện trong một sự kiện và đề nghị không nên bắt tay để phòng dịch.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa đưa ra khuyến nghị chính thức về việc hạn chế ôm hôn, nhưng cho rằng đây là việc nên làm. WHO cho biết nên tránh chào hỏi tiếp xúc gần với những người có triệu chứng bệnh và cần giữ khoảng cách ít nhất 1 mét khi giao tiếp.

Không như những virus họ hàng khác như SARS và MERS, virus corona chủng mới (SARS-COV-2) không gây ra những triệu chứng rõ ràng ban đầu và có thể âm thầm lây nhiễm với tốc độ nhanh.

"Đây là cuộc chiến cần sự góp mặt của tất cả mọi người, không chỉ những người mặc đồ bảo hộ và các nhà khoa học. Chỉ cần một người nhiễm bệnh, nhiều người khác sẽ gặp rắc rối theo," tiến sĩ Oxford nói.

Lệnh cấm hôn của vị vua nước Anh và bài học chống dịch COVID-19 thời hiện đại  - Ảnh 3.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.