Lạm phát trong nước tăng vọt, nhóm G7 hội họp tung chiêu độc vào "xương sống" kinh tế Nga

An An | 27-06-2022 - 11:24 AM

(Tổ Quốc) - Động thái này nhằm ngăn không cho Nga bán dầu giá cao cũng như giảm áp lực lạm phát ở phương Tây do thiếu nhiên liệu.

EU tăng nhập khẩu dầu Nga

Châu Âu đã tăng lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga, bất chấp gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU) đối với Moscow vừa được đồng thuận cách đây chưa đầy một tháng.

Theo dữ liệu theo dõi tàu chở dầu do Bloomberg tổng hợp, các nhà máy lọc dầu của lục địa già đã nhập 1,84 triệu thùng dầu/ngày từ Nga vào tuần trước nữa. Đây là mức tăng lần thứ 3 hàng tuần liên tiếp và là mức cao nhất mà châu Âu, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận trong gần hai tháng.

Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này được cho là một phần do Litasco SA, chi nhánh thương mại của nhà máy sản xuất dầu ngoài quốc doanh lớn nhất nước Nga Lukoil, vận chuyển các thùng hàng tới các nhà máy lọc dầu của công ty ở Ý, Romania và Bulgaria, và một phần do Thổ Nhĩ Kỳ mua nhiều hơn.

EU đã thông qua lệnh cấm một phần đối với dầu của Nga vào tháng trước, cam kết ngừng nhập đến 90% tổng lượng dầu Nga vào năm tới. Lệnh cấm này áp dụng với dầu thô được vận chuyển bằng đường biển nhưng miễn trừ đối với một số lượng dầu thô nhập khẩu bằng đường ống trên đất liền.

Đầu tháng này, tờ The Economist (Anh) cho hay, nguồn cung dầu Nga vào EU đã tăng 14% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4, bất chấp cam kết giảm nhập khẩu của lục địa này.

Lạm phát trong nước tăng vọt, nhóm G7 hội họp tung chiêu độc vào xương sống kinh tế Nga - Ảnh 1.

EU dù cấm nhưng vẫn tăng cường nhập khẩu dầu Nga. Ảnh: Getty

G7 xem xét áp đặt giá trần với dầu Nga

Mức giá trần được đề xuất đối với dầu thô và khí đốt thiên nhiên, được xem là "xương sống" của nền kinh tế Nga, nhằm ngăn không cho Nga bán dầu giá cao cũng như giảm áp lực lạm phát ở phương Tây do thiếu nhiên liệu.

Nguồn tin của Bloomberg tiết lộ, các nhà lãnh đạo G7 tin rằng biện phát này sẽ đạt hiệu quả nhờ những dấu hiệu trên thực tế.

"Việc áp trần giá nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu từ Nga có mục tiêu địa chính trị cũng như kinh tế và xã hội", Thủ tướng Ý Mario Draghi phát biểu trong phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh G7 hôm 26/6 tại Đức. "Chúng ta cần giảm nguồn thu của Nga. Và chúng ta cần loại bỏ một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát. Chúng ta phải tránh những sai lầm mắc phải sau cuộc khủng hoảng năm 2008".

"Chúng ta phải giảm thiểu tác động của việc tăng giá năng lượng, bồi thường cho các gia đình và doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cũng như đánh thuế các công ty thuế sinh lợi đột biến", Thủ tướng Ý nói thêm.

Mức giá trần sẽ được áp đặt bằng cách yêu cầu các tổ chức bán độc quyền chịu trách nhiệm bảo đảm cho các tàu chở dầu của Nga rằng họ sẽ bị trừng phạt nếu cho phép bán dầu trên một mức giá cố định. Khoảng 95% bảo hiểm trách nhiệm tàu chở dầu trên thế giới được xử lý thông qua một cơ quan bảo hiểm có trụ sở tại Luân Đôn, tổ chức này phải tuân thủ luật pháp Châu Âu.

Đề xuất này đã được Mỹ thúc đẩy mạnh nhất, theo Bloomberg.

Sản lượng xuất khẩu dầu Nga đã giảm do áp lực của các lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng doanh thu trên mỗi thùng của nước này vẫn tăng do giá dầu cao trên toàn cầu, trái ngược với những gì các nhà lãnh đạo phương Tây mong muốn.

Mỹ và Canada đã cấm nhập khẩu dầu của Nga trong khi Liên minh châu Âu đã đồng ý cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển.

Đức có lẽ là quốc gia duy nhất trong G7 không thoải mái về giá trần. Berlin lo ngại sự rạn nứt trong EU về đề xuất này và Nga có thể sẽ ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn cho châu Âu. Nga đã cắt giảm 60% lượng khí đốt vào tuần trước, với lý do chậm trễ trong việc sửa chữa thiết bị, nhưng G7 không coi lời giải thích đó là đáng tin cậy. Việc ngừng nhập khẩu hiện tại sẽ khiến châu Âu gặp khó khăn trong việc tích trữ lượng khí đốt cần thiết để tồn tại trong một mùa đông tới.

Các nước EU hiện phải lấp đầy kho dự trữ khí đốt ở mức tối thiểu là 80% nhưng họ đang thiếu rất nhiều.

Lạm phát trong nước tăng vọt, nhóm G7 hội họp tung chiêu độc vào xương sống kinh tế Nga - Ảnh 2.

Các nhà lãnh đạo G7 gặp mặt tại Đức để lên kế hoạch đối phó Nga. Ảnh: AP

Dầu Nga đổ dồn sang châu Á

Dữ liệu theo dõi hàng tuần của Bloomberg cho thấy, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn là những khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Nga.

Châu Á hiện đang tiếp nhận một nửa trong tổng lượng dầu thô xuất khẩu của Nga. Con số này tăng 1/3 so với đầu năm.

Các chuyến dầu thô đến châu Á chủ yếu chỉ đến hai quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ. Các chuyến hàng vận chuyển bằng đường biển đến Trung Quốc đạt trung bình khoảng một triệu thùng dầu/ngày.

Ấn Độ đã nổi lên là "vị cứu tinh" cho xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga, với khối lượng trung bình hơn 600.000 thùng/ngày trong 4 tuần tính đến ngày 17/6, tăng từ mức chỉ 25.000 thùng/ngày hồi đầu năm.

Ngoài Ấn Độ, Nga vẫn chưa tìm được khách mua dầu thô mới nào đáng kể ở châu Á.

Nga đã mất gần 2/3 thị trường tiêu thụ dầu thô bằng đường biển ở Bắc Âu, nhưng khối lượng xuất khẩu của nước này đã ổn định trở lại sau mức giảm ban đầu.

Các lô hàng đến khu vực này đạt trung bình khoảng 450.000 thùng/ngày trong 4 tuần tính đến ngày 17/6, giảm so với gần 1,25 triệu thùng/ngày trong 4 tuần đầu năm, nhưng ít thay đổi trong tháng qua.

Lạm phát trong nước tăng vọt, nhóm G7 hội họp tung chiêu độc vào xương sống kinh tế Nga - Ảnh 3.

Estonia sẽ mất thêm chi phí lớn nếu ngừng nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Nga.

Nước EU đánh giá tác động ngừng nhập khẩu từ Nga

Hãng tin RT cho biết, theo Trung tâm Tầm nhìn thuộc viện nghiên cứu của Quốc hội Estonia dự đoán, các doanh nghiệp Estonia phụ thuộc vào hàng hóa và nguyên liệu thô nhập khẩu từ Nga và Belarus sẽ phải đối mặt với chi phí bổ sung 860 triệu euro hàng năm.

Việc thay thế hàng hóa được cung cấp từ Nga và Belarus rất phức tạp do thị trường nội địa của Estonia thiếu thặng dư.

"Ở một số danh mục nhất định, hàng hóa từ các quốc gia khác đắt hơn đáng kể, mặc dù đôi khi chúng cũng có thể có giá cả phải chăng hơn một chút", chuyên gia Uku Varblane của Trung tâm Tầm nhìn cho biết.

"Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đầu vào sản xuất từ Nga và Belarus luôn có thể dễ dàng thay thế vì chúng có thể có các tính năng cụ thể phù hợp với sản phẩm do các doanh nghiệp Estonia thiết kế," nhà phân tích nói thêm.

Theo báo cáo, việc thay thế nhập khẩu nhiên liệu, sản phẩm gỗ, kim loại và các sản phẩm kim loại, cũng như muối và vải lanh, sẽ dẫn đến chi phí bổ sung lớn nhất.

Ông Varblane cảnh báo: “Ví dụ, 3/4 dây sắt nhập khẩu vào Estonia là từ Nga hoặc Belarus, và việc tìm kiếm các sản phẩm thay thế sẽ đồng nghĩa với việc tăng 81% chi phí".

Theo báo cáo, các sản phẩm nhập khẩu chính từ Nga và Belarus là nhiên liệu và tài nguyên thiên nhiên (60%), gỗ và sản phẩm gỗ (13,8%), sản phẩm kim loại (9,2%) và sản phẩm công nghiệp hóa chất (7,2%).

Báo cáo nhấn mạnh rằng năm ngoái Nga là đối tác thương mại lớn thứ hai của Estonia sau Phần Lan, trong khi Belarus đứng thứ mười.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.