Tiết kiệm chi phí làm nội thất chung cư là mong muốn của rất nhiều gia chủ. Nhưng làm thế nào để tiêu tốn ít ngân sách nhất thì không phải chủ nhà nào cũng có thể nắm rõ. Bằng chuyên môn và những kinh nghiệm quý báu, KTS Nguyễn Cẩm Vân đến từ văn phòng thiết kế Concept Warehouse sẽ đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích giúp các chủ nhà có được lựa chọn hợp lý khi tiến hành hoàn thiện nội thất cho căn hộ của mình.
* Các thông tin được tư vấn bởi KTS Nguyễn Cẩm Vân.
1. Thưa KTS, có những giải pháp cắt giảm chi phí nào khi thiết kế nội thất cho căn hộ chung cư mà gia chủ có thể lựa chọn?
Nếu muốn cắt giảm chi phí nào khi thiết kế nội thất cho căn hộ chung cư, gia chủ có thể lựa chọn 1 trong 5 giải pháp sau:
(1) Khi thiết kế nội thất, bạn sẽ luôn phải cân nhắc giữa 04 yếu tố độ bền, hình thức, công năng, giá thành khi lựa chọn các giải pháp thiết kế và sản phẩm cho căn hộ của mình. Đối với những công trình cần hạn chế chi phí, hãy đưa yếu tố công năng lên hàng đầu, tiếp theo cân nhắc giá thành và độ bền. Hình thức nên để xét đến cuối cùng nếu bạn chưa có điều kiện tài chính để theo đuổi.
Ví dụ dễ hiểu nhất cho giải pháp này chính là lựa chọn các thiết bị cho vệ sinh, thiết bị bếp và vật liệu ốp lát, những hạng mục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đầu tư. Bạn có thể chọn một chiếc lavabo từ hơn 1 triệu đến cả vài chục triệu mà công năng vẫn giống nhau. Gạch ốp lát cũng có thể mua những loại giá chỉ 250k/m2, thay vì các loại đắt tới vài triệu đồng.
Một khoản chi phí lớn khác là phần đồ gỗ bao gồm bề mặt gỗ, cốt gỗ và phụ kiện. Bạn có thể lựa chọn hình thức đồ đơn giản, vuông vắn, phẳng phiu, để có thể sử dụng gỗ công nghiệp, cốt gỗ MFC và bề mặt melamine giúp tiết kiệm chi phí đến 15-30%. Trên thị trường hiện có nhiều đơn vị cung cấp các sản phẩm gỗ công nghiệp với giá thành chênh lệch khá nhiều. Bạn có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp ngân sách của mình chứ không nhất thiết chạy theo thương hiệu nổi tiếng nhưng đắt đỏ.
(2) Hạn chế sửa chữa phần thô vì khối lượng công việc sẽ tăng lên rất nhiều so với cải tạo riêng đồ nội thất hay bề mặt hoàn thiện của trần, tường, sàn. Hãy cố gắng khắc phục những nhược điểm của cấu trúc không gian bằng việc lựa chọn kiểu dáng nội thất, màu sắc, chất liệu phù hợp.
(3) Dạo quanh các cửa hàng bán đồ gỗ cũ có thể giúp bạn mua được những chiếc ghế ăn, tủ đầu giường, tủ buffet cũ …với kiểu dáng hoài cổ để kết hợp trong không gian mới. Hãy kiểm tra kỹ kích thước, các mối liên kết và độ bền chắc của món đồ để đảm bảo chúng còn có thể sử dụng lâu dài trong căn nhà của bạn. Tất nhiên, đừng quên tham khảo ý kiến của kiến trúc sư để sự kết hợp này không phá vỡ nét hài hoà và phong cách nội thất của tổng thể.
(4) Chia giai đoạn đầu tư: chủ nhà có thể lựa chọn các hạng mục thuộc cấu trúc cứng (tường, vách ngăn chia, ốp lát, trần thạch cao…) và đồ liền tường ( tủ bếp, tủ âm tường, thiết bị vệ sinh… ) để thi công trước. Các đồ rời như sofa, bàn ăn, giường…có thể thay dần đồ mới đúng kiểu dáng thiết kế vào sau để giảm gánh nặng chi phí ban đầu. Điều này giống như bạn xây dựng cho mình một tầm nhìn dài hạn nhưng ứng biến đầu tư một cách khôn ngoan vậy.
(5) Đừng bao giờ quên việc cắt giảm chi phí liên quan chặt chẽ với giảm bớt nhu cầu sử dụng trong nhà. Ví dụ, bạn hoàn toàn có thể kết hợp khu tiếp khách với bàn ăn bằng một mặt bàn lớn, phục vụ cả nhu cầu tiếp khách, ăn uống, làm việc …việc decor khi đó còn đơn giản và dễ ấn tượng hơn. Hoặc cũng không nhất thiết hai bên đầu giường cần có hai tủ tab, hai đèn ngủ tách biệt. Nhiều khi, bạn có thể tích hợp chỗ để đồ vào ngay đầu giường, hoặc chỉ dùng tủ và đèn một bên.
Hãy sáng tạo theo cách riêng, phù hợp với nhu cầu của riêng mình, bạn không chỉ giảm bớt được những đồ dùng thừa, tiết kiệm được kha khá chi phí mua sắm đồ đạc, mà còn có thêm nhiều không gian trống, điều rất quý giá trong nội thất.
2. Theo KTS, gia chủ nên lưu ý những gì khi lựa chọn các sản phẩm nội thất cho ngôi nhà?
Các hạng mục lắp đặt cố định, có liên kết với nhiều hạng mục khác thì nên lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt, độ bền cao, vì mỗi khi hư hỏng, cần thay thế, sửa chữa sẽ rất phức tạp và đôi khi, chi phí còn cao hơn là chọn sản phẩm tốt, giá cao ngay từ đầu.
Ví dụ, nếu bạn muốn dùng sen tắm âm tường cho đẹp thì hãy lường trước việc sửa chữa sẽ liên quan đến lớp ốp lát và chống thấm của nhà vệ sinh, hãy chọn sản phẩm uy tín, chất lượng cao. Còn nếu kinh phí không cho phép, bạn nên thay thế bằng sen tắm nổi trên tường, tuy hình thức không đẹp bằng nhưng giá thành thấp hơn, bảo dưỡng, sửa chữa đơn giản hơn nhiều.
Chủ nhà gọi thợ và xưởng làm việc trực tiếp cũng là một cách tiết kiệm chi phí do không phải thông qua bên thứ ba là kiến trúc sư. Tuy nhiên, sự cắt giảm này thực chất chính là bỏ qua sự tư vấn, giám sát chuyên môn và bảo hành chất lượng công trình, có thể dẫn đến rủi ro ở chất lượng công trình mà sau này chủ nhà mới nhận ra.
3. Hiện nay, có rất nhiều gia đình lựa chọn chất liệu nội thất giá rẻ để giảm thiểu chi phí khi thiết kế nội thất, theo KTS đây có phải là phương án phù hợp?
Để hiểu được các chất liệu trong nội thất, ưu nhược điểm và cách kết hợp chúng trong nội thất một cách hiệu quả, hài hòa với nhau, chủ nhà nên được tư vấn bởi kiến trúc sư. Ví dụ, bạn có thể sử dụng cốt gỗ MFC cho đồ gỗ trong nhà như đối với khu vực chậu rửa khoang bếp hay tủ lavabo thì vẫn nên dùng tấm gỗ nhựa để chống nước, không bị ẩm mốc, hư hại theo thời gian.
Các loại sơn giá thành khác nhau sẽ có bề mặt hoàn thiện chất lượng khác nhau. Sơn giá rẻ có thể khả năng chống mốc, lau chùi kém và xuống cấp rất nhanh theo thời gian. Thay vì lựa chọn cả nhà dùng sơn bình dân thì bạn có thể dùng sơn giá vừa phải cho trần, các khu vực tường thì dùng loại giá cao hơn và chất lượng ổn định hơn.
Hoặc đôi khi thay vì làm một bàn đá lavabo bao gồm chậu sứ, mặt đá, khung tủ và phần cánh gỗ bên dưới thì bạn dùng luôn một chậu lavabo bê tông đặt sàn sẽ cắt giảm bớt công việc và chi phí hơn. Bạn nên trao đổi với người có chuyên môn tốt để sự cắt giảm này không ảnh hưởng đến công năng sử dụng và độ bền mong muốn của nội thất.
4. Gia đình tôi muốn thiết kế nội thất theo phong cách cổ điển sang trọng, liệu việc cắt giảm chi phí thiết kế nội thất có ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ của căn nhà hay không?
Khi lựa chọn phong cách nội thất, bạn nên cùng kiến trúc sư xem xét tất cả các điều kiện về không gian diện tích, tiến độ hoàn thành và cả chi phí chứ không chỉ dựa trên sở thích cá nhân.
Phong cách cổ điển, sang trọng yêu cầu đầu tư nhiều vào chi tiết trang trí như gờ phào, đèn chiếu sáng, đồ gỗ có đường nét phức tạp, cần sử dụng kết hợp cả gỗ tự nhiên,.. Đây không phải là phong cách mà một dự án có ngân sách thấp nên theo đuổi. Bạn nên điều chỉnh sang những phương án khác có tính thực dụng cao và ít đòi hỏi trang trí chi tiết hơn.
5. Sau khi mua nhà, gia đình tôi đã chi một khoản tiền để thuê thiết kế hệ tủ kết hợp kệ TV. Tuy nhiên, sau khi lắp đặt và sử dụng tôi cảm thấy đây là khoản chi không thực sự cần thiết. Gia đình không tận dụng được hết công năng của sản phẩm, một số chi tiết thừa còn gây rối mắt không ăn nhập với không gian của căn nhà.
Từ trường hợp này, KTS có lời khuyên gì tới các gia chủ có ý định thuê thiết kế nội thất bên ngoài không?
Rất tiếc là bạn không hài lòng với thiết kế và sản phẩm tủ tivi đang sử dụng. Quá trình thiết kế hai bước, vẽ phối cảnh và bản vẽ kỹ thuật thi công sẽ cho bạn cái nhìn đầy đủ về hình thức và công năng của hệ tủ. Hãy đảm bảo là bạn nêu đầy đủ mong muốn của mình cho kiến trúc sư để họ hiện thực hóa điều đó trong sản phẩm cuối cùng.
Theo tôi, đối với tất cả các chủ nhà, điều họ nên tập trung nhất nên là: Tìm cho mình một kiến trúc sư phù hợp: có gu thẩm mỹ, có kinh nghiệm, hai bên có khả năng trao đổi và thấu hiểu nhau, phù hợp về chi phí. Khi đã có người tư vấn tốt rồi thì họ sẽ làm việc chuyên môn của họ, bạn sẽ không phải lăn tăn về những vấn đề như trên nữa, mà chỉ cần đón chờ thành quả của cả hai thôi.
Cảm ơn KTS đã tư vấn!