Bạch Đào đang là sinh viên năm thứ 2 chuyên ngành Sinh vật biển của Đại học California, San Diego, Mỹ. Vì dịch bệnh, cô đã phải "tự học ở nhà" tại quê nhà Trung Quốc trong suốt 1 năm.
Dù tình hình dịch bệnh hiện vẫn đang diễn biến phức tạp và muốn xuất cảnh phải làm rất nhiều thủ tục, nhưng cô gái trẻ vẫn rất háo hức "trở lại cuộc sống sinh viên năm nhất" sau hơn 1 năm bị trì hoãn. Bạch Đào chỉ là 1 trong hàng trăm nghìn sinh viên Trung Quốc đang du học ở nước ngoài gặp phiền phức do dịch bệnh trong năm vừa qua. Kể từ năm 2020, sự xuất hiện của dịch bệnh Covid-19 đã buộc 1 số du học sinh phải "học ở nhà", và kế hoạch học tập của họ cũng bị gián đoạn.
Theo nghiên cứu của Bảng xếp hạng QS (So sánh các trường Đại học hàng đầu thế giới) về vấn đề "Covid-19 đang tác động như thế nào đến sinh viên quốc tế tiềm năng trên toàn cầu", kết quả hơn 1 nửa số sinh viên quốc tế cho biết kế hoạch du học của họ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó sinh viên Trung Quốc bị ảnh hưởng nhiều nhất, chiếm 66%. Tuy nhiên quyết định từ bỏ việc du học lại chiếm ít nhất, chỉ 4%.
Trong năm vừa qua, những câu chuyện dở khóc dở cười về du học sinh "bỏ tiền du học trên mạng" liên tục xuất hiện trên các diễn đàn mạng xã hội tại Trung Quốc. Đối với Bạch Đào, so với việc bị chế nhạo thì cô thấy bản thân đang bị lãng phí cơ hội hơn.
Kỳ nghỉ hè kéo dài cả năm
Lâm Kỳ đã tốt nghiệp cử nhân vào năm 2019. Cô quyết định nộp đơn xin học Thạc sĩ tại Đại học New South Wales ở Úc, đồng thời mua vé trước 4 tháng. Nhưng thật chẳng ngờ, dịch bệnh Covid-19 trở lại vào tháng 2/2020 đã làm đảo lộn tất cả.
Sau đó không lâu, dịch bệnh bùng phát vượt kiểm soát và lây lan ra khắp các nước trên thế giới, nhưng điều khiến cô áp lực nhất chính là mẹ không thông cảm. Bà cho rằng đã tốn nhiều tiền đóng học phí như vậy thì ít ra cũng phải nhận được câu trả lời thỏa đáng, song phía nhà trường chỉ biết an ủi các du học sinh bằng email "đợi hết dịch thì xuất cảnh". Do nhà trường không đưa ra phương án nên học kỳ đầu tiên của cô được coi là tự động bị đình chỉ.
Còn Bạch Đào vừa hưởng cuộc sống du học sinh chưa đầy 2 tháng cũng phải lên máy bay về nước. Vào thời điểm đó, cô đang học năm thứ nhất tại Đại học California, San Diego, Mỹ và dịch bệnh chưa bùng phát mạnh mẽ, cô gái vốn nghĩ mình có thể trở về Trung Quốc để nghỉ hè, nào ngờ lại nghỉ 1 mạch đến tận năm sau.
Bạch Đào vô cùng chán nản bởi cuộc sống Đại học thực sự giậm chân tại chỗ. Cô chính thức nhập học vào ngày 1/1/2020, nhưng đến tháng 3 cùng năm, dịch bệnh bùng phát khiến tất cả các khóa học của trường đều bị ảnh hưởng, lịch học thay đổi.
"Tôi rất nhớ 2 tháng đi học ở trường, tràn đầy cảm giác tự do, tươi mới và háo hức, đó là những gì tôi muốn có ở 1 trường Đại học lý tưởng." - Bạch Đào hồi tưởng lại 2 tháng ngắn ngủi được làm sinh viên.
Sau kỳ nghỉ hè năm 2020, dịch bệnh ngày càng phức tạp, số ca bệnh ngày một gia tăng khiến cô và các du học sinh khác không thể quay trở lại trường.
Đại học Zoom
Ở Trung Quốc, các mối liên kết giữa sinh viên quốc tế với trường học là các lớp học trực tuyến và email. Nhưng trải nghiệm của các lớp học trực tuyến không dễ chịu như trong tưởng tượng.
Bạch Đào mô tả cuộc sống trên lớp học Zoom của mình bề ngoài bình lặng, nhưng thực ra lại rất "hỗn loạn". Cô có nhiều khóa học tự chọn, chủ yếu vào buổi tối, nửa đêm và sáng sớm theo giờ Bắc Kinh, Trung Quốc. Do lệch múi giờ nên cô hầu như không thể tương tác với giáo viên.
"Các bạn khác có thể đặt câu hỏi ngay tại chỗ, còn tôi chỉ có thể gửi email cho giáo viên sau khi tan lớp." - Bạch Đào chán nản nói.
Để bắt kịp chương trình học, Bạch Đào chỉ có thể điều chỉnh thời gian của mình bằng cách ngủ ngày và thức trắng đêm để nghe giảng, nhưng chính Bạch Đào cũng thấy điều đó phản khoa học và khiến cơ thể cùng tinh thần bị xuống dốc.
Các lớp học trực tuyến gia tăng và sự vắng mặt đột ngột của các tương tác xã hội khiến Bạch Đào cảm thấy mình "trầm lắng" một cách lạ thường và hay cáu gắt. Vào tháng 6/2020, cô trở về Trung Quốc trước khi đủ thân thiết với những người bạn mới. Khoảng cách địa lý khiến mọi người dần mất liên lạc, mối quan hệ cũng vì thế mà nguội lạnh.
Bạch Đào lớn lên ở tỉnh Hồ Nam và nghĩ rằng mình có thể liên lạc với những người bạn từ cấp 2, cấp 3 sau khi trở về Trung Quốc. Nhưng thực tế, sau khi tốt nghiệp thì bạn bè mỗi người tản về 1 hướng và cũng có nhóm bạn mới, tình cảm khó lòng khăng khít như lúc xưa.
Bố mẹ Bạch Đào bận rộn với công việc và khó có thể chăm lo cho đời sống tinh thần của con gái. Ban đầu, cô cũng tự nấu ăn, nhưng 1 tuần sau cô bỏ cuộc vì quá cô đơn khi ăn một mình. Sau đó, cô chuyển đến nhà của ông bà ngoại đã hơn 80 tuổi. Trước đó, Bạch Đào không thích sống chung với người lớn tuổi, nhưng lần này cô bất ngờ cảm thấy vô cùng thân thiết với ông bà.
Sự mệt mỏi với các lớp học trực tuyến và thiếu giao tiếp xã hội cũng mang đến tâm lý lo lắng liên tục cho Lâm Kỳ. Tình trạng nghỉ học ở nhà không khác gì kẻ lang thang thất nghiệp, cô bắt đầu phải chịu áp lực ngày càng lớn. Áp lực trước hết đến từ những người thân xung quanh, chẳng hạn như câu hỏi "khi nào sẽ xuất cảnh" thay cho câu hỏi "khi nào lấy chồng". Lâu dần, Lâm Kỳ cảm thấy tiêu cực và không muốn tiếp xúc với người ngoài.
Áp lực lớn hơn đến từ mẹ và bạn bè. Tốt nghiệp Đại học đến nay đã gần 2 năm, các bạn cùng trang lứa với cô cũng đã có công ăn việc làm ổn định.
"Mẹ tôi cảm thấy tình trạng nhàn rỗi ở nhà, không đi học, chẳng đi làm của tôi là rất tệ." - Lâm Kỳ thổ lộ.
Niềm khao khát được đi du học trong cô đã vơi đi nhiều bởi những lo âu và phiền muộn trong cuộc sống. Hiện tại, "đi làm càng sớm càng tốt" đã trở thành mong ước lớn nhất của Lâm Kỳ và gia đình.
"Tôi không muốn đi du học mà lại chỉ được học online. Sau hơn 1 năm 'sống dở chết dở' tôi cũng chẳng còn lựa chọn nào khác là phải theo học cho đến hết chương trình." - Lâm Kỳ buồn bã nói.
Tình trạng "vật lộn" với dịch bệnh của Lâm Kỳ và Bạch Đào cũng chính là tình cảnh của rất nhiều du học sinh Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Họ mắc kẹt giữa đi và ở cùng câu hỏi "bao giờ hết dịch" mãi chưa có lời giải đáp.
Nguồn: QQ