Bà Lê Tuyết H., 64 tuổi, là bệnh nhân Covid-19 thứ 19 tại Việt Nam, khởi phát bệnh sau khi tiếp xúc trực tiếp với cháu gái - bệnh nhân 17.
Ngày 5/3, bà có biểu hiện lâm sàng như ho, sốt,... 2 ngày sau, xác định dương tính với virus SARS-CoV-2, bà được xe cấp cứu đưa tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngay trong đêm. Thời điểm đó, sức khoẻ bà ổn định, ăn uống bình thường trong tuần đầu nhập viện.
Ngày thứ 8, bệnh tình của bà diễn biến xấu. Đến ngày thứ 10, trong lúc đang xem vô tuyến, bà rơi vào trạng thái hôn mê, triệu chứng khó thở tăng lên.
22h ngày 15/3, bà có biểu hiện suy hô hấp nặng, phải đặt ống khí quản, thở máy và chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực để lọc máu và theo dõi điều trị.
Đêm 18/3 - sau 3 ngày thở máy, oxy hóa máu của bệnh nhân tụt rất nhanh và thở máy tối ưu không thể đảm bảo được tình trạng oxy máu. Lúc này, kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) là cách duy nhất để giữ mạng sống cho bà. Đội ngũ y bác sĩ "tinh nhuệ" nhất được giao trọng trách thiết lập ECMO cho bệnh nhân 19. Gần một tiếng sau, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân đã tạm thời ổn định.
Sang ngày 4/4, bà H. đã có thể tự thở, cai ECMO sau 20 ngày liên tục, tình trạng tốt dần lên. Các bác sĩ nghĩ rằng đã đi được 70% chặng đường, cho đến thời điểm gần 1h sáng 8/4, bệnh nhân rối loạn nhịp tim, đột ngột ngừng tuần hoàn.
Ê-kíp gồm 8 bác sĩ, điều dưỡng đã phải ép tim liên tục khoảng 100-120 lần/phút bằng tay. Tới phút thứ 40, tim của bệnh nhân đã đập trở lại.
"Khi bệnh nhân ngừng tuần hoàn, chúng tôi đã đặt ra nguy cơ có thể tử vong. Nhưng khi nhịp tim đập lại, chúng tôi cảm thấy rất may mắn, nhưng chưa thể thở phào. 1h sáng trong ca trực, không ai có thể ngủ được" - Bác sỹ Mạc Duy Hưng – Khoa Hồi sức tích cực, nói.
Bác sĩ Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch hội đồng chuyên môn của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, nói rằng "khó có thể tưởng tượng 3 lần ngừng tuần hoàn mà vẫn quay lại được với cuộc sống, vì bình thường có khi ngừng 2 lần gia đình đã xin về. Đó là sự hồi phục vượt cả tưởng tượng của chúng tôi".
Sau ngừng tuần hoàn, các cơ quan của bệnh nhân 19 đều bị tổn thương, phát sinh nhiều vấn đề, được các bác sĩ theo dõi 24/24h. Từng ngày, bà dần phục hồi cả về tri giác, nhận thức, có thể giao tiếp, tập ăn uống và đi lại. Các dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Ngày 15/5, bà được rút ống thở, tập vận động mỗi ngày. Đến ngày 27/5, bà có kết quả xét nghiệm 7 lần âm tính với virus SARS-CoV-2, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, không sốt, không khó thở, tự thở khí phòng, tim đều, phổi không rales. Bà đủ điều kiện công bố khỏi bệnh, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trong buổi lễ được công bố khỏi bệnh, bà H. bày tỏ niềm hạnh phúc khi được các bác sỹ cứu sống một cách ngoạn mục. Sắp tới, bệnh viện sẽ tạo điều kiện để bà được chuyển về TP.HCM.
"Tôi đã bình phục 70-80%, nhờ ơn các bác sỹ, y tá, điều dưỡng và tất cả mọi người đã tận tình giúp đỡ. Tôi đã được cứu sống lần thứ 2", bà nói.
TS.BS Vũ Đình Phú - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - một trong những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 19, xúc động "đây thực sự là một quá trình dài, là công sức của cả một đội ngũ. Cho đến bây giờ, khi bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chúng tôi hạnh phúc và sung sướng. Bệnh nhân nặng giống như người đứng trên cầu thăng bằng, chỉ cần nghiêng một tí, thì có thể nguy hiểm đến tính mạng".
Sự hồi sinh của bệnh nhân 19 là một hành trình, có những lúc tưởng chừng rơi vào tuyệt vọng, nhưng với sự nỗ lực không ngừng của các y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cuối cùng điều tuyệt vời nhất đã đến. Sau 80 ngày, từ chỗ nguy kịch "thập tử nhất sinh", "chết lâm sàng" nay bà đã khỏe mạnh, chiến thắng Covid-19 để trở về với cuộc sống.
TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói rằng bệnh nhân 19 "nhiều lần dọa tử vong", nhưng bà đã hồi sinh một cách ngoạn mục.
"Việc cứu chữa thành công ca bệnh này đã khẳng định được sự quyết tâm chiến thắng dịch bệnh và khẳng định được trình độ của y học Việt Nam có thể điều trị, cứu sống các ca Covid-19 nặng"- bác sĩ Thạch cho biết.