Ngôi nhà ở Long Biên là món quà mà vợ chồng kiến trúc sư Đặng Hữu Hải dành tặng cho bố mẹ. Tổ ấm này là một chốn yên bình, gợi nhắc về những nét thanh lịch, hoài cổ cùng những ký ức xưa cũ êm đềm.
Trước đó, hai chỗ ở của gia đình anh đều không ổn định. Căn nhà đầu tiên nằm trên một mảnh đất không có sổ đỏ. Thêm vào đó, vì sinh hoạt bất tiện, đường xá đông đúc, an ninh khu vực không tốt nên bố mẹ anh quyết định cho thuê căn nhà này và chuyển đến một chung cư cũ.
Sau một thời gian được anh thuyết phục, bố mẹ anh quyết định chuyển sang Long Biên mua một mảnh đất rộng 75m2. Tuy nhiên, so với làm nhà cho khách, thiết kế nhà cho chính gia đình mình khiến anh càng áp lực hơn, bởi nếu không ưng ý thì sẽ khiến tâm lý của bản thân không thoải mái. Bên cạnh đó, đây lại là lần đầu tiên bố mẹ anh làm nhà nên không tránh khỏi áp lực, lo lắng.
Thay vì xây phủ toàn bộ diện tích đất, công trình được bố trí lùi lại, chừa một khoảng sân nhỏ phía trước. Đây được coi là một khoảng thở cho ngôi nhà, cũng là một khoảng không cần thiết để ngôi nhà khoe được diện mạo. Mỗi tầng đều được bố trí không gian ban công, tuy nhỏ nhưng đóng vai trò quan trọng như một khoảng đệm không khí, giúp che nắng và giảm bớt lượng nhiệt tác động vào bên trong ngôi nhà. Anh chọn gam màu chủ đạo là trắng, các chi tiết hiện đại và cổ điển được lồng ghép, đan xen vào nhau: những đường phào chỉ duyên dáng, những lan can sắt uốn…
Trong nhà được thiết kế một khoảng thông tầng để không khí được thoáng đãng. Ngoài ra, ngôi nhà có một cửa sổ vòm để lấy sáng nên không gian không bị tối và gây cảm giác bí bách.
Giữa những khối nhà ống dày đặc, bức bối, anh quyết định lựa chọn phong cách Indochine. Đây là phong cách thuộc địa mà người Pháp từng mang đến Việt nam dựa trên những đặc trưng về văn hóa, khí hậu. Một lý do khác khiến Indochine trở thành lựa chọn hoàn hảo là vì nội thất của ngôi nhà từ bàn, ghế, tủ, kệ đến đồ decor: lọ gốm, tranh đều là những món đồ cổ do ông nội anh sưu tầm đã có tuổi đời mấy chục năm.
Đồ nội thất trong nhà phần lớn đã có tuổi đời vài chục năm
Những món đồ cổ này gắn liền với gia đình đã lâu
Phong cách Indochine của ngôi nhà gợi sự hoài niệm về một Hà Nội xưa
Tầng 1 gồm chỗ để xe, nhà vệ sinh và bếp. Vì mẹ anh dành phần lớn thời gian trong bếp nên thiết kế của căn bếp đề cao sự đơn giản và chú trọng đến công năng sử dụng.
Vị trí trang trọng nhất trên tầng 2 được dành cho không gian phòng khách. So với việc bố trí phòng khách ở tầng 1, phòng khách trên tầng 2 sẽ giúp cho không gian này có được sự riêng tư cần thiết và không bị ám mùi thức ăn.
Phòng bếp đơn giản và đầy đủ tiện ích
Không gian phòng khách trên tầng 2
Thời gian anh hoàn thiện ngôi nhà là nửa năm với chi phí 1,8 tỷ đồng. Những điểm bất tiện ở ngôi nhà cũ đều đã được anh khắc phục ở ngôi nhà mới này. Thêm vào đó, ngôi nhà vẫn mang cảm giác gần gũi nhờ những đồ vật xưa. Tinh thần và sức khoẻ của bố mẹ anh cũng tốt hơn hẳn từ khi chuyển về đây. Vì vậy, ngôi nhà đã trở thành một nơi thực sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.
Nguồn: KTS Đặng Hữu Hải (Việt House)