Kinh tế trưởng Mekong Economics: Việt Nam cần làm gì để tránh hiện tượng loạt KCN 'mọc lên như nấm'?

Quỳnh Lê - Hương Xuân | 01-06-2021 - 18:37 PM

(Tổ Quốc) - Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 25 khu công nghiệp được thành lập mới. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm ngoái, con số này chỉ là 6 khu công nghiệp.

Tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 370 khu công nghiệp được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các KCN cũng đã tạo ra việc làm cho hơn 3,8 triệu lao động trực tiếp, chiếm khoảng 7% lực lượng lao động của cả nước.

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, TS. Adam McCarty đã chia sẻ quan điểm của mình về việc phát triển các khu công nghiệp và kinh nghiệm từ các nước phát triển trong quá khứ.

TS. Adam McCarty là người sáng lập, đồng thời là chuyên gia kinh tế trưởng tại công ty tư vấn Mekong Economics. Sing ra và lớn lên tại Úc, đến năm 1990 ông quyết định chuyển đến Việt Nam. Ông Adam cho biết, giờ đây, ông không còn "mù mờ" với Việt Nam như trước nữa.

Kinh tế trưởng Mekong Economics: Việt Nam cần làm gì để tránh hiện tượng loạt KCN mọc lên như nấm? - Ảnh 2.

Từ năm ngoái, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc cũng như xu hướng doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam để được hưởng lợi theo các hiệp định thương mại tự do đã khiến nhu cầu đất công nghiệp trên cả nước tăng mạnh. Theo đó, hàng loạt dự án KCN đã được phê duyệt. Ông nhận xét gì về xu hướng này?

Tôi cho rằng đây là một xu hướng tốt và các nước phát triển đều đã từng trải qua giai đoạn này. Đặc biệt khi nguồn lao động và nguồn cung tại Việt Nam vẫn dồi dào, thì việc có nhiều khu công nghiệp là điều đương nhiên và chúng ta đang đi đúng hướng.

Việc nhanh chóng phê duyệt loạt khu công nghiệp này được đánh giá là quyết định hợp lý, với hai lý do. Thứ nhất, khi mở các khu công nghiệp, Chính phủ sẽ dễ khoanh vùng để kiểm soát hơn. Bên cạnh đó, những vấn đề như ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm không khí hay nước cũng sẽ được giải quyết một cách hiệu quả hơn nhiều.

Lý do thứ hai đó là việc thu hút đầu tư sẽ được tập trung và mang lại hiệu quả hơn, các công nhân sẽ được trả lương cao và công việc có tính đảm bảo hơn. Điều này không chỉ diễn ra trong 1, 2 năm gần đây mà quá trình này đã có trong 20 năm. Miễn là các khu công nghiệp được quản lý chặt chẽ và minh bạch, thì đây là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế đất nước.

Kinh tế trưởng Mekong Economics: Việt Nam cần làm gì để tránh hiện tượng loạt KCN mọc lên như nấm? - Ảnh 3.

Làn sóng đầu tư vào Việt Nam ngày càng lớn, với Bắc Giang luôn nằm trong top 10 tỉnh có lượng thu hút đầu tư lớn nhất cả nước. Điều này sẽ đem lại những thách thức gì về việc sử dụng hiệu quả đất công nghiệp?

Đúng là hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều áp lực về đất đai. Đô thị hoá là một trong số đó. Điều này đòi hỏi quá trình chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp phải được quản lý chặt chẽ. Bởi đây là nơi sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu và là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư.

Thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu sự lan toả, thiếu các nhà cung cấp đầu vào, các doanh nghiệp Việt Nam cho các doanh nghiệp nước ngoài tại đây. Thực tế thì việc sử dụng đất không có nhiều thách thức, mà thách thức là cách tận dụng kết nối trong kinh doanh sau khi đã xây dựng trên khu đất ấy rồi.

Những điều doanh nghiệp Việt Nam cần làm đó là tiếp tục những gì họ đang làm, bởi tôi biết họ hoàn toàn hiểu cách chuỗi giá trị toàn cầu vận hành, kiến thức chuyên môn hay những kiến thức ngầm. Những nhà quản lý giỏi nhất của Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào quá trình này.

Đây là một phần trong quá trình nâng cao chuỗi giá trị.

Kinh tế trưởng Mekong Economics: Việt Nam cần làm gì để tránh hiện tượng loạt KCN mọc lên như nấm? - Ảnh 4.

Hiện nhiều địa phương có kế hoạch mở rộng các khu chế xuất, công nghiệp để thu hút thêm vốn đầu tư, nhưng không phải nơi nào cũng có lợi thế. Theo ông, khó khăn của việc phát triển các khu chế xuất, công nghiệp hiện nay là gì?

Chúng ta có thể nhận thấy rõ cuộc đua của các tỉnh tại Việt Nam. Ở mọi quốc gia, quy hoạch và sử dụng đất là một chủ đề rất "nóng". Việt Nam cũng không ngoại lệ. Điều này đòi hỏi sự can thiệp của Chính phủ, cũng như công tác quy hoạch vùng. Thực tế thì chúng ta không thể phê duyệt và tạo ra hàng loạt khu công nghiệp được.

Rất nhiều dự án đã thất bại, đơn giản vì để xây dựng một khu công nghiệp thành công, ít nhiều nó phải được đặt đúng vị trí đã. Chưa kể đến việc cần có cơ sở hạ tầng chất lượng, nguồn cung lao động xung quanh khu vực đủ đáp ứng nhu cầu, hay như khả năng tiếp cận nguồn điện, chuỗi logistics…

Nếu chỉ cần thiếu một trong những yếu tố trên, việc tạo ra khu công nghiệp chắc chắn sẽ gặp nhiều cản trở. Bởi vậy, một khu công nghiệp cần phải được phân tích kỹ lưỡng về lợi ích mặt kinh tế, xã hội trước khi được phê duyệt cấp tỉnh, cấp vùng hay cấp quốc gia.

Thực tế, Việt Nam đang đi đúng hướng khi mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các các bộ, cơ quan, địa phương đã rà soát, giảm 1.050 dự án trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Điều này sẽ thúc đẩy hoạt động các dự án đầu tư công trở nên hiệu quả hơn, và giảm thiểu hiện tượng các khu công nghiệp "mọc lên như nấm".

Kinh tế trưởng Mekong Economics: Việt Nam cần làm gì để tránh hiện tượng loạt KCN mọc lên như nấm? - Ảnh 5.

Các khu chế xuất, công nghiệp luôn nằm trong nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao khi dịch Covid-19 bùng, khó quản lý với số lượng lao động lớn. Việt Nam cần có giải pháp gì để đảm bảo an toàn cho người lao động và hoạt động thông suốt của các doanh nghiệp?

Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam, các cơ quan chức năng từ cấp địa phương đến quốc gia đang làm rất tốt trong việc đối phó với đại dịch Covid-19 cũng như các đợt bùng phát trước đây. Đây thực sự là một điều phi thường. Bởi Việt Nam có biên giới giáp với Lào, rồi Campuchia và Trung Quốc, nhưng dường như lúc nào cũng có thể truy vết và cô lập các ổ dịch.

Đợt bùng phát lần này lại gây ra nhiều áp lực nặng nề hơn. Nhưng tôi cho rằng những điều Việt Nam cần làm cũng sẽ không khác gì những lần trước. Trừ khi có thêm nhiều đợt bùng phát nữa, nếu không, về cơ bản tôi tin rằng Việt Nam sẽ kiểm soát được.

Việc ưu tiên tiêm vaccine cho các công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp cũng là hướng đi đúng đắn. Không chỉ vì lý do kinh tế, mà đây còn là những khu vực có khả năng lây lan nhanh chóng vô cùng.

Kinh tế trưởng Mekong Economics: Việt Nam cần làm gì để tránh hiện tượng loạt KCN mọc lên như nấm? - Ảnh 6.

Theo khảo sát mức sống dân cư 2020, thu nhập bình quân của 1 người Việt Nam là khoảng 4,2 triệu đồng/tháng, giảm 2% so với năm 2019. Điều này là do có sự xuất hiện của Covid-19?

Suy nghĩ đầu tiên của tôi sau khi nhìn thấy kết quả này là: Vậy đâu là nhóm người được hưởng lợi khi GDP Việt Nam đạt mức tăng trưởng tương đối tích cực hồi năm ngoái? Rõ ràng thu nhập bình quân đã giảm hẳn.

Có thể các doanh nghiệp và tập đoàn hưởng lợi nhuận, nhưng không thể phủ định trong giai đoạn Covid-19, tình trạng mất việc làm và thất nghiệp diễn ra rất nhiều. Do vậy, thu nhập của người dân không tăng lên đáng kể.

Nhưng thực sự, cho dù giảm 2%, 3%, hay 5% thì tôi nghĩ mức thu nhập bình quân không quan trọng bằng việc trong toàn bộ dân số Việt Nam, có thể có 10 triệu người đã thực sự chịu thiệt hại nặng nề trong năm vừa qua. Họ chính là nhóm người dễ tổn thương nhất trong xã hội, đã mất việc làm, phải chuyển về khu vực nông thôn, buộc đóng cửa hàng và các cơ sở kinh doanh của mình.

Kinh tế trưởng Mekong Economics: Việt Nam cần làm gì để tránh hiện tượng loạt KCN mọc lên như nấm? - Ảnh 7.

Đây là nhóm người không có hợp đồng lao động chính thức, vì vậy họ không được hưởng lợi từ an sinh xã hội. Tôi nghĩ điều này quan trọng hơn là con số bình quân giảm 2%, bởi nếu chỉ nhìn vào bức tranh tổng thể, chúng ta sẽ cho rằng đây là con số nhỏ lẻ.

Hay như sự khác biệt giữa thu nhập các địa phương cũng chỉ rõ sự phân hoá khi tôi được biết năm 2020, Bình Dương là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, khoảng hơn 7 triệu đồng/người mỗi tháng, cao hơn cả TP. HCM và Hà Nội. Điều này tôi cho rằng là do Bình Dương có nhiều khu công nghiệp. Năm vừa qua họ đều có thể giữ công việc, thu nhập ổn định của mình. Ngược lại, tại hai thành phố lớn là TP. HCM và Hà Nội, có rất nhiều người làm các công việc phi chính thức, rủi ro cao.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Đa dạng lựa chọn TV Samsung 98 inch: Màn hình cực đại cho trải nghiệm Tết cực đỉnh

Đón đầu xu hướng TV màn hình siêu lớn, Samsung với vị thế là thương hiệu TV đứng hàng đầu thế giới 18 năm liên tiếp đã nhanh chóng xác lập thị phần áp đảo ở phân khúc sản phẩm trên 90 inch, đặc biệt là 98 inch. Những thiết bị nghe nhìn đẳng cấp này chính là khởi đầu lý tưởng cho trải nghiệm Tết đỉnh năm nay.