So với cả căn nhà, gian bếp chỉ chiếm 1 phần không gian. Nhưng nó lại không gian bất cứ gia đình nào cũng phải có, dù bạn là người đam mê nấu nướng hay không. Chưa kể, bất cứ ai cũng đều mong muốn đó sẽ là 1 không gian đẹp đẽ, hiện đại, tiện nghi.
Trong bài viết này, bằng nhiều năm kinh nghiệm và óc quan sát của mình, KTS. Kiên Đoàn (tên đầy đủ là Đoàn Hữu Kiên, hiện đang làm Kiến trúc sư chủ trì của Công ty TNHH Kiến trúc nội thất Greenland Việt Nam) đã chia sẻ 5 yếu tố cốt lõi để bạn có thể thiết kế 1 gian bếp hoàn hảo cho căn nhà của mình!
5 yếu tố giúp nâng tầm gian bếp, không chỉ đẹp mắt mà còn tiện nghi, phù hợp với mọi kiểu thiết kế
1. CÔNG NĂNG phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia chủ và các thành viên trong nhà
Mỗi gia đình có 1 nhu cầu sử dụng và những thói quen sắp xếp gian bếp theo cách riêng. Theo đó, trước khi tìm tới sự trợ giúp của kiến trúc sư, điều tốt nhất bạn nên làm là vạch ra tất cả những gì cần lưu ý về nhu cầu sử dụng. Điều này áp dụng cả với những người tự thiết kế không gian bếp cho mình.
Kiến trúc sư không phải là người "gò" chủ nhà vào một khuôn mẫu nhất định, mà chỉ nên là người sắp xếp lựa theo nhu cầu để đưa ra một gian bếp hiện đại/ngăn nắp/logic mà vẫn đáp ứng được thói quen sử dụng của chủ nhà. Vì thế, gia chủ vẫn là người hiểu rõ chính mình nhất và đưa ra yêu cầu dành cho kiến trúc sư.
2. NẤU - RỬA - LƯU TRỮ (tủ lạnh & tủ kho) là 3 công năng quan trọng trong phòng bếp
3 công năng này cần được bố trí khoa học với lối lưu thông và thao tác trong khu bếp để không bị chồng chéo trong quá trình làm bếp.
Dù là nấu kiểu Âu hay Kiểu Á, mọi thứ vẫn bắt đầu từ nơi lưu trữ - làm sạch rồi mới chế biến. Và ngược lại, sau khi ăn uống xong vẫn quay lại rửa sạch, phân loại rồi lưu trữ.
3. THIẾT BỊ và PHỤ KIỆN BẾP đầy đủ phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hiện đại và tiện nghi
Có những gia đình, có thể ban đầu chưa có đủ tài chính để sắm cho mình những trang thiết bị hiện đại (hoặc có thể chưa từng trải nghiệm những trang thiết bị ấy) nhưng về lâu dài, đó chắc chắn vẫn là điều bạn cần.
Theo đó, khi làm không gian bếp, hãy thiết kế một số khoang chờ thiết bị hoặc đưa ra tư vấn về một số thiết bị có thể lắp đặt ngay.
Việc thiết kế khoang chờ sẵn sẽ giúp bạn không phải khoan đục đi đường điện, nước cấp mới cho thiết bị sau này.
Việc thiết kế các khoang chờ sẵn ngay cả khi bạn chưa có món đồ trong nhà vẫn thực sự cần thiết. (Ảnh minh họa)
4. THÔNG GIÓ và CHIẾU SÁNG là điều quan trọng với một gian bếp
Dù căn bếp thường sẽ lắp máy hút mùi, nhưng nếu có đủ điều kiện, tốt nhất bạn nên làm thêm một cửa sổ thông gió tự nhiên.
Với căn hộ, để có gian bếp gần với cửa thông gió tự nhiên có thể không phải lúc nào cũng làm được vì còn phụ thuộc vào bố trí chung theo hệ thống của tòa nhà. Khi ấy, tốt nhất các chủ nhà nên lựa chọn những thiết bị hút mùi đủ tốt.
Gian bếp không nên thiếu đi ánh sáng nằm ở gầm của tủ bếp trên bởi lẽ đây sẽ là nguồn sáng sử dụng nhiều nhất với các bà nội trợ làm bếp.
5. VẬT LIỆU TỦ BẾP nên là chất liệu chống nước, chống ẩm mốc và đặc biệt bề mặt cần dễ dàng lau chùi
Vật liệu hoàn thiện nội thất ngày nay có rất nhiều loại, nhiều mẫu mã, chất lượng và giá thành khác nhau. Vì vậy, bạn cần cân đối về khả năng tài chính của mình để nhờ kiến trúc sư đưa ra tư vấn về vật liệu hoàn thiện. Đảm bảo các yếu tố về công năng, thẩm mỹ, chất lượng.