Làn sóng game NFT ngày càng phát triển, số dự án và các studio, nhà phát triển mọc lên cũng càng nhiều. Thế nhưng, sự gia tăng về mặt số lượng này lại không hề tương đồng với chất lượng, khi mà thời gian gần đây, việc xuất hiện các dự án "scam", "lùa gà", ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Hiểu theo một cách cơ bản, đó là các dự án được vẽ ra bởi một bộ phận những nhà phát triển kém đạo đức và chỉ phục vụ mục đích "móc ví" các game thủ ở giai đoạn đầu, sau đó sủi mất tăm không dấu vết như những gì mà Blockverse - một tựa game NFT đình đám từng làm cách đây không lâu.
Blockverse - dự án đang bị tố lừa đảo số tiền lên tới hơn 1 triệu USD
Theo đó, ở thời điểm ra mắt, Blockverse từng rất được kỳ vọng khi mô phỏng lại tựa game Minecraft đình đám. Vào lúc ấy, dự án này đã huy động được hơn 1 triệu đô la từ việc bán 10.000 NFT với giá 0,05 ETH mỗi loại. Việc sở hữu một trong những NFT này sẽ cung cấp cho nhóm người chơi giới hạn quyền truy cập của người dùng vào trò chơi khi nó ra mắt. Về cơ bản chúng có thể coi là một dạng đơn đặt hàng trước của trò chơi. Tuy nhiên, ngay sau khi giao dịch thành công, các game thủ mới nhận ra rằng thảm họa đã ập tới.
Dự án đã từng huy động được hơn 1 triệu đô từ việc bán NFT
Cụ thể, sau khi cầm tiền, các nhà phát triển của Blockverse bỗng "mất ảnh" một cách toàn diện, trên mọi lĩnh vực. Từ hệ thống website chính của game, kênh Discord của cộng đồng cho tới cả server game đang phục vụ game thủ, tất cả đồng thời biến mất một cách khó hiểu. Tất nhiên, số tiền hơn 1 triệu USD của người chơi cũng chung cảnh ngộ.
Tất nhiên, các game thủ của Blockverse không dễ bỏ cuộc. Sau vài ngày, họ cũng dần dần tìm ra một số manh mối. Và tới đây, đội ngũ phát triển của Blockverse lại vào cuộc, đưa ra thông báo mới trên Twitter rằng họ biến mất vì bị chỉ trích, đe dọa nhiều quá. Còn về việc tạm đóng cửa game, lý do được đưa ra là để phục vụ cho việc phát triển và mở rộng trò chơi, cải thiện cơ chế và gia tăng độ hữu dụng từ đồng token mà họ cung cấp. Nghe qua thì có vẻ khá giống những lời bao biện, khi chẳng có cột mốc thời gian nào được đưa ra và con số 1 triệu USD cũng chẳng được làm rõ mục đích sử dụng.
Và cuối cùng, người chịu khổ duy nhất cũng chỉ là các game thủ và những nhà đầu tư ban đầu mà thôi.
Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư. GameFi (viết tắt của Game Finance) là thuật ngữ chỉ các trò chơi trên blockchain kết hợp yếu tố tài chính. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.