Cà phê chứa caffeine có thể giúp thúc đẩy tâm trạng, tăng cường trao đổi chất trong cơ thể và giúp bạn tỉnh táo hơn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cà phê an toàn với đa số mọi người khi tiêu thụ với lượng vừa đủ.
Tuy nhiên, những người uống quá nhiều cà phê, nạp vào cơ thể một lượng lớn caffeine ngược lại có thể gây tổn hại cho sức khỏe.
Cơ thể đối mặt với 5 vấn đề sức khỏe khi uống quá nhiều cà phê
1. Lo lắng
Caffeine trong cà phê có thể làm tăng sự tỉnh táo bằng cách ngăn chặn tác dụng của adenosine, một chất hóa học trong não khiến bạn cảm thấy mệt mỏi. Đồng thời, nó kích hoạt giải phóng adrenaline, hormone có tác dụng giúp tăng năng lượng.
Tuy nhiên, khi uống quá nhiều cà phê, những tác dụng này có thể trở nên rõ rệt hơn, dẫn đến lo lắng và hồi hộp.
Tiêu thụ quá nhiều caffeine (từ 1.000mg trở lên) mỗi ngày đã được báo cáo là có thể gây căng thẳng, bồn chồn và các triệu chứng tương tự như các triệu chứng thường xuất hiện ở những người bị nhạy cảm với caffeine.
2. Mất ngủ
Một trong những tác dụng phụ khác khi uống quá nhiều cà phê là cản trở giấc ngủ, khiến mọi người bị mất ngủ. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lượng caffeine cao hơn có thể kéo dài thời gian tiến vào giấc ngủ và có thể làm giảm khiến giấc ngủ ngắn hơn, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Chất lượng giấc ngủ kém có thể dẫn đến một số vấn đề về sức khỏe khác chẳng hạn như ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hệ thần kinh và quá trình trao đổi chất.
3. Các vấn đề về tiêu hóa
Cà phê có tác dụng nhuận tràng do cà phê giải phóng gastrin, một loại hormone do dạ dày sản xuất, giúp tăng tốc hoạt động trong đại tràng. Ngoài ra, caffeine cũng kích thích nhu động ruột, giúp tạo ra các cơn co thắt giúp thức ăn được tiêu hóa nhanh hơn.
Khi uống một lượng lớn cà phê tác dụng này khiến bạn bị đi ngoài ra phân lỏng hoặc thậm chí là tiêu chảy ở một số người.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng uống quá nhiều cà phê có thể làm trầm trọng thêm bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) ở một số người.
4. Tăng huyết áp
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng uống quá nhiều caffeine có thể khiến huyết áp tăng cao tạm thời do caffeine có thể kích thích đến hệ thần kinh. Huyết áp cao kéo dài có thể làm hỏng các động mạch theo thời gian, hạn chế lưu lượng máu đến tim và não, từ đó làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Do đó, khi sử dụng cà phê, mọi người cần chú ý đến liều lượng và thời điểm sử dụng, đặc biệt là những người vốn đã mắc huyết áp cao càng cần chú ý.
5. Tăng nhịp tim
Một lượng caffeine trong cà phê có thể khiến tim đập nhanh hơn. Điều này cũng có thể dẫn đến nhịp tim thay đổi bất thường.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England đã chỉ ra rằng những người tham gia nghiên cứu uống nhiều cà phê có tỷ lệ mắc ngoại tâm thu thất cao hơn khoảng 50% so với những ngày không uống.
Mặc dù tình trạng ngoại tâm thu thất không quá nguy hiểm và nghiêm trọng nhưng các chuyên gia cho biết những người thường xuyên gặp tình trạng ngoại tâm thu thất có nhiều khả năng mắc bệnh suy tim hơn.
Bao nhiêu cà phê là quá nhiều?
Theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), những người trưởng thành khỏe mạnh chỉ nên tiêu thụ 400 miligam caffeine mỗi ngày (tương đương với khoảng 4-5 tách cà phê).
Tuy nhiên, những người bị nhạy cảm với caffeine có thể cần giảm lượng caffeine xuống mức thấp hơn. Ngoài ra, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang có kế hoạch sinh con, phụ nữ đang cho con bú, những người đang dùng thuốc hoặc mắc các vấn đề sức khỏe khác cần tìm đến sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng cà phê.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cho biết trẻ em và thanh thiếu niên không nên sử dụng cà phê hoặc tiêu thụ caffeine.