Có nên đầu tư "mạnh tay" cho nội thất sau khi mua nhà
Nhật Linh (32 tuổi) đã mua căn hộ 128,4m2 ở quận Tây Hồ, Hà Nội với giá 7,2 tỷ đồng và chi 1,5 tỷ đầu tư cho nội thất. Đây là căn nhà thứ 3 của vợ chồng Nhật Linh. Trước câu hỏi có nên đầu tư cho nội thất nhà cửa hay không, Nhật Linh chia sẻ rằng điều này phụ thuộc vào mục đích sử dụng của mỗi người. Nếu bạn có ý định ở tại ngôi nhà đó lâu dài thì nên đầu tư cho nội thất, tạo ra không gian phù hợp với nhu cầu và ưng ý nhất về thẩm mỹ cho cá nhân cũng như gia đình. Hơn thế nữa, nếu vào ở và sinh sống một thời gian rồi mới sửa chữa thì mang lại rất nhiều bất tiện cho sinh hoạt hàng ngày.
Còn đối với Thuỵ Ân (29 tuổi, Đà Nẵng) đầu tư nội thất vô cùng cần thiết, giúp tối đa tiện nghi trong sinh hoạt cũng như làm nổi bật được tính cách của gia chủ. "Người ta thường hay nói bước vào ngôi nhà của một người thì sẽ biết được họ là ai. Do vậy, mình nghĩ xây nhà không cần quá rườm rà về phần thô nhưng nội thất nên đầu tư phù hợp với thiết kế và bố trí tinh tế". Thuỵ Ân đã có kinh nghiệm xây căn nhà 2 tầng vào năm 2022.
Cần chuẩn bị trước khi gặp KTS để tránh mất tiền oan
Trước khi Thuỵ Ân bắt tay "làm nhà", cô đã định hình phong cách mà bản thân hướng đến. Sau đó, cô bạn lên mạng tìm những hình ảnh đúng nhất với hình dung của bản thân trong tất cả các hạng mục như: phòng khách, phòng ngủ, toilet, nhà bếp,... rồi làm thành file và gửi cho bên KTS nắm được mong muốn của bản thân.
Hơn thế nữa, bởi vì làm nhà vào thời điểm vẫn còn những hạn chế từ câu chuyện giãn cách xã hội, phần lớn thời gian Thuỵ Ân liên hệ với KTS qua hình thức online. Trong đó, nếu có gì không rõ, cô sẽ nói lại với bên nhà thầu trực tiếp để nhanh chóng giải quyết vấn đề. Cô cũng nhấn mạnh rằng mọi người nên chốt bản thiết kế cẩn thận để trong quá trình thi công, không chỉnh sửa quá nhiều sẽ dễ dẫn đến phát sinh cho chủ nhà.
"Còn về cách tính chi phí, theo kinh nghiệm cá nhân khi xây nhà, chi phí phần hoàn thiện sẽ tương đương hoặc nhiều hơn phần thô tuỳ vào điều kiện của gia chủ. Ví dụ, nhà mình phần thô hết 650 triệu và hoàn thiện thêm 650 triệu, đây là con số chưa bao gồm các thiết bị như tủ lạnh, máy giặt, tivi…. Nếu phần thô nhà các bạn 1 tỷ, phần hoàn thiện sẽ rơi vào 1 đến 1,5 tỷ nữa".
Tổng chi phí xây nhà của Thuỵ Ân là 1,3 tỷ đồng
Mặt khác, Nhật Linh cho rằng mẹo duy nhất để làm việc hiệu quả với KTS là bạn phải định hình được bản thân muốn gì cho ngôi nhà. Ví dụ về phong cách thiết kế, gam màu sắc, công năng chi tiết từng khu vực. Từ đề bài đó, KTS sẽ có những lời khuyên và sự điều chỉnh sao cho tối ưu về chi phí và phù hợp nhất với yêu cầu của bạn. Vì nếu bạn không biết mình muốn gì, KTS không thể cho bạn lời khuyên chuẩn xác. Điều này sẽ dẫn tới việc 2 bên không hiểu nhau, mất thời gian trong khâu trao đổi và thành quả làm ra chưa chắc đã khiến bạn ưng ý.
Hơn thế nữa, hãy thống nhất ý kiến giữa các thành viên về phong cách cũng như ý tưởng thiết kế trước khi tìm tới đơn vị thiết kế. Bởi vì nếu không, KTS sẽ không biết nên nghe ai, theo ai dẫn tới mất thời gian sửa chữa. KTS rất sợ điều này, nên hãy thống nhất riêng với nhau và để 1 người trong nhà đại diện làm việc với KTS.
Làm sao để tìm được KTS phù hợp với phong cách cá nhân và uy tín?
Theo Nhật Linh, để tìm được KTS phù hợp, hãy định hình được phong cách thiết kế. Sau đó tìm hiểu trên MXH các đơn vị thiết kế với phong cách tương tự hoặc nhờ bạn bè người thân giới thiệu thêm nếu họ biết, xem các sản phẩm thiết kế họ đã làm xem có khiến bạn ưng ý không. Sau đó, liên hệ trao đổi sơ bộ với họ về nhu cầu của bạn để xem phong cách làm việc và gu về thẩm mỹ. Tiếp đến là chi phí thiết kế và thời gian tiến hành thiết kế có phù hợp kinh phí và thời gian có phù hợp hay không. Nếu tất cả đều ổn thì hãy chốt đơn vị thiết kế đó.
Còn đối với Thuỵ Ân, cô đã tìm đến công ty của bạn vì lo ngại cũng như có tâm lý sợ bên nhà thầu sẽ báo nhiều hạng mục phát sinh, hoặc làm không chất lượng, hoặc tư vấn không có tâm,... "Mình nghĩ các bạn nên tìm nhà thầu được bạn bè giới thiệu hoặc nếu không biết ai luôn thì nên tìm các trang thi công uy tín nhất có thể".