Theo nhiều ông lớn trong giới tài chính, muốn trở nên giàu có, bạn phải dùng cái đầu - không phải số tiền ví. Để giàu có, bạn phải tin rằng mình có thể sở hữu thứ ngoài tầm với nếu nỗ lực và cống hiến.
Jeff Bezos sở hữu khối tài sản trị giá 117 tỷ USD. Còn bạn thì sao? Có thể bạn vẫn đang làm công việc theo đúng chuyên ngành mà mình tốt nghiệp đại học.
Bạn có thể không tiết kiệm được nhiều vì chi phí sinh hoạt cao. Bạn cảm thấy lương mình quá ít.
Bạn còn thẻ tín dụng phải trả. Có thể bạn đang là sinh viên miệt mài học hy vọng sẽ kiếm nhiều tiền sau này. Thay vào đó, bạn lại gánh thêm khoản vay đại học trên vai.
Giàu có tưởng chừng như một giấc mơ quá xa vời. Bạn tự hỏi tại sao những tỷ phú, triệu phú ngoài kia lại có thể thành công từ khi còn trẻ.
Điều này khiến bạn bối rối và giận dữ. Bạn nghĩ họ quá may mắn, họ sinh ra đã ngậm thìa bạc, họ dùng chiêu trò để thành công.
Tệ hơn là, bạn nghĩ mình không đủ thông minh và vô dụng.
Giấc mơ mua biệt thự, siêu xe, đi du lịch vòng quanh thế giới sẽ mãi mãi chỉ là một giấc mơ không hơn, không kém. Bạn nhận ra sự thật phũ phàng là cuộc chơi này đã khó ngay từ giây đầu tiên và bạn đang mất dần ưu thế.
Thế nhưng, nếu bạn nghĩ sai thì sao? Bởi lẽ, luôn có một con đường để bạn thành công, một công thức để bạn làm giàu, một phương pháp để sinh lời.
Bạn vẫn ảo tưởng về tiền bạc bấy lâu nay
Bạn thực sự nghĩ gì về tiền bạc? Đó là thứ mà bạn kiếm được hay được thừa hưởng? Nó có phải nguồn gốc của sự tội lỗi? Có phải bạn đang cố kiếm thêm? Sự thật là, cách bạn nghĩ về tiền bạc bị ảnh hưởng bởi gia đình và môi trường.
Nếu sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả, bạn sẽ tin rằng mình lớn lên rồi cũng thế. Hoặc, bạn sẽ cố gắng kiếm tiền để không rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Trường học không dạy bạn nhiều về chủ đề này. Đây là lý do khiến bạn hiểu nhầm về tiền bạc. Hollywood luôn khắc họa người giàu như những kẻ độc ác và tham nhũng. Trên thực tế, theo báo cáo của Wealth X, 68% số người giàu trên thế giới đều là các tỷ phú tự thân như Warren Buffett, Howard Schultz, Oprah Winfrey, Jeff Bezos, Elon Musk…
Bạn được dạy rằng tiền bằng chính số lương mà bạn nhận được từ công việc. Vì vậy, mục đích chính của việc học là để kiếm được việc làm. Tuy nhiên, nếu bạn muốn kiếm nhiều tiền trong một thời gian ngắn, phương trình này sẽ chẳng đưa bạn đi đến đâu.
Thứ tài sản quý giá nhất chính là thời gian - một khi thời gian trôi đi, không có cách nào để lấy lại
Tiền lương bạn kiếm được phụ thuộc vào lượng thời gian bạn bỏ ra cho công việc. Nếu bạn kiếm 20 USD/h và làm việc 40h/tuần, bạn sẽ mất 25 năm để có được 1 triệu USD đã trừ thuế và các chi phí.
Bạn chỉ có thể trở thành triệu phú khi đã già bằng cách sống tằn tiện và lãng phí hầu hết quỹ thời gian quý giá của mình. Bạn đổi thời gian để lấy tiền dù điều đó cũng chẳng đủ.
Các triệu phú tự thân có thể làm giàu ngay từ khi còn trẻ. Họ khác bạn ở chỗ họ có một phương trình hay hơn, họ hiểu tiền theo cách mà bạn không biết.
Bí mật đằng sau tiền bạc và sự thành công
Bạn được trả tiền dựa theo giá trị mà bạn mang lại, tùy thuộc vào người hiểu được giá trị của bạn. Đó là thị trường, là người tiêu dùng.
Thị trường ở đây là những người bạn, là gia đình, là quốc gia bạn. Vấn đề không nằm ở việc bạn chăm chỉ ra sao. Một người dọn dẹp làm tới lúc mồ hôi ướt đẫm áo vẫn bị trả lương thấp hơn một nhân viên kế toán ngồi sau màn hình máy tính.
Doanh nhân Robert Kiyosaki từng nói: “Sự khác biệt duy nhất giữa người giàu và người nghèo là cách họ sử dụng thời gian”. Nghe thì phũ phàng, nhưng thị trường không coi trọng giá trị mà người dọn dẹp tạo ra bằng giá trị mà nhân viên kế toán tạo ra. Người dọn dẹp có thể dễ dàng bị thay thế, bởi ai cũng có thể học cách làm việc của anh ta. Do đó, thị trường sẽ không trả cho anh ta nhiều hơn nhân viên kế toán - người dành nhiều nghiên cứu các con số, giúp khách hàng tiết kiệm cả nghìn USD tiền thuế.
Vậy làm thế nào để chúng ta nâng cao giá trị của bản thân như Elon Musk hay Jeff Bezos?
Bước đầu tiên trong phương trình làm giàu này khá đơn giản. Nếu bạn giải quyết được một vấn đề, bạn sẽ có tiền. Nếu bạn giải quyết được một vấn đề tỷ USD, bạn sẽ có tỷ USD.
Hãy nhìn vào Amazon: họ đã giải được bài toán giá rẻ và xếp hàng. Đó là chưa kể đến những công ty khác mà Amazon nắm giữ và những vấn đề khác mà các công ty đó giải quyết được.
Jeff Bezos đã giải quyết được bài toán tỷ USD, vì thế ông ấy nhận về thành quả xứng đáng.
Tiền không phải là thứ bạn nên kiếm tìm; bạn cần đi tìm những bài toán và cách giải quyết chúng. Một khi tìm ra giải pháp, hãy cố gắng xây dựng cơ nghiệp của mình từ đó.
Hãy lắng nghe thị trường xung quanh mình. Mọi người không thích gì? Mọi người đang mong muốn gì? Có vấn đề nào mà bạn có thể giải quyết hoặc đáng để bạn giải quyết không?
Mở rộng giải pháp cho vấn đề đáng để giải quyết
Bước cuối cùng trong phương trình làm giàu là tìm một ra một giải pháp cho vấn đề của bạn - giải pháp có thể tác động đến nhiều người. Mở một nhà hàng không khiến bạn giàu lên. Quy mô của nó không đủ lớn nếu bạn chỉ tập trung ở khu vực địa phương. Nhưng nếu đó là một chuỗi nhượng quyền, quy mô sẽ lớn hơn nhiều.
Giải pháp của bạn có phải là một phần mềm? Một khi phần mềm đã phát triển, bạn có thể mở rộng quy mô của nó trên mạng mà không cần lo lắng về vận chuyển hay chi phí sản xuất.
Dù vậy, bạn vẫn nên thận trọng. Giải pháp của bạn có đòi hỏi phải tốn thời gian để sinh lời không? Đừng quá mải mê tìm kiếm giải pháp; lúc này tự động hóa sẽ đóng vai trò quan trọng. Nếu được vận hành đúng cách, hệ thống và quy trình sẽ giúp bạn kinh doanh dễ dàng và mượt mà.
Nếu có thể thuê ngoài hoặc tuyển thêm nhân viên với giá rẻ, đừng chần chừ. Tự mình làm mọi thứ cũng tệ chẳng khác gì nghĩ mình là người giỏi nhất. Thật ra, ngoài kia vẫn luôn có những người giỏi hơn bạn.
Khi đã tìm ra giải pháp, việc của bạn là đảm bảo tất cả mọi người trên thị trường đều có thể tiếp cận nó. Thị trường sẽ chẳng quan tâm đến đam mê hay nhiệt huyết của bạn.
Khi mọi thứ đã ổn định đâu vào đó, đây chính là lúc để bạn bước tiếp và gặt hái thành quả.
Cuối cùng, bạn sẽ được hưởng thành quả
Lúc này, bạn sẽ phải đối mặt với hai lựa chọn: tiếp tục cơ nghiệp hoặc bán nó đi. Đây là lúc mà người khác có thể mua lại giải pháp mà bạn đã mất nhiều năm để gây dựng. Chẳng hạn, Instagram đã được Facebook mua lại với giá 1 tỷ USD, còn Paypal được eBay mua lại với giá 1,5 tỷ USD.
Vua bán lẻ, diễn giả nổi tiếng Zig Ziglar từng nói: “Người giàu có TV bé và thư viện to, còn người nghèo có thư viện bé và TV to”.
Nếu bạn muốn tiếp tục kinh doanh, điều đó cũng không có gì khó hiểu vì bạn có cả ngàn lý do khác nhau. Bạn có thể ở lại vì yêu quý công ty, hoặc phát triển công ty rồi bán nó đi với mức giá cao hơn giá trị thực.
Cuộc sống mới chính là cái đích cuối cùng
Rốt cuộc, bạn làm giàu cũng chỉ để có thể trả được tiền nhà, mua chiếc xe mơ ước, đi du lịch vòng quanh thế giới và để không bao giờ phải lo lắng về tiền bạc nữa. Đích đến cuối cùng thật ra chẳng liên quan gì đến tiền bạc; thứ mà bạn đang tìm kiếm chính là tự do.
Bài chia sẻ của Daniel St. Joseph - cây viết chuyên về phát triển kỹ năng cá nhân trên Medium.
(Theo Medium)