Đồ điện tử như điện thoại sở hữu rất nhiều rủi ro và đôi khi có thể khiến chúng ta "phát điên" vì bỗng dưng lăn ra hỏng không vì lý do gì hết. Tuy nhiên, cũng có những lúc đó không phải lỗi của chúng mà chính cách sử dụng của bạn khiến tuổi thọ của thiết bị giảm đi đáng kể.
Vì thế, hãy note lại ngay những điều quan trọng dưới đây để đảm bảo bạn không phải tốn cả núi tiền chỉ sau một thời gian ngắn vì cần thay điện thoại liên tục.
Thường xuyên vệ sinh cổng sạc
Cổng sạc là một trong những vị trí dễ bị bám bụi và điều này sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình sạc của máy. Để vệ sinh cổng sạc, bạn có thể dùng que vệ sinh chuyên dụng để loại bỏ bụi bẩn. Hãy chú ý thật nhẹ nhàng và cẩn thận để không làm hỏng hoặc xước cổng sạc.
Không để điện thoại lên táp lô ô tô
Một thói quen hiện hữu với người hay đi xe ô tô là "tiện tay" để điện thoại lên táp lô. Tuy nhiên, kể cả khi có sử dụng các loại đế chống trượt, điều này cũng không chắc chắn giúp điện thoại của bạn an toàn khỏi các cú rơi khi tăng tốc hoặc phanh gấp. Thay vào đó, hãy để hẳn trong hộc để đồ cạnh ghế lái hoặc trên giá giữ chuyên dụng.
Không bỏ điện thoại vào thùng gạo để hút ẩm
Hút ẩm bằng thùng gạo không phải là một cách tốt để cứu chiếc điện thoại bị ướt của bạn. Thay vào đó, hãy sử dụng các tính năng đẩy nước tự động, cho vào tủ chống ẩm chuyên dụng hoặc mang tới cửa hàng sửa chữa gần nhất.
Mang điện thoại đi bảo hành thường xuyên
Đa số người dùng không hề có khái niệm "bảo hành" chứ đừng nói là mang đi kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, việc này về lâu về dài sẽ giúp điện thoại của bạn tránh được những rủi ro đột tử, cũng như có thể giữ giá tốt hơn trong trường hợp cần bán lại. Tùy vào chế độ hậu mãi, bạn cũng sẽ có thể tiết kiệm thêm tiền.
Không để điện thoại trong túi quần sau
Chưa nói tới nguy cơ gặp nạn "hai ngón" hay cảm giác cấn khó chịu khi ngồi, việc để điện thoại ở túi quần sau có thể khiến bạn rút ra một mớ hỗn độn méo mó của nhôm và kính - phần còn lại của thiết bị yêu quý của bạn. Nếu không có túi quần trước, tốt hơn hết là hãy để trong túi xách hoặc túi đeo theo người.
Tắt Bluetooth/ AirDrop khi không dùng đến
Ngoài việc tốn pin, việc tắt AirDrop, Bluetooth đặc biệt là tại nơi công cộng sẽ giúp bạn tránh được việc lây lan mã độc hoặc quấy rối không mong muốn.
Sạc điện thoại trước khi pin cạn hẳn
Các chuyên gia đều đồng ý là bạn không nên để cho điện thoại sập nguồn vì hết pin bởi điều này sẽ ảnh hưởng rất xấu tới tuổi thọ pin của bạn.
Cập nhật phần mềm thường xuyên
Việc này không chỉ giúp cho bạn có thể sử dụng những tính năng mới nhất, mà còn sửa mọi lỗi phần mềm trong quá trình sử dụng cũng như giúp tối ưu pin và nâng cao bảo mật.
Hạn chế sạc ở ổ cắm công cộng hoặc dùng Wi-Fi miễn phí
Ổ cắm USB và Wi-Fi miễn phí ở các điểm công cộng như sân bay là một môi trường tuyệt vời cho các hacker ăn cắp các thông tin nhạy cảm và cá nhân của bạn. Thay vào đó, để bảo mật nhất có thể, hãy sử dụng cục phát Wi-Fi di động, dữ liệu di động và mang sạc dự phòng.
Không dùng armband (bao đeo tay giữ điện thoại) khi tập thể dục
Armband là một công cụ hữu hiệu để mang điện thoại theo khi bạn chạy bộ hoặc tập thể dục. Tuy nhiên, việc thiếu không khí lưu thông, tiếp xúc với mồ hôi, hơi nóng và độ ẩm trong thời gian dài của buổi tập sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến các linh kiện trong máy. Tối ưu, bạn hãy sử dụng smartwatch hoặc vòng tay fitness khi tập thể dục.
Theo: BrightSide