Anh Tuấn Anh (KTS) quyết định "chốt sổ" căn hộ tại Vinhomes Royal sau khi cân nhắc 1 vài yếu tố cơ bản như chủ đầu tư uy tín, vị trí thuận lợi, gần trung tâm... Mua nhà không khó, đến khâu thiết kế nhà, với chuyên môn của 1 kiến trúc sư, nhiều người mặc định anh sẽ tránh được khối chuyện đau đầu như chọn đơn vị thiết kế, thi công. Tuy nhiên, kiến trúc sư tự làm nhà của mình cũng có những cái khó riêng mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.
KTS tự làm nhà - Tại sao "bụt chùa nhà không thiêng"?
Ngỡ tưởng rằng kiến trúc sư tự làm nhà cho mình thì càng cần phải chăm chút, kỹ tính. Tuy nhiên, người trong ngành thiết kế lại có câu nói rằng: "Kiến trúc sư làm nhà người khác thì đẹp, còn nhà mình thì xấu!".
Ngẫm kỹ thì định kiến này không phải là không có cơ sở. Hơn ai hết, chính các kiến trúc sư là người am hiểu ưu nhược điểm của các phong cách nội thất, trào lưu hiện nay là gì… Vì vậy, so với những người không biết mình thích gì thì bản thân kiến trúc sư lại càng khó lựa chọn hơn vì "cái gì cũng thích". Anh Tuấn Anh chia sẻ: "Kiến trúc sư dễ bị ngợp giữa vô số phong cách, màu sắc, chất liệu... nên để đi đến được quyết định cuối cùng quả là điều khó khăn. Vì vậy, so với làm nhà cho khách, bản thân bọn mình khi tự thiết kế nhà thường rơi vào tình trạng ‘bụt chùa nhà không thiêng’".
Căn hộ Vinhomes Royal được anh lựa chọn vì gần trung tâm, thuận lợi khi đi làm
Không gian phòng khách - bếp liên thông tạo cảm giác rộng rãi
Nhà của kiến trúc sư nhưng lại thiếu cá tính?
Khi tự thiết kế căn hộ Vinhomes Royal có diện tích 90m2 của mình, anh Tuấn Anh bộc bạch: "Mọi người thường nghĩ nhà kiến trúc sư sẽ phải rất lung linh, cá tính, nhưng thực ra khi thiết kế căn hộ này, mình đã chọn 1 phong cách an toàn".
Cụ thể, căn hộ Vinhomes được thiết kế theo phong cách Scandinavian kết hợp với hiện đại tươi trẻ, làm nổi bật sự tối giản, an nhiên và cảm giác thư thái mỗi khi về nhà. Phong cách tối giản cũng là trend được nhiều người trẻ yêu thích hiện nay. Ban đầu, phần bếp được tách riêng và có vách ngăn nên không gian có cảm giác khá bé và ngột ngạt. Vì vậy, anh đã thiết kế lại khu vực chính gồm phòng khách - bếp liên thông nhau, tạo ấn tượng thị giác rộng hơn so với thiết kế cũ của tòa nhà.
Không gian bếp đơn giản, gọn gàng
Phòng bếp và phòng vệ sinh đều được ốp gạch thẻ
Tông màu chủ đạo là màu xanh be, trắng và màu gỗ sồi tự nhiên, nhằm toát lên sự thân thuộc, mộc mạc, ấm cúng. Ngoài ra, khu vực được ưng ý nhất là WC master. Anh Tuấn Anh đã phối màu tươi trẻ, dùng chất liệu gạch thẻ trắng xanh nên bước vào liền cảm nhận được sự dịu mát và sảng khoái. Chi phí đầu tư nội thất, cải tạo phần thô và đồ gia dụng cho căn hộ của anh là 1 tỉ đồng.
Lý giải vì sao lại chọn 1 giải pháp an toàn, anh cho biết thêm: "So với các phong cách độc đáo, đòi hỏi nhiều công phu khác, việc lựa chọn 1 phong cách an toàn giúp mình có thể dễ dàng thay đổi thiết kế theo ý thích. Đây chính là cách mà kiến trúc sư tận dụng ưu thế ‘của nhà trồng được’. Hơn nữa, trong trường hợp mình có thay đổi nơi ở thì nội thất cũng sẽ không hao phí 1 khoản đầu tư lớn".
Phòng ngủ với tone trắng - xanh
Không gian phòng ngủ nhiều ánh sáng
Nguồn ảnh: LukLak Design