Ái Tân Giác La Phổ Nghi là vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, lên ngôi khi mới 2 tuổi (cả tuổi mụ là 3), niên hiệu là Tuyên Thống.
Người đời từng nghe không ít các câu chuyện chứng minh một sự thật hiển nhiên: Triều đại hỗn loạn, căn nguyên cũng vì "quân chủ còn nhỏ mẫu thân thâu tóm quyền lực", hoàng thượng ít tuổi sẽ dễ dàng bị mẫu hậu thâu tóm quyền lực, độc đoán chuyên quyền.
Dưới thời nhà Thanh, Từ Hi là một hình mẫu điển hình cho thực trạng này. Mọi chuyện lớn nhỏ đều do Từ Hi thái hậu đứng ra làm chủ.
KÝ ỨC CỦA PHỔ NGHI VỀ TỪ HI THÁI HẬU
Nhưng tại sao Từ Hi thái hậu lại lựa chọn Phổ Nghi thay thế cho Quang Tự đế? Nguyên do là bởi mối quan hệ giữa Quang Tự đế và Từ Hi thái hậu vô cùng căng thẳng.
Từ Hi thái hậu theo phe bảo thủ còn Quang Tự đế lại ủng hộ Biến pháp Mậu Tuất, thế nên Từ Hi từ lâu đã muốn phế bỏ ngôi vị của vua. Nhưng Quang Tự đế lại chưa có con nối dõi, Từ Hi tuổi cũng đã cao, không còn cách nào khác đành phải lựa chọn một người kế vị trong số con cháu xung quanh.
Trong số những người con cháu khi đó, Phổ Nghi - con trai của Thuần thân vương Tái Phong là người có quan hệ huyết thống gần nhất. Không những thế Từ Hi cũng vô cùng yêu mến Tái Phong, chính vì thế Phổ Nghi trở thành người kế vị lý tưởng nhất của Thanh triều bấy giờ.
Trong cuốn tự truyện "Nửa đời trước của tôi", Phổ Nghi từng mô tả ấn tượng của mình khi lần đầu diện kiến Từ Hi như sau: Lần đầu tiên gặp Từ Hi thái hậu, tôi vẫn còn nhớ rõ những gì xảy ra hôm đó. Vì quá ư kích động khi phải đứng trước một bức màn tối đen, lạnh lẽo, phía bên trong tấm màn thấp thoáng khuôn mặt gầy gò vô cùng xấu xí, tôi đã khóc òa lên."
Ảnh Phổ Nghi khi còn nhỏ.
Từ Hi sai người mang tới cho Phổ Nghi cây kẹo hồ lô, liền bị cậu bé là tôi khi đó vứt đi ngay lập tức, khóc lóc đòi tìm nhũ mẫu. Từ Hi vô cùng tức giận, nói: "Đứa trẻ này thật khó chịu, bế ra đằng kia chơi đi"!
Thật khó để đánh giá lời nói của Phổ Nghi đáng tin hay không, chỉ biết rằng khi đó Từ Hi đã ngoài bảy mươi tuổi, còn Phổ Nghi chỉ mới hai, ba tuổi. Đối với một đứa trẻ, khái niệm xấu đẹp chưa hẳn đã rõ nét.
DUNG MẠO THỰC SỰ CỦA TỪ HI RA SAO?
Vậy thì dung mạo của Từ Hi rốt cục như thế nào, liệu có thể coi là mỹ nhân hay không? Đáng tiếc, lịch sử không hề lưu lại bất kỳ tấm ảnh thời trẻ nào của Từ Hi, ngoài những lời suy đoán xung quanh.
Năm Hàm Phong thứ 2, Từ Hi thể hiện xuất sắc trong cuộc thi tuyển tú, trở thành một trong những phi tần của Hàm Phong đế. Năm đó, bà mới 17 tuổi, phong hiệu Lan quý nhân, và tiếp tục được tấn phong là Ý tần năm 19 tuổi. Năm 21 tuổi, bà sinh hạ Tái Thuần, hoàng tử duy nhất của Hàm Phong đế, được tấn phong là Ý Phi, 22 tuổi được phong quý phi.
Chỉ trong mấy năm ngắn ngủi, Từ Hi đã nhanh chóng trở thành quý phi, đủ thấy Hàm Phong đế sủng ái bà nhường nào. Như vậy, nói Từ Hi không xinh đẹp thì thật không hợp lý chút nào.
Cuối đời, bên cạnh Từ Hi luôn có 8 cung nữ theo hầu, trong đó Đức Linh là cung nữ được sủng ái nhất. Khi đó, Đức Linh là cô gái Trung Quốc hiếm hoi được nhận nền giao dục phương Tây, tinh thông nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp và Nhật.
Người này tự tay biên soạn 1 cuốc sách mang tên "Ngự hương phiêu diêu lục". Cuốn sách này từng tán thưởng dung mạo của Từ Hi: "Người trong cung thường ca ngợi, khi thái hậu đương xuân thì, phong thái duyên dáng yêu kiều, đường nét thanh thoát, đôi mắt long lanh. Mặc dù năm tháng đi qua để lại dấu vết trên gương mặt, nhưng khi lão niên, người vẫn giữ được vài phần xinh đẹp lay động lòng người."
Là một nhân vật lịch sử tận mắt chứng kiến và trải qua cuộc sống bên cạnh Từ Hi, Đức Linh lưu giữ những sử liệu quý báu về cuộc sống trong cung đình Thanh triều, trở thành tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu học thuật và sáng tác văn học hậu thế, với độ tin cậy rất lớn.
Tất nhiên ở tác phẩm này, Đức Linh cũng gây ra khá nhiều tranh cãi, đặc biệt là những mô tả của cô về Từ Hi tán dương theo kiểu hùa theo xu nịnh đến mức khó tin.
Trong cuốn "Từ Hi tả chiếu ký", tác giả Cathleen Carl từng viết, thái hậu Trung Hoa đã đi tới trước mặt ông, yêu cầu ông không được vẽ bà quá già, bỏ bớt đi một số nếp nhăn, và điểm thêm vài phần tươi tắn, xinh đẹp trên khuôn mặt bà. Cuối cùng Cathleen Carl đã dựa theo yêu cầu của Từ Hi, vẽ một bà lão gần bảy mươi tuổi với nét tươi trẻ, nõn nà như người phụ nữ đương xuân thì.
Bức tranh sơn dầu mà Cathleen Carl vẽ cho thái hậu ban đầu được lưu giữ bởi bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian, và hiện đang ở Đài Loan. Trong bức hình, Từ Hi thái hậu mặc hoàng bào, tay đeo 1 cặp vòng và hộ chỉ làm bằng phỉ thúy, trên tóc có đính hồ điệp ngọc và hoa tươi. Tất cả y phục và trang sức đều hết sức lộng lẫy.
Tranh chân dung Từ Hi Thái hậu lên báo nước ngoài.
Mặt khác, Từ Hi thái hậu vốn đươc khắc họa trên phim ảnh cổ trang, hay những bức ảnh lịch sử còn lưu lại với nét mặt cứng nhắc, nghiêm nghị. Cho dù thế nào, người đời vẫn không nhận ra được khí chất của một mỹ nhân toát ra ở bà.
Thế nhưng, suy cho cùng hậu cung giai lệ, ắt hẳn ai trong số họ cũng phải là một mỹ nhân, trải qua đủ bước tinh chọn kỹ càng. Chưa kể Hàm Phong đế lại nhất mực sủng ái Từ Hi, có thể thấy dung mạo của bà cũng không hề tầm thường.
Tất nhiên nếu chỉ đơn thuần dựa vào sắc đẹp thì Từ Hi khó mà giành được yêu mến của hoàng thượng.
Lại nói về Hàm Phong đế, ông vốn dĩ thể trạng yếu ớt, nhiều bệnh. Tình hình vương triều khi đó lại rối ren, thù trong giặc ngoài, phía bắc có liên minh Anh Pháp xâm lược, phía Nam là khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc, khiến Hàm Phong đế sức cùng lực kiệt.
Khi đó, Từ Hi am hiểu thư pháp, thông thạo Mãn văn, Hán Văn, thường xuyên chấp bút thay hoàng thượng phê duyệt tấu chương. Không những thế, Hàm Phong đế còn cho phép bà bày tỏ ý kiến của mình.
Quả thật Từ Hi không chỉ nhờ vào dung mạo xinh đẹp mà còn dựa vào tài năng xuất sắc của mình để nổi bật giữa hậu cung hàng ngàn giai nhân của hoàng đế, trở thành phi tử được sủng ái nhất của vua. Đương nhiên không thể không nói tới ưu thế lớn nhất của bà là sinh ra vị hoàng tử duy nhất của Hàm Phong đế, sau này là Đồng Trị đế, mở ra trang sử đầy biến động của triều đại nhà Thanh.