Mỗi người cao tuổi Việt Nam bình quân có 3 bệnh
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo tài liệu Tổng cục Thống kê công bố tháng 7/2021, từ năm 2009 đến 2019, số người cao tuổi Việt Nam tăng từ 7,45 triệu (8,68% dân số) lên 11,41 triệu (11,86% dân số). Dự báo dân số cao tuổi của Việt Nam sẽ đạt 17,28 triệu người (chiếm 16,53% tổng dân số) vào năm 2029.
Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương, trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh mạn tính. Với các bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, một bệnh nhân thường mắc 5-6 bệnh.
Hội Lão khoa Việt Nam cho biết người cao tuổi thường mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và các hội chứng đặc trưng ở người già như hội chứng dễ bị tổn thương (frailty), suy dinh dưỡng, sa sút trí tuệ, thiểu cơ/teo cơ (sarcopenia), rối loạn đi và ngã, trầm cảm…
Còn theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các bệnh phổ biến ở người cao tuổi là mất thính giác, đục thủy tinh thể và tật khúc xạ, viêm xương khớp, COPD, tiểu đường, trầm cảm và sa sút trí tuệ.
Ngoài ra, người cao tuổi cũng dễ gặp phải các vấn đề sức khỏe khác như mất ngủ, chán ăn, đau mỏi xương khớp, mệt mỏi, suy giảm đề kháng…
Dinh dưỡng hợp lý - Chìa khóa nâng cao sức khỏe
Dinh dưỡng hợp lý là nền tảng của sức khỏe và trí tuệ. Với người lớn tuổi, nhu cầu dinh dưỡng có nhiều điểm đặc biệt bởi các chức năng của cơ thể và hệ miễn dịch đã suy yếu. Bổ sung các dưỡng chất tập trung cải thiện các vấn đề sức khỏe tiêu biểu ở người lớn tuổi - như các vấn đề về tim mạch, xương khớp, tiêu hóa, giấc ngủ, đề kháng - là nền tảng cần thiết, quan trọng trong việc giúp người lớn tuổi duy trì một cuộc sống khỏe mạnh, dài lâu.
Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong nâng cao sức khỏe người lớn tuổi.
Vai trò của dinh dưỡng đã được nhận thức rộng rãi. Tuy nhiên, câu chuyện bổ sung dinh dưỡng cho người lớn tuổi như thế nào để họ có sức khỏe bền vững đôi khi chưa được hiểu đúng và đủ.
Điển hình như để phòng bệnh xương khớp, hầu như ai cũng nghĩ ngay đến canxi. Thế nhưng thực tế, còn nhiều chất dinh dưỡng khác đóng vai trò quan trọng với sức khỏe xương khớp, ví dụ như vitamin D3, vitamin K2 và collagen. Hay để tăng đề kháng, chúng ta thường nhắc tới vitamin C. Tuy nhiên, các chất như kẽm, selen, magiê cũng rất cần thiết cho hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Với các vấn đề sức khỏe phổ biến khác ở người cao tuổi như bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa, mất ngủ…, liệu dinh dưỡng sẽ giúp cải thiện những tình trạng này như thế nào? Để có được giải đáp toàn vẹn và khoa học, sự tư vấn chuyên môn của các chuyên gia dinh dưỡng là rất cần thiết.
Hiểu được sự quan tâm của quý độc giả về dinh dưỡng cho người lớn tuổi, Soha.vn tổ chức buổi giao lưu trực tuyến "Dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khoẻ tổng thể cho người lớn tuổi" - nơi độc giả có thể bày tỏ những thắc mắc của mình và lắng nghe giải đáp của chuyên gia.
Buổi giao lưu trực tuyến được tổ chức vào lúc 14h00 ngày 11/08/2022 với sự tham gia của:
- GS.TS.BS Lê Thị Hợp, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Nguyên Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam
- Thầy thuốc Ưu tú Phạm Hưng Củng, Nguyên Vụ Trưởng Vụ Y học Cổ truyền, Bộ Y tế, hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam
- Th.S Nguyễn Quỳnh Vân, Viện phó – Viện Dinh dưỡng TH.
Quý độc giả quan tâm tới giao lưu trực tuyến "Dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khoẻ tổng thể cho người lớn tuổi" xin mời đặt câu hỏi cho chuyên gia
tại đây.