Tại Việt Nam, đã có những người tiên phong "mở đường" cho mô hình tiên tiến này. Trong đó, có thể thấy khá rõ việc vận dụng mô hình kinh tế tuần hoàn xuyên suốt trong chuỗi giá trị của Vinamilk, doanh nghiệp sữa lớn nhất nước ta hiện nay.
Kinh tế tuần hoàn – mô hình của tương lai
Có thể hiểu một cách đơn giản là trong nền kinh tế theo mô hình truyền thống (hay còn gọi là tuyến tính), các nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên ở dạng nguyên liệu thô để đưa vào sản xuất ra các sản phẩm, sau đó chất thải từ việc sản xuất và tiêu dùng được chôn lấp hoặc thậm chí đưa thẳng ra môi trường.
Trong khi đó, ngược lại với cách tư duy "khai thác – sử dụng – thải bỏ" này, kinh tế tuần hoàn là một mô hình ưu việt hơn và là xu hướng tất yếu của thế giới, bởi giúp cùng lúc đạt được 3 mục tiêu: Ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào; Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra; Kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.
Sự khác nhau giữa mô hình kinh tế tuyến tính và mô hình kinh tế tuần hoàn
Vận dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, các nhà sản xuất chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường bằng cách tối đa hóa vòng đời của tất cả tài nguyên; tái chế - tái sử dụng các nguồn lực; sử dụng năng lượng sạch, hạn chế xả thải ra môi trường… Nói tóm lại, thay vì thải bỏ, các tài nguyên được "tuần hoàn" để tiếp tục tạo ra các giá trị mới. Theo các chuyên gia, mô hình này giúp giảm chi phí điều hành doanh nghiệp, thậm chí sẽ tăng khả năng cạnh tranh trong các điều kiện bất lợi hoặc thay đổi đột biến.
Với cách tiếp cận đó, kinh tế tuần hoàn đang được thế giới nói đến như một mô hình của tương lai và đặc biệt sẽ còn phát huy tác dụng khi các quốc gia bước vào giai đoạn phục hồi sau "cú sốc" Covid-19. Tại Việt Nam, dù khái niệm kinh tế tuần hoàn cũng còn khá mới nhưng đã có những doanh nghiệp lớn có tầm nhìn chiến lược rõ nét về phát triển bền vững, chủ động vận dụng trong hoạt động của mình. Điển hình như tại Vinamilk, doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất hiện nay, mô hình này đang được vận dụng như thế nào?
Chăn nuôi xanh - Sản xuất sạch
Tại Vinamilk, sự vận dụng mô hình kinh tế tuần hoàn được thể hiện khá rõ nét tại các trang trại bò sữa và nhà máy. Đây cũng là 2 khâu quan trọng nhất của chuỗi sản xuất và trên một quy mô lớn với 12 trang trại và 13 nhà máy trên cả nước.
Kinh tế tuần hoàn được vận dụng trong chuỗi giá trị của Vinamilk
Hệ thống các trang trại bò sữa của Vinamilk được xây dựng và vận hành theo các hệ tiêu chuẩn quốc tế như Tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt (Global G.A.P) hay chuẩn hữu cơ Châu Âu – EU Organic. Quy trình chăn nuôi từ lúc làm đất, trồng cỏ, chăm sóc bò cho đến giai đoạn cuối cùng là xử lý chất thải đều được Vinamilk thực hiện để tạo "vòng tuần hoàn xanh" tại các trang trại bò sữa.
Trong đó, chăn nuôi hữu cơ (organic) và hệ thống xử lý chất thải được đánh giá là những điểm sáng trong nỗ lực của doanh nghiệp khi phát triển trang trại chăn nuôi bò sữa.
Tính đến năm 2019, diện tích đồng cỏ hữu cơ cho chăn nuôi bò sữa của Vinamilk đã tăng gấp 10 lần so với năm 2016 khi doanh nghiệp mở trang trại Organic đầu tiên tại Việt Nam. Nhờ nguồn thức ăn đầu vào đảm bảo, cộng thêm phương pháp chăn nuôi hữu cơ, không nuôi lớn bò bằng các loại thuốc kích thích tăng trưởng và kháng sinh, Vinamilk đã tạo được nguồn sữa tươi hữu cơ đạt chuẩn Châu Âu để đáp ứng cho người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu.
Chăn nuôi hữu cơ mang đến nhiều lợi ích và thân thiện với môi trường
Bên cạnh đó, để sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, Vinamilk đã xây dựng vòng tròn quản lý nguồn đất bền vững, hướng đến trả lại dinh dưỡng hữu cơ tự nhiên cho đất. Những năm gần đây, Vinamilk cũng đã bắt đầu ứng dụng kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến như theo công nghệ Nhật Bản tại nhiều trang trại bò giúp tăng độ màu mỡ, dinh dưỡng cho đất để thay thế cho hóa chất và phân vô cơ.
Vòng tuần hoàn đất được Vinamilk áp dụng trong những năm qua
Biến chất thải thành tài nguyên là một tư duy đặc trưng của kinh tế tuần hoàn. Tại các trang trại Vinamilk, nhờ công nghệ biogas, nếu như chất thải gia súc được xử lý để tiếp tục bón cho đồng cỏ, cải tạo đất, thì một phần khác được biến đổi thành khí metan dùng để đun nước nóng dùng cho hoạt động của trang trại. Giải pháp này không chỉ mang đến hiệu quả về kinh tế nhờ năng lượng tái tạo, tái sử dụng mà còn giảm thiểu đáng kể lượng phát thải CO2.
Vòng tuần hoàn xanh được xây dựng tại các trang trại bò sữa Vinamilk với hệ thống Biogas giúp biến chất thải thành tài nguyên
Tương tự với mô hình trang trại, nhà máy sản xuất được coi là một ví dụ điển hình cho việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn tại Vinamilk. Tại đây, năng lượng tái tạo hiện chiếm 94% nhiên liệu sử dụng. Năm ngoái, Vinamilk cũng bắt đầu thử nghiệm với năng lượng mặt trời thông qua việc đầu tư vào hệ thống sản xuất loại điện năng này tại 4 nhà máy ở miền Trung, Nam Bộ, góp phần giảm phát thải tương đương 12.000 tấn CO2.
Theo báo cáo phát triển bền vững của Vinamilk, trong năm 2019, 100% nước thải sản xuất được xử lý trước khi ra môi trường, tương đương hơn 3 triệu m3 nước. Ngoài ra, các nhà máy đã giảm thiểu và tiết kiệm hơn 230.000 kg nhựa, thông qua hàng loạt các hoạt động như giảm màng co, giảm keo dán nắp, giảm nhãn nắp sản phẩm...
Những kết quả tích cực ban đầu từ việc vận dụng các sáng kiến phát triển bền vững vào sản xuất tại các nhà máy của Vinamilk
Chiến lược dài hạn và hành động cụ thể
Đại diện Vinamilk cho biết: "Kinh tế tuần hoàn sẽ là kim chỉ nam trong chiến lược phát triển bền vững của Vinamilk". Để thực hiện chiến lược này, doanh nghiệp vạch ra một số chương trình cụ thể như đẩy mạnh các sáng kiến về phát triển bền vững; thiết lập bộ phận chuyên môn về kinh tế tuần hoàn; sử dụng chìa khóa công nghệ 4.0 trong sản xuất kinh doanh để tối ưu hóa hoạt động, nâng cao năng suất và quản trị nguồn lực…
Cùng với đó là những mục tiêu cụ thể được xác định như từ 2018 đến 2020, doanh nghiệp đặt mục tiêu giảm ít nhất 1% năng lượng hàng năm; đầu tư cho các mô hình ứng dụng năng lượng mới và năng lượng tái tạo; duy trì một cách có hiệu quả hệ thống quản lý sử dụng năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001…
Rõ ràng, sự chuyển đổi trong mô hình hoạt động, sản xuất kinh doanh sẽ tiêu tốn sự đầu tư của doanh nghiệp cho nhiều nguồn lực trước mắt như nghiên cứu - phát triển, con người, công nghệ... Tuy nhiên, ở tầm nhìn dài hạn, đây là xu thế tất yếu mà tất cả các doanh nghiệp cần nắm bắt và vận dụng để hướng đến sự phát triển bền vững và tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.