Mới đây, thành phố Hàng Châu, Trung Quốc đã hé lộ kế hoạch sẽ tiếp tục sử dụng ứng dụng theo dõi sức khỏe người dân kể cả khi đại dịch Covid-19 kết thúc. Về cơ bản, người dùng sẽ phải khai báo các thông tin liên quan đến tình trạng cơ thể và lịch trình di chuyển của bản thân thông qua ứng dụng này. Sau đó, nó sẽ cung cấp cho họ mã QR với màu sắc khác nhau để sẵn sàng quét kiểm tra bất cứ khi nào cần thiết. Trong đó màu xanh nghĩa là họ an toàn và đủ điều kiện để trở lại làm việc bình thường, còn màu vàng/đỏ đồng nghĩa với việc họ sẽ phải tiếp tục tự cách ly để theo dõi sức khỏe. (bạn đọc có thể tham khảo thêm ở bài viết này).
Tuy nhiên, chính quyền thành phố Hàng Châu muốn sử dụng ứng dụng này như 1 công cụ theo dõi, đánh giá sức khỏe của người dân toàn diện hơn nữa trong tương lai. Không chỉ giới hạn ở chủng virus SARS-CoV-2, nó còn có thể thu thập cả thông tin về thói quen xấu của người dùng như hút thuốc hay uống rượu bia. Trong cuộc họp do Ủy ban Y tế Hàng Châu chủ trì vào thứ sáu vừa qua (22/5), các quan chức địa phương đã đề xuất nâng cấp hệ thống mã QR này, tích hợp thêm hồ sơ y tế của người dân, lịch trình khám bệnh định kỳ và cả “cơ chế theo dõi, quản lý trọn đời”.
Hàng Châu đang muốn "phổ cập hóa" ứng dụng theo dõi và chấm điểm sức khỏe người dân.
Theo đó, hệ thống chấm điểm sức khỏe mới này sẽ tận dụng các dữ liệu dựa trên thói quen sinh hoạt thường ngày của người dùng, ví dụ như cường độ tập thể dục, số lượng thuốc lá hay rượu bia mà họ sử dụng mỗi ngày. Hiện tại, vẫn chưa rõ họ sẽ tiến hành thu thập thông tin như thế nào, nhưng nhiều khả năng là vẫn sẽ dựa trên tinh thần tự giác khai báo thông tin của người dân.
Theo dự kiến, số điểm tối đa mà người dùng có thể nhận được mỗi ngày là 100 điểm theo nhiều tiêu chí khác nhau, cùng với đó là dải màu sắc đánh giá đa dạng trải dài từ xanh lục đến tím thẫm. Ví dụ, họ sẽ được cộng thêm 5 điểm nếu đi bộ ít nhất 15.000 bước/ngày, thêm 1 điểm nếu ngủ đủ 7,5 tiếng/đêm. Tuy nhiên, nếu uống khoảng 200 ml rượu baijiu (bạch tửu), họ sẽ bị trừ 1,5 điểm; hay hút 5 điếu thuốc cũng mất toi thêm 3 điểm nữa.
Sau khi tổng kết lại điểm số, người dân sẽ được cung cấp 1 mã QR với màu sắc cụ thể, có thể dùng để quét kiểm tra bất chợt bất cứ lúc nào. Những màu sắc càng gần với xanh lục đồng nghĩa với việc điểm số càng cao và sức khỏe của họ càng tốt. Ngược lại, nếu càng gần với màu đỏ, tím thẫm nghĩa là sức khỏe của họ đang có nhiều biểu hiện tiêu cực. Ví dụ như trong khoảng điểm từ 88 - 100, họ sẽ được cấp mã QR màu ngọc lam và có thể xếp trong top 2880/13.6 triệu dân tại Hàng Châu.
Ứng dụng mã y tế sẽ được áp dụng rộng rãi với khả năng theo dõi sức khỏe toàn diện hơn, chi tiết hơn.
Không chỉ dừng lại ở đó, hệ thống mã QR y tế này còn áp dụng cho các các tổ chức, công ty và khu dân cư lớn. Thay vì chấm điểm cá nhân, nó sẽ đánh giá theo thói quen sinh hoạt chung của những người dân sinh sống và làm việc tại những khu vực này. Ví dụ như với công ty, dữ liệu thu thập sẽ dựa trên thời gian làm việc, ngủ nghỉ, tập thể dục trung bình các các nhân viên, và số phần trăm nhân viên tham gia kiểm tra sức khỏe để đưa ra số điểm đánh giá chính xác nhất.
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng đây mới chỉ là ý tưởng ban đầu và do Sun Yongrong, Chủ tịch Ủy ban Y tế Hàng Châu đề xuất. Chính quyền thành phố này cũng chưa đưa ra bất cứ công văn chính thức nào về việc áp dụng biện pháp theo dõi sức khỏe trên đây.
Trong cuộc chiến chống Covid-19, ứng dụng này đã đóng 1 vai trò quan trọng trong việc theo dõi lịch trình di chuyển và những lần tiếp xúc trực tiếp của người dân tại Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này cũng gây ra 1 vấn đề nghiêm trọng về bảo mật, bởi đã không ít lần dữ liệu người dùng bị rò rỉ ra ngoài và bị kẻ gian lợi dụng, dẫn đến những rắc rối như cuộc gọi, tin nhắn rác hay thậm chí là xâm hại online.
Khi những thông tin về đề xuất mới của chính quyền thành phố Hàng Châu xuất hiện, trang web Q&A Zhihu và mạng xã hội Weibo đã đón nhận 1 làn sóng bình luận cực kì tiêu cực từ phía người dùng, và nhiều lần leo lên vị trí thứ 2 top trending trong vài ngày qua. Nhiều cư dân mạng xem đề xuất này là 1 hành động xâm phạm quyền riêng tư, có thể dẫn đến nguy cơ phân biệt đối xử (vì sức khỏe bị đánh giá là yếu kém) trong 1 số trường hợp, ví dụ như khi đi xin việc làm chẳng hạn. 1 người dùng bình luận: “Hồ sơ y tế, có thể bao gồm cả mật khẩu ngân hàng, là thông tin siêu cá nhân của mỗi người dân. Làm sao chúng tôi có thể sẵn sàng để họ thu thập và theo dõi được cơ chứ?”
Theo abacusnews