Trong tiềm thức của người dân Việt Nam từ rất lâu, tiếng trống luôn gắn liền với các ngày lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Âm thanh rộn ràng của tiếng trống chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Và đến với làng trống Đọi Tam (xã Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam) những ngày cận Tết này, chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh những mảnh trống chất đầy trước nhà. Tiếng người lao động, tiếng của máy bào, máy xẻ chạy ầm ầm vọng ra từ những hộ gia đình làm trống
Làng nghề trống Đọi Tam, nằm dưới chân núi Đọi - một trong những ngọn núi có vị thế và cảnh đẹp ở Hà Nam. Đây cũng là quê hương của hai quả trống Sấm lớn nhất Việt Nam và giàn trống hội phục vụ đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.
Nghề làm trống ở Đọi Tam có lịch sử trên 1.000 năm. Người già đến trẻ nhỏ xã Đọi Sơn đều thuộc lòng truyền thuyết về hai anh em ông tổ làng nghề Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản. Khi xưa, nghe tin vua Lê Đại Hành sắp về làng làm Lễ tịch điền để khuyến nông, hai ông liền về nhà hạ cây mít trong vườn, thịt con trâu lấy bộ da để làm trống đón vua. Mùa xuân năm Thiên Phúc thứ 7 thời vua Lê Đại Hành (tức năm 987), Ngài đã xuống ruộng hành lễ tịch điền ở Đọi Sơn trong tiếng trống của anh em Năng, Bản.
Cũng chính bởi tiếng trống vang như sấm mà sau này hai ông được tôn làm Trạng Sấm và Đọi Sơn là làng nghề hiếm hoi trong cả nước biết rõ được năm sinh, năm mất của cụ tổ nghề Nguyễn Đức Năng (925-990).