“Liệu phương pháp điều trị này có thật sự cần thiết?”
Bác sĩ phẫu thuật thần kinh, đồng thời là phó chủ tịch Hiệp hội Y học Na Uy - Christer Mjaset, chia sẻ rằng ông đã rất bất ngờ khi nhận được câu hỏi này, bởi đó là lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình, có một bệnh nhân đặt ra vấn đề này với ông.
Khi đó, Mjaset đang tư vấn cho bệnh nhân này thực hiện một phương pháp phẫu thuật để điều trị chứng thoát vị đĩa đệm. Mặc dù ông là một chuyên gia đã thực hiện phẫu thuật này rất nhiều lần, Mjaset phải thừa nhận rằng rủi ro là điều luôn có thể xảy ra, trong đó tồi tệ nhất là trường hợp bệnh nhân sẽ bị liệt toàn thân. Và khi bệnh nhân đưa ra câu hỏi trên, Mjaset đã phải suy nghĩ lại về phác đồ điều trị mình đưa ra và ông nhận ra rằng “ca phẫu thuật đó không thật sự cần thiết”.
Sự kiện này đã khiến bác sĩ Mjaset phải nhìn lại về sự cần thiết trong việc thảo luận việc điều trị với bệnh nhân. Thực tế, không phải bệnh nhân nào cũng đòi hỏi những phương án điều trị phức tạp. Theo Mjaset, cứ 10 ca bệnh thì có tới 3 ca mà bệnh nhân được chỉ định làm những xét nghiệm hay phương án điều trị không cần thiết. Và khi được hỏi, phần lớn các y bác sĩ cho rằng họ làm vậy là do bị áp lực đòi hỏi điều trị từ phía bệnh nhân!
Lý do là bởi vì bệnh nhân phải tốn rất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc mỗi khi họ muốn khám bệnh: từ việc đặt hẹn, xếp hàng chờ khám cho đến tham gia khám bệnh. Cộng thêm với tâm lý lo lắng và chưa hiểu hết về tình trạng sức khỏe của mình, bệnh nhân có xu hướng không hài lòng nếu bác sĩ chỉ đưa ra phương án điều trị đơn giản. Họ sẽ dễ cho rằng bác sĩ đang làm chưa hết sức mình và thường chỉ thấy yên tâm hơn nếu bác sĩ đề xuất những phương án trị bệnh “có vẻ” phức tạp hơn.
Chính vì những áp lực từ cả hai phía, trong nhiều trường hợp bác sĩ thường đề xuất thêm các loại thuốc hay phác đồ điều trị không thật sự cần thiết, còn bệnh nhân thì luôn nghe theo mà không cân nhắc kĩ càng. Điều này dẫn đến việc tốn thời gian, công sức cho cả người khám bệnh và người được khám bệnh, đôi khi là những gánh nặng tài chính về phía người bệnh.
Bác sĩ Mjaset khuyến khích các bệnh nhân cần tích cực tìm hiểu và trao đổi với bác sĩ của mình một cách kĩ càng trước khi tiếp nhận phương án điều trị nào. Dưới đây là 4 câu hỏi mà ông đưa ra để giúp mọi người có quyết định sáng suốt hơn đối với sức khỏe của mình:
Liệu phương án điều trị này có thật sự cần thiết?
Loại thuốc này có tác dụng phụ như thế nào? Liệu phẫu thuật này có rủi ro không và mức độ nghiêm trọng ra sao?
Liệu còn có phương án điều trị nào khả thi không?
Nếu tôi không chấp nhận điều trị thì điều gì có thể xảy ra với sức khỏe của tôi?
Bằng cách biết đặt câu hỏi và tìm hiểu kĩ càng trước khi tham gia điều trị, bạn không chỉ giúp chính bản thân mình mà còn là giúp đỡ các bác sĩ và nhân viên chăm sóc sức khỏe cho bạn. Đối với người bệnh, việc suy xét, phân tích kĩ càng giúp bạn tránh được tác dụng phụ của thuốc, giảm thiểu nguy cơ rủi ro khi phẫu thuật, giảm chi phí khám chữa bệnh cũng như thời gian điều trị. Đối với bác sĩ, việc bệnh nhân chủ động và hợp tác tích cực trong điều trị giúp họ giảm tải khối lượng công việc cũng như tăng tỉ lệ điều trị thành công cao hơn.