Tự nhận là tay ngang trong ngành, anh bén duyên với giải trí, nghệ thuật thế nào?
Trước đây, tôi học về xuất nhập khẩu. Giống như nhiều bạn trẻ khác, tôi cũng muốn tìm một công việc phù hợp với ngành đã học.
Tuy nhiên, trong quá trình đi làm, tôi cảm thấy vô nghĩa, cứ làm mãi những việc lặp lại. Tôi muốn tạo nên sự khác biệt. Lúc ấy, mọi thứ đều rất mơ hồ.
Sau khi thử qua 1-2 nơi, tôi quyết định bằng mọi giá phải làm việc cho một công ty nước ngoài. Tôi nộp nhiều hồ sơ, cũng được nhiều bên gọi, cuối cùng tôi chọn vào MegaStar.
Vị trí trợ lý quản lý rạp có rất nhiều người, lương tôi là thấp nhất, chỉ hơn 5 triệu VNĐ. Khi ấy, tôi cũng không quan tâm lắm đến thù lao, vì là tay ngang nên cắm cúi làm việc. Tôi quyết bám trụ ở đây để học sự chuyên nghiệp, xem cách các công ty nước ngoài đào tạo nhân sự.
Thành tựu lớn nhất anh đạt được trong khoảng thời gian đó là gì?
Một lần, tôi vô tình gặp chị kế toán làm cùng khi đi thang máy. Chị ấy nói rằng Châu là người thăng tiến nhanh nhất trong công ty.
Cứ khoảng 9 tháng tôi lại được thăng chức, từ trợ lý lên quản lý một rạp nhỏ, sau chuyển sang quản lý rạp lớn hơn, rồi quản lý nhiều cụm rạp, thậm chí là là cả khu vực miền Nam. Cuối cùng, tôi hỗ trợ quản lý cho toàn bộ hệ thống Megastar, chỉ dưới giám đốc vận hành người nước ngoài.
Ngoài ra, tôi cũng dành nhiều thời gian để chia sẻ kinh nghiệm làm việc cho các bạn trẻ trong lúc làm việc cùng. Nhờ vận dụng được những kiến thức tôi chia sẻ, nhiều bạn trẻ từ những sinh viên đi làm thêm đã trở thành quản lý của cả một cụm rạp. Đến tận bây giờ khi gặp lại, họ vẫn nhớ và nhắc về những kỷ niệm đẹp ấy. Tôi rất hạnh phúc khi nghe được những điều đó.
Từ “lính tò te” trở thành quản lý cấp cao trong thời gian ngắn, bí quyết nào đã giúp anh thăng tiến “thần tốc” đến vậy?
Đầu tiên là ý chí, tinh thần tự giác và đam mê học hỏi, luôn chuẩn bị trước những kiến thức cần thiết. Thứ hai là khao khát chinh phục, cũng như sự hỗ trợ nhiệt tình từ các đồng nghiệp.
Tất nhiên, không thể thiếu sự may mắn. Tôi có cơ hội làm việc với hai người sếp tuy khắt khe nhưng rất giỏi và thấu hiểu.
Vị thứ nhất là Tổng giám đốc người New Zealand gốc Malaysia. Anh dành nhiều thời gian để chia sẻ với tôi những triết lý sống thú vị, những nguyên tắc làm việc cần thiết của một người thành công. Vị thứ hai là Giám đốc vận hành người Argentina. Tôi ngưỡng mộ sự tỉ mỉ, cẩn thận và dũng cảm của chị ấy.
Tôi luôn lắng nghe và tiếp thu những lời khuyên từ cấp trên, để áp dụng mỗi khi đưa ra quyết định trong công việc. Nhờ vậy, tôi lại càng thấm thía: trò giỏi thì thầy giỏi sẽ xuất hiện.
Rồi cơ duyên nào đã đưa anh tới với M-TP Entertainment?
Một người bạn thân của tôi làm giám đốc marketing cho một nhãn hàng mà anh ấy hợp tác với công ty giải trí đang quản lý Sơn Tùng M-TP lúc bấy giờ. Anh ấy giới thiệu tôi với công ty giải trí lo mảng vận hành nên tôi có dịp làm việc với Tùng.
Ít lâu sau, tôi quyết định rời đi vì cảm thấy mình không còn phù hợp. Lúc này, Tùng cũng rời công ty và thành lập M-TP Entertainment. Khoảng 1 năm sau, tôi nhận được tin nhắn của Tùng, cậu ấy ngỏ ý muốn tôi điều hành công ty để tập trung hơn cho nghệ thuật.
May thay, tôi cũng đạt được những thành tựu nhất định trong khoảng thời gian gắn bó. 4 năm đó là khoảng thời gian khá thú vị.
Anh mất bao lâu cho quyết định rời khỏi ghế CEO đó?
Tôi đã mất tới 6 tháng để cân nhắc chuyện rời đi. Nhìn lại, đây quả thực là quyết định phù hợp.
Trước đó, tôi hay đùa rằng công ty như cậu học sinh tiểu học, còn tôi là giáo viên chủ nhiệm. Giáo viên chủ nhiệm chỉ theo được vài năm thôi, chứ không thể đi hết cả 12 năm học. Vì thế, tôi muốn dừng lại để những người tiếp theo có cơ hội thử sức.
Trước khi nhận lời làm CEO tại M-TP Entertainment, tôi đã không ít lần chia sẻ với Tùng về chuyện sẽ rời đi trong tương lai khi cần thiết. Bản thân tôi ghét sự nhàm chán, lại dễ bị thu hút bởi những thứ mới mẻ và đột phá.
Trong năm 2021, công ty bắt đầu có sự điều chỉnh về chiến lược. Cảm thấy con đường mới không phù hợp với sở trường của mình, tôi đã chủ động đề nghị rời đi, vừa để tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân, vừa để nhường cơ hội cho người giỏi hơn.
Rời M-TP Entertainment, anh còn điều gì tiếc nuối hay trăn trở không?
Ở công ty, linh hồn vẫn là Sơn Tùng M-TP. Tất cả mọi thứ được tạo nên từ người nghệ sĩ, còn tôi là quản gia, lên chiến lược, điều hành và sắp xếp công việc sao cho nghệ sĩ có nhiều cảm xúc và thời gian nhất. Tôi không thể làm một mình, mà phải có sự đồng hành của rất nhiều người. Do đó, mọi thành quả đều thuộc về tập thể.
Tôi rất trân trọng quãng thời gian làm việc với Tùng. Nhờ sự “chịu chơi” của cậu ấy, tôi cũng có dịp nỗ lực lăn xả để nâng cao năng lực của mình.
Bản thân Tùng đã là một “combo” của sự khác biệt. Cậu ấy hưởng ứng các đề xuất của tôi, mạnh dạn thử nghiệm, cũng như sẵn sàng chấp nhận các thách thức. Chẳng hạn, chúng tôi đã điều chỉnh tần suất đi diễn từ 2 show/tuần thành 2 tuần/show để tập trung gia tăng giá trị cho sản phẩm nghệ thuật.
Thực ra, nếu bảo “nuối tiếc” thì cũng hơi sớm, bởi công ty vẫn đang trên đà phát triển. Biết đâu trong tương lai vẫn có thể gặp lại nhau? Nhiều khi, tôi đi trước để đón đầu.
Đồng nghiệp của tôi đều là những người giàu kinh nghiệm. Họ sẽ kế thừa thành tựu của công ty trong những năm qua để tiến đến những thành công mới rực rỡ.
Lần thay đổi này, anh tiếp tục thử thách bản thân ở lĩnh vực gì?
Tôi có dành thời gian để tìm hiểu về những thứ mới mẻ như NFT, Metaverse,.... Tuy nhiên, trước mắt tôi sẽ dùng chính kiến thức và trải nghiệm của mình trong lĩnh vực giải trí để đóng góp chút sức lực nhỏ cho ngành.
Vì vậy, tôi quyết định thành lập Bamboo Artists Agency (BAA). Công ty mới này sẽ chỉ tập trung vào việc bảo vệ hình ảnh cho các nghệ sĩ, cũng như khai thác giá trị thương mại của họ một cách hiệu quả nhất bằng việc đại diện họ làm việc với đối tác, nhãn hàng hay hợp tác với các nghệ sĩ quốc tế.
Nhiều thương hiệu khác cũng chọn hình ảnh “cây tre” làm đại diện. Anh có được truyền cảm hứng từ việc đó không?
Lúc đặt tên, tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm Lĩnh vực giải trí đòi hỏi sự uyển chuyển, sự linh hoạt, sự nhanh nhạy và sức bền. Do đó, tôi đã lựa chọn hình ảnh cây tre, lấy cảm hứng từ tác phẩm “Tre Việt Nam” của nhà thơ Nguyễn Duy.
Dù sinh trưởng ở những nơi toàn sỏi đá khô cằn, cây tre vẫn vươn lên sừng sững. Tôi cũng như thế; việc khó thì phải thử bằng mọi giá, việc dễ quá lại không có hứng thú để làm. Chưa kể, tre đại diện cho tinh thần đoàn kết, cùng nhau đứng vững qua bão giông. Tôi muốn kết nối những người tài năng với nhau, để tạo nên thành tựu vang dội hơn cả những gì từng làm.
Thành lập BAA có phải là cơ hội để anh viết tiếp những giấc mơ chưa thành hiện thực của mình?
BAA ra đời với sứ mệnh trở thành mảnh ghép không thể thiếu của một nền công nghiệp giải trí - nghệ thuật.
Khi tôi sang Mỹ, đối tác từng nhận xét âm nhạc Việt Nam cũng rất thời thượng. Như vậy, thị trường của mình không thiếu tài năng, chỉ là các dự án chưa thực sự được đầu tư phù hợp để khán giả sẵn sàng rút ví.
Ở Mỹ, chỉ một bản hit cũng giúp bạn trở thành triệu phú và sống một cuộc đời dư dả. Ở Việt Nam, điều này chưa tồn tại. Tôi cảm thấy như vậy không tương xứng, nên muốn góp sức thay đổi.
Cây tre phải đứng gần nhau mới nên lũy, nên thành được. Nếu vì lợi ích bản thân, có lẽ tôi đã không quyết định rời công ty. Khi thành lập BAA, tôi khao khát trở thành cầu nối để các tài năng nghệ thuật tại Việt Nam được tỏa sáng và vươn xa.
Tôi hy vọng rằng năng lượng của bản thân sẽ chạm tới những người có chung tần số. Chúng tôi sẵn sàng kết nối với nhau, đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng và phát triển nền công nghiệp giải trí - nghệ thuật trong nước, bảo vệ nó trước làn sóng du nhập của văn hóa nước ngoài.
Thành lập công ty giải trí với định hướng công nghiệp hóa và đưa nền nghệ thuật Việt Nam vươn xa hơn, anh có nghĩ mình sẽ trở thành “đối thủ” của người cộng sự cũ?
Tôi không nghĩ bản thân có thể tạo ra sự cạnh tranh hay trở thành đối thủ của ai đó, bởi thị trường giải trí - nghệ thuật của Việt Nam chưa thực sự lớn. 100% của 0 vẫn là 0, nhưng 10% của 100 đã là 10. Việc gì mình phải chú trọng vào 0 mà không biến nó từ 0 thành 10, rồi thành 100? Như vậy, tất cả mọi người sẽ vui hơn nhiều.
Tất nhiên, khi nền giải trí - nghệ thuật phát triển đa dạng, sự xuất hiện của một đơn vị chuyên nghiệp như BAA là điều tất yếu để đáp ứng yêu cầu từ thị trường.
Nghệ sĩ bây giờ đều có quản lý, đại diện truyền thông, hay thậm chí là công ty riêng. Điều này sẽ gây khó khăn thế nào cho anh?
Giờ điện thoại nào cũng chụp được ảnh, nhưng mọi người vẫn bỏ tiền ra mua máy ảnh để có những tấm ảnh tốt.
Tương tự, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới có ê-kíp riêng, nhưng vẫn làm việc qua công ty đại diện để khai thác giá trị thương mại một cách tối ưu nhất. Một bộ máy chỉ tập trung bảo vệ hình ảnh của nghệ sĩ mỗi ngày bao giờ cũng đem lại kết quả tốt hơn. Đây chính là hướng đi của tôi.
Nghệ sĩ sẵn sàng bỏ cả tỷ đến hàng chục tỷ VND cho một MV ca nhạc. Số tiền đó chính là chi phí chỉ để người nghệ sĩ tạo ra sự độc đáo.
BAA được thành lập chỉ để xây dựng và khai thác hình ảnh cho nghệ sĩ, nên rất tự tin trong việc tôn vinh và tạo nên sự khác biệt về giá trị, trả lại đúng kết quả mà họ đã đầu tư. Khai thác tốt, sẽ mở đầu cho những thành công khác
Nếu có một đơn vị làm tốt khâu này, tại sao mình lại không chọn?
Anh còn tham vọng đưa cả đối tác và nghệ sĩ nổi tiếng nước ngoài về Việt Nam. Ý tưởng này không mới, nhiều “ông lớn” đã chật vật thực hiện, thậm chí là thất bại. Điều gì khiến anh tự tin rằng mình sẽ trở thành ngoại lệ?
Đúng vậy, trước tôi đã có nhiều người làm rồi. Tôi cũng biết rằng con đường này sẽ có nhiều thử thách.
Tuy nhiên, đây là việc cần thiết để góp vào hình thành nền công nghiệp giải trí nghệ thuật, nơi mà không thể thiếu các ngôi sao hàng đầu của Việt Nam và quốc tế. Việc giao lưu văn hoá và các show diễn tầm cỡ liên tục được tổ chức một cách chuyên nghiệp cũng sẽ tạo niềm cảm hứng lớn cho các nghệ sĩ trẻ trong tương lai.
Tôi có kinh nghiệm làm việc với các đối tác ở Thái Lan, Hàn Quốc và Mỹ, hy vọng sẽ là thuận lợi để giúp việc này xảy ra thường xuyên hơn.
So với thế giới, thị trường giải trí - nghệ thuật ở Việt Nam vẫn còn cách khá xa. Việc của tôi là góp sức vào hành trình nâng tầm nó trở thành một ngành công nghiệp, trong đó các khâu phối hợp với nhau nhuần nhuyễn.
Giới trẻ không ngại chi tiền cho các thần tượng nước ngoài, nhưng lại khá dè chừng trước các nghệ sĩ trong nước. Phải chăng nghệ sĩ Việt cần thay đổi cách thức xây dựng và quản lý hình ảnh để nâng tầm chính mình?
Khi làm Sky Tour, tôi thấy chỉ cần đầu tư chất lượng, thực hiện chuyên nghiệp thì khán giả sẽ không ngại chi tiền vì cảm giác thoải mái mà nó đem lại.
Việc xây dựng và quản lý hình ảnh, trước tiên, nằm ở nhận thức và mong muốn của nghệ sĩ. Mỗi nghệ sĩ có phong cách và tệp khán giả riêng. Hơn ai hết, họ hiểu người hâm mộ thích và không thích gì ở mình.
Ngày nay, thị hiếu của khán giả thay đổi rất nhanh. Các nghệ sĩ sẽ phải đối mặt với áp lực liên tục làm mới mình.
Anh đánh giá thách thức lớn nhất trên con đường kinh doanh sắp tới là gì?
Thật là khó! (cười). Tựu trung lại, có ba điểm mà tôi nhìn thấy rõ nhất.
Đầu tiên là việc bị từ chối. Hồi làm CEO M-TP Entertainment, công việc của tôi là từ chối những lời đề nghị hợp tác chưa tương xứng với nghệ sĩ. Bây giờ, ở cương vị founder của BAA, chắc chắn tôi phải đối diện với nhiều lời từ chối tương tự. Dù vậy, tôi sẽ vẫn kiên định với lý tưởng của mình, trở thành chỗ dựa vững chắc cho các nghệ sĩ.
Thứ hai là việc ít cơ hội thể hiện. Tuy nhiên, tôi tin rằng mình có thể tận dụng tối đa những cơ hội hiếm có này để tạo nên sự khác biệt trong từng lần hợp tác.
Cuối cùng là việc khó tìm kiếm tri kỷ. Con đường tôi chọn không hề dễ dàng, nhiều tiền bối cũng từng vấp ngã, hy sinh vì nó. Thế nhưng, giống như nhà thơ Nguyễn Duy đã viết: “Chẳng may thân gãy cành rơi / Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng”. Tôi quyết tâm bước tiếp với hy vọng sẽ gặp nhiều người đồng hành, để cuộc hành trình thêm vui vẻ và bớt nhọc nhằn.
Khởi nghiệp ở độ tuổi U40, anh cảm thấy có thuận lợi và khó khăn gì?
Mỗi người sẽ có những chia sẻ khác nhau, tùy vào trải nghiệm của họ. Với tôi, bây giờ mới chỉ là bắt đầu.
Khởi nghiệp ở tuổi này chắc chắn sẽ khác nhiều so với tuổi 20. Ở tuổi 20, tôi không có gì ngoài sự tự tin và ý thức rèn luyện bản thân. Hiện tại, tôi đã có vốn, kinh nghiệm, uy tín và các mối quan hệ để làm những việc tưởng chừng bất khả thi.
Khó khăn duy nhất là BAA sẽ cần thời gian để củng cố niềm tin của các nghệ sĩ và khán giả, cũng như tìm người có chung giấc mơ và sẵn sàng đồng hành với mình.
Trước đây, Châu Lê là CEO đi làm thuê, còn bây giờ tự làm chủ công ty của mình. Điều này sẽ có gì khác biệt?
Tôi vẫn làm việc với nhiều cổ đông, chỉ khác là kiêm thêm nhiệm vụ thúc đẩy mọi thứ tiến về phía trước.
Trước đây, tôi giúp nghệ sĩ tạo chỗ đứng khác biệt như một cách để kiểm chứng năng lực của bản thân, xuất phát từ mục đích cá nhân. Hiện tại, tôi muốn góp sức xây dựng một nền công nghiệp giải trí - nghệ thuật để tôn vinh các tài năng Việt lên tầm cao mới. Thay vì chỉ làm việc với một nghệ sĩ, tôi sẽ hỗ trợ nhiều nghệ sĩ phù hợp, cũng như các thế hệ tiếp theo.
Hiển nhiên, sứ mệnh này không hề dễ dàng. Tôi sẵn sàng đánh đổi thời gian, tiền bạc và công sức để chứng minh rằng mình “nói được, làm được”.
Là người đã gắn bó với giải trí - nghệ thuật suốt 15 năm qua và đang nuôi giấc mộng lớn, anh nghĩ những người như mình có cơ hội trở thành triệu phú không?
Trong thời gian qua, cứ 100 người làm nghệ thuật lại có khoảng 10-15 người trở thành triệu phú. Nếu hoạt động nghiêm túc và đầu tư phù hợp, các nghệ sĩ hoàn toàn có thể đạt mức thu nhập cao.
Trong tương lai, ngành này sẽ có rất nhiều triệu phú, thậm chí là tỷ phú USD.
Bản thân anh thì sao?
Khi còn ở M-TP Entertainment, tôi không chỉ là CEO mà còn là một cổ đông của công ty. Chỉ riêng thương hiệu Sơn Tùng M-TP đã có giá trị hàng chục triệu USD, chưa tính doanh thu công ty.
Tôi đã tích lũy được rất nhiều, cả về kinh nghiệm lẫn tài chính, nhưng không phải để phục vụ bản thân. Với tôi, niềm vui lớn nhất là chia sẻ và tạo cơ hội cho hậu bối. Tôi muốn đặt nền móng vững chắc để những người đi sau có thể tự tin kế thừa di sản và tạo nên kỳ tích.
Một doanh nhân phải có sứ mệnh đóng góp cho xã hội. Họ không những cần làm tốt việc của mình, mà còn phải lan tỏa năng lượng đó cho thế hệ tiếp theo. Chúng ta rồi cũng sẽ đi vào dĩ vãng, nhưng thay vì thỏa mãn ham muốn cá nhân, hãy cố gắng trở thành một phần của lịch sử huy hoàng.
Hôm nay bạn là triệu phú, nhưng chỉ một quyết định đầu tư sai lầm cũng có thể khiến bạn trắng tay. Mọi thứ chỉ mang tính tạm thời, quan trọng là biết cách đầu tư hoặc dùng tiền hợp lý.
Với tôi, việc trở thành triệu phú không ý nghĩa bằng việc đồng hành cùng các triệu phú khác, cùng họ tận hưởng thành quả do chính mình tạo ra. Và tôi đang trên đường thực hiện hóa ước mơ của mình đây (cười lớn).
Cảm ơn những chia sẻ của anh.
Chúng ta có thể làm giàu ở bất cứ độ tuổi nào nhưng lý tưởng nhất, hoàn hảo nhất chính là những năm tháng tuổi trẻ. Đã có sẵn "chất liều" bên trong, khả năng học hỏi nhanh nhạy và tâm thế sẵn sàng đứng lên dẫu vấp ngã, vậy thì còn chờ gì mà không Làm giàu tuổi 20.
Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn lên trang cá nhân ở chế độ công khai kèm hashtag #LamGiauTuoi20 #CafeF #Kenh14 hoặc gửi bài dự thi về BTC qua:
Website: Làm giàu tuổi 20
Email lamgiautuoi20@vccorp.vn
Fanpage Kenh14.vn và CafeF .
Chủ đề "Làm giàu tuổi 20" sẽ diễn ra từ 6/5/2022 đến 19/5/2022 với nhiều giải thưởng hấp dẫn:
Giải nhất: 20.000.000 VND
Giải Yêu thích do độc giả chọn: 2.000.000 VND
Giải yêu thích do BGK lựa chọn: 3.000.000 VND
Các bài dự thi chất lượng sẽ được đăng tải trên 2 trang tin CafeF và Kenh14.vn
Cuộc thi Làm giàu tuổi 20 được đầu tư thực hiện, phối hợp tổ chức bởi Kenh14.vn, CafeF cùng đơn vị đồng hành Ngân hàng số Cake by VPBank và sự góp mặt đặc biệt bởi các khách mời là Chuyên gia tài chính uy tín, những người có tầm ảnh hưởng và đam mê về lĩnh vực tài chính. Mọi thông tin chi tiết xem tại đây .