Làm 3 món ngon độc đáo từ loại củ rẻ tiền: Cách nấu đơn giản lại giúp cơ thể giải nhiệt, thải độc và kháng khuẩn

Huệ Lan (T/h) | 07-08-2024 - 08:00 AM

(Tổ Quốc) - Chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn 3 công thức nấu các món đơn giản nhưng ngon lại giúp ích rất nhiều cho cơ thể bạn trong những ngày nắng nóng.

Củ mã thầy hay còn gọi là củ năng có vị giòn, ngọt, ăn rất thanh mát. Theo Đông y, củ mã thầy không chỉ là thức ăn giải nhiệt, thải độc, bổ và mát máu, nhất là vào mùa nắng nóng mà đây còn là một vị thuốc trị bệnh. Theo cuốn "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, củ mã thầy được dùng làm thuốc chữa bệnh tiêu khát, bệnh về gan (vàng da), nhiệt (lỵ ra máu, đại tiện táo bón, mắt sưng đỏ). Đặc biệt, trong củ mã thầy có chứa puchiin, một chất có tính kháng khuẩn giúp cơ thể chống lại bệnh tật. Hàm lượng flavonoids và polyphenolic của củ mã thầy có tác dụng kháng virus và phòng ngừa ung thư, tốt cho dạ dày, ngừa mất ngủ, khó chịu trong người.

Củ mã thầy không chỉ ngon miệng mà còn giàu protein thô và tinh bột, có thể thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa và hỗ trợ tiêu hóa một cách hiệu quả. Thông thường rất nhiều người thích ăn củ mã thầy sống, tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo mã thầy là loại củ nằm sâu dưới nước, dễ bị nhiễm ấu trùng/ nang sán. Do đó, để an toàn chúng ta nên ăn củ mã thầy bằng cách xào chín, nấu chè... vừa an toàn lại tốt cho sức khỏe. 

Trong mùa hè nóng nực, việc tận dụng thực phẩm để chế biến thành các món ăn vừa ngon miệng lại tốt cho sức khỏe và giúp giải nhiệt, thải độc là vô cùng cần thiết. Hôm nay chúng tôi sẽ chia sẻ với các bạn 3 công thức nấu các món đơn giản từ củ mã thầy với vài nguyên liệu rẻ tiền khác. Các món ăn này ngoài việc thực hiện nhanh còn rất giúp ích cho cơ thể bạn trong những ngày nắng nóng.

1. Chè củ mã thầy và táo

Củ mã thầy ngoài tác dụng thanh nhiệt, thúc đẩy sinh tân dịch còn bổ sung dinh dưỡng cho người bệnh bị sốt. Trong khi đó, táo rất giàu các khoáng chất, vitamin giúp cơ thể trao đổi chất nhanh chóng. Bên cạnh đó, táo giàu chất xơ không hòa tan và pectin - một dạng chất xơ hòa tan. Đây thành phần hóa học cần thiết cho cơ thể để giúp làm sạch và đào thải độc tố ra khỏi cơ thể. Từ đó giảm tải gánh nặng cho gan trong quá trình xử lí các chất độc. Khi kết hợp củ mã thầy và táo sẽ tạo thành một món ăn đơn giản mà tốt cho sức khỏe. Nó không chỉ có tác dụng dưỡng ẩm mà còn giúp cơ thể thanh nhiệt, hỗ trợ thải độc, rất tốt cho gan.

Nguyên liệu làm món chè củ mã thầy và táo

1 quả táo, 8 củ mã thầy, lượng đường phèn vừa đủ.

Làm 3 món ngon độc đáo từ loại củ rẻ tiền: Cách nấu đơn giản lại giúp cơ thể giải nhiệt, thải độc và kháng khuẩn - Ảnh 1.

Cách làm món chè củ mã thầy và táo 

Bước 1: Rửa sạch bùn đất rồi gọt vỏ củ mã thầy. Sau đó rửa lại sạch củ mã thầy một lần nữa để loại bỏ phần tinh bột bám trên bề mặt. Tiếp theo bạn cắt củ mã thầy thành các miếng nhỏ. Cho củ mã thầy vào nồi, thêm lượng nước thích hợp rồi nấu trong khoảng 10 phút.  

Bước 2: Trong khi nấu củ mã thầy thì bạn hãy gọt vỏ táo, bỏ lõi và cắt thành từng miếng nhỏ. Rửa táo đã cắt bằng nước muối pha loãng để tránh táo bị oxy hóa và đổi màu. Sau 10 phút nấu củ mã thầy, bạn cho táo vào nấu cùng trên lửa nhỏ khoảng 5 phút để dậy mùi thơm.

Bước 3: Thêm đường phèn vào, khuấy đều và nấu cho đến khi đường tan hoàn toàn thì tắt bếp. Lấy chè củ mã thầy và táo ra bát là có thể thưởng thức. 

Làm 3 món ngon độc đáo từ loại củ rẻ tiền: Cách nấu đơn giản lại giúp cơ thể giải nhiệt, thải độc và kháng khuẩn - Ảnh 4.

2. Nước giải khát từ rễ cỏ tranh, củ mã thầy và mía

Theo y học cổ truyền, rễ cỏ tranh có vị ngọt, tính hàn; vào phế vị và tiểu trường. Cỏ tranh có tác dụng thanh nhiệt, giải khát rất tốt. Nó còn giúp tiêu ứ huyết, lợi tiểu tiện, thanh phế vị nhiệt; chủ trị các chứng như chảy máu cam, tiểu ra máu, bí tiểu. Ngoài ra nó cũng giúp trị sốt nóng, nôn, phù nề vàng da...

Theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, các thành phần chính trong nước mía chủ yếu là canxi, đường saccaro, kẽm, crôm, vitamin (A, B1, B2, B3, B5, B6, C), chất chống oxy hóa, phytonutrient, chất xơ hòa tan và protein cần thiết khác... Hợp chất phenolic và flavonoid chứa trong nước mía có chức năng chống ung thư, kháng viêm, kháng virus, chống oxy hóa và ngăn ngừa dị ứng. Uống nước mía giúp thải độc và cải thiện chức năng gan đồng thời góp phần điều chỉnh sắc tố da.

Khi kết hợp củ mã thầy, rễ cỏ tranh và mía sẽ thành thức uống vừa giúp giải nhiệt, thải độc, chống lại virus hiệu quả. 

Nguyên liệu để làm nước cỏ tranh, củ mã thầy và mía

10-15g rễ cỏ tranh khô (30-40g rễ cỏ tranh tươi), 8-10 củ mã thầy, 50g mía, lượng nước vừa đủ. 

Rễ cỏ tranh, mía và củ mã thầy có chứa một lượng đường nhất định, nước khi đun sôi cùng nước sẽ có vị ngọt. Các bạn thích ăn ngọt cũng có thể thêm một ít đường phèn.

Để có nguyên liệu cỏ tranh bạn có thể liên hệ mua TẠI ĐÂY hoặc các sàn thương mại điện tử.

Cách nấu nước cỏ tranh, củ mã thầy và mía

Bước 1: Rửa sạch bùn đất và gọt bỏ vỏ củ mã thầy. Sau khi gọt vỏ xong bạn rửa lại một lần nữa cho thật sạch. 

Làm 3 món ngon độc đáo từ loại củ rẻ tiền: Cách nấu đơn giản lại giúp cơ thể giải nhiệt, thải độc và kháng khuẩn - Ảnh 6.

Bước 2: Loại bỏ tạp chất bám trên rễ cỏ tranh sau đó rửa thật sạch. Tiếp theo bạn cắt rễ cỏ tranh thành từng đoạn (có thể buộc lại thành các túm nhỏ). Mía bạn rửa sạch, có thể để nguyên vỏ hoặc tước bỏ rồi chặt thành từng đoạn và chẻ làm 4 hoặc 6 phần.

Bước 3: Cho mía, củ mã thầy và rễ cỏ tranh vào nồi, thêm một lượng nước thích hợp rồi bắt đầu nấu trên lửa lớn.

Bước 4: Sau khi nước sôi, bạn giảm lửa nhỏ và đun trong 15 phút để dậy mùi thơm của các nguyên liệu. Sau khi nấu, bạn có thể lọc nguyên liệu và cho phần nước vào tủ lạnh để ngon hơn.

3. Chè đậu xanh và củ mã thầy

Theo Đông y, đậu xanh có vị ngọt, hơi lạnh, tính mát. Vì thế, đậu xanh có tác dụng tốt trong việc thanh nhiệt, giải độc, bớt đau sưng, ích khí lực, điều hòa ngũ tạng, nấu ăn bổ mát và trừ các bệnh nhiệt. Đậu xanh thường được dùng trong các trường hợp say nắng, say nóng, sốt cao, mụt nhọt, lở ngứa, ngộ độc, giảm mỡ máu, hạ huyết áp. Đậu xanh chứa nhiều kali ít natri, protein và chất béo cần thiết cho sức khỏe, đồng thời còn tốt cho việc giải độc gan và bồi bổ sức khỏe...

Kết hợp đậu xanh với củ năng sẽ tổng hòa các dưỡng chất trong 2 loại thực phẩm này góp phần bồi bổ sức khỏe, giải nhiệt và giải độc cho cơ thể.

Nguyên liệu làm món chè đậu xanh và củ mã thầy

100g hạt đậu xanh, 150g củ mã thầy, lượng đường phèn thích hợp. 

Cách làm món chè đậu xanh và củ mã thầy

Bước 1: Vo sạch đậu xanh, sau đó cho vào âu nước ngâm khoảng 15 phút. Đậu xanh sau khi ngâm, nấu sẽ ngon và mềm hơn. Nếu thích và nhà bạn sẵn đậu xanh còn nguyên vỏ thì hãy dùng chúng vì sẽ có tác dụng thanh nhiệt tốt hơn. Sau khi ngâm xong bạn rửa sạch lại một lần nữa.

Bước 2: Cho đậu xanh đã ngâm vào nồi cơm điện, thêm lượng nước thích hợp, chọn chế độ nấu cháo và bắt đầu nấu. Trong quá trình nấu đậu xanh, hãy chuẩn bị củ mã thầy. Rửa sạch rồi gọt bỏ vỏ củ mã thầy sau đó cắt thành từng miếng nhỏ. Kích thước có thể tùy thích. 

Lưu ý: Với món ăn này bạn có thể dùng thêm hạt sen ninh cùng đậu xanh. Lượng nước ít hay nhiều tùy thuộc vào sở thích ăn loãng hay đặc của bạn.

Bước 3: Sau khoảng 30 phút đậu xanh chín, bạn mở nắp nồi ra, cho củ mã thầy đã cắt nhỏ và đường phèn vào. Dùng muôi khuấy đều vài lần rồi đậy nắp lại và tiếp tục nấu thêm khoảng 15 phút. Sau đó bạn có thể lấy chè đậu xanh và củ mã thầy ra bát rồi thưởng thức. Bạn cũng có thể cho vào ngăn mát tủ lạnh trước khi dùng.

Chúc các bạn thành công và ngon miệng với 3 món ngon giúp giải nhiệt, thải độc từ củ năng! 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM