Nhắc đến Lật Mặt, khán giả thường nghĩ đến một thương hiệu phim bình dân theo kiểu "làm cho vui" của Lý Hải. Trên thực tế, các phần phim có doanh thu tăng dần đều theo sự chắc tay của giọng ca gốc Mỹ Tho. Tới Lật Mặt: 48H, Lý Hải đã có sự tiến bộ vượt bậc và có dấu ấn ngôn ngữ điện ảnh riêng.
Trailer chính thức của Lật Mặt: 48H
Ngôn ngữ điện ảnh là gì?
Theo Việt Linh - đạo diễn của Mê Thảo - Thời Vang Bóng, Dấu Ấn Của Quỷ hay Gánh Xiếc Rong - thì ngôn ngữ điện ảnh là những tình tiết nhỏ trong phim được tạo ra có chủ đích, như những "lời ngầm" nhằm truyền tải thông điệp đến khán giả. Tất cả những gì liên quan đến bộ phim, bao gồm những kỹ thuật xây dựng hình ảnh từ góc máy, động tác máy… cho đến âm thanh, kỹ xảo hậu kỳ cũng đều giúp tạo ra ngôn ngữ điện ảnh đó.
Ngoài ra, nó còn là sự tinh tế, nhuần nhị, sáng tạo thông minh của mỗi đạo diễn trong bố cục, sắp xếp những chất liệu hình ảnh, âm thanh, ánh sáng để mang đến cho khán giả xem phim những rung cảm bật lên từ sâu thẳm trái tim. Nói cách khác, ngôn ngữ điện ảnh là cách đạo diễn truyền tải thông điệp tới khán giả.
Ngôn ngữ điện ảnh cũng có nhiều đặc tính. Trong đó, quan trọng nhất là tính đại chúng, tính chân thật, tính hàm ý,… Tính đại chúng nói lên rằng một bộ phim làm ra cho hàng triệu khán giả xem thì ý nghĩa của nó cũng phải để cho hàng triệu người cảm nhận được. Thông điệp mà nó mang đến cho người xem phải là những vấn đề của cuộc sống, dù lớn hay nhỏ.
Tính chân thật, logic thể hiện ở việc một bộ phim phải chân thật như cuộc sống, phải tuân theo các quy luật của vật lý và hóa học. Mỗi tình huống, mỗi động tác phải được chuẩn bị chu đáo, phải là kết quả tự nhiên và tất nhiên của các tình huống.
Tính hàm ý thể hiện ở "show, don’t tell" (trình bày, không kể) mà nhiều "nhà phê bình" phim hay dùng để nhận xét một tác phẩm. Ở đây, nó chỉ ra rằng hình ảnh trong phim không chỉ có ý nghĩa trực tiếp mà có cả những ý nghĩa bổ sung, giấu kín, tượng trưng.
Ngoài ra, ngôn ngữ điện ảnh còn được thể hiện ở việc dựng phim. Khán giả có thể xem một toàn cảnh có đến hàng vạn người và cũng có thể nhìn thấy rõ một người. Tất cả những điều này thật sự chỉ có điện ảnh làm được trong một khung cảnh, thông qua quay phim với các cỡ cảnh.
Một bộ phim được dựng lên do nối tiếp hàng loạt cảnh với nhau, tổ chức các hình ảnh sao cho câu chuyện có ý nghĩa. Bên cạnh đó việc dựng phim còn tạo ra các hiệu quả phụ, gây ngạc nhiên bằng việc ráp nối những hình ảnh này, và thông qua đó tạo cho tổng thể những hình ảnh mà ta sắp xếp có nhịp điệu, sức sống.
Lật Mặt mang ngôn ngữ điện ảnh riêng của Lý Hải
Có thể thấy, điện ảnh là thứ nghệ thuật gắn liền với sự sáng tạo. Mỗi đạo diễn có quyền dùng ngôn ngữ riêng của mình để truyền tải thông điệp mà họ muốn. Chúng ta khó có thể dùng quy chuẩn của Trương Nghệ Mưu mà nói Quentin Tarantino không biết làm phim hay theo như nhận xét của Martin Scorsese thì "Marvel chẳng phải điện ảnh".
Rõ ràng, các đạo diễn Marvel như anh em nhà Russo, James Gunn hay Jon Watts có cách làm phim riêng và truyền tải được những gì họ muốn. Lý Hải cũng vậy. Những bộ phim thuộc thương hiệu Lật Mặt đều mang tính đại chúng rất cao với phong cách hài hước dân dã, mang hơi hướm Châu Tinh Trì.
Những ý nghĩa trong phim của anh cũng rất gần gũi như tình bạn bè, anh em đồng nghiệp trong Lật Mặt (2015) và Lật Mặt 2: Phim Trường (2016), tình thân của ba người bạn tật nguyền, mô côi, nương tựa nhau mà sống từ bé trong Lật Mặt: 3 Chàng Khuyết (2018), tình mẹ con trong Lật Mặt: Nhà Có Khách (2019) và tình cảm gia đình trong Lật Mặt: 48H.
Nếu ở bộ phim đầu tay, chàng ca sĩ quê Mỹ Tho còn kém trong việc dàn dựng thì đến tác phẩm thứ hai, anh đã có thể tạo ra những trường đoạn đánh đấm đẹp mắt, kéo dài. Bộ phim cũng mang đến những đại cảnh chiến đấu giữa hàng chục nhân vật với những cảnh quay, động tác hoàn toàn khác nhau.
Lật Mặt: 3 Chàng Khuyết là phim hài hành trình với những lần treo mình cheo leo giữa dòng suối chảy xiết, băng rừng đầy gian nan của bộ ba bạn thân. Lật Mặt: Nhà Có Khách là những cảnh hù dọa bằng bối cảnh căn nhà âm u, không ánh sáng, chiếc xích đu cót két giữa đêm hay tiếng bước chân văng vẳng từ xa,…
Lật Mặt: 48H đánh dấu sự tiến bộ rõ rệt của Lý Hải trong từng cảnh quay. Rõ ràng, anh đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng khi đưa Hiền (Võ Thành Tâm) vào những tình huống "nghìn cân treo sợi tóc" khi bị kẻ thù bao vây tứ phía. Nhóm của A Dìn (Huỳnh Đông) biết chia nhau ra để truy bắt nạn nhân sát sao.
Những lần thoát hiểm của Hiền là biết cách tận dụng khéo léo mọi thứ có sẵn ở hiện trường. Lý Hải cũng mang đến những đại cảnh đua ca nô hoành tráng, có thể nhìn thấy dễ dàng từ trên cao giữa chợ nổi miền Tây hàng trăm ghe xuồng. Đây chẳng phải là ngôn ngữ điện ảnh sao?
Ngoài ra, thông điệp tình cha con của phim còn được thể hiện qua Hiền. Suốt thời lượng, anh chưa một lần nói những lời yêu thương. Song, khán giả hoàn toàn có thể cảm nhận được sự quan tâm, lo lắng cho vợ con khi Hiền âm thầm chịu mọi hiểm nguy để gia đình chạy trốn. Đây chẳng phải "show, don’t tell" sao?
Điểm yếu duy nhất của Lật Mặt: 48H chỉ là ở khâu kịch bản còn rườm rà, dễ đoán và kỹ thuật quay đôi khi chưa tốt. Song, nếu so sánh với những chi tiết khó mà anh đã dàn dựng được qua những cảnh hành động phức tạp, trên đủ mọi địa hình thì điều này không quá quan trọng.
Nhìn chung, Lật Mặt: 48H là một bước tiến lớn về tay nghề và ngôn ngữ điện ảnh riêng của Lý Hải. Nếu dùng những quy chuẩn "tự đặt" để nhận xét tay nghề của anh là yếu kém thì quả thật là phiến diện và chủ quan.
Nguồn ảnh: Tổng hợp