Kiên trì ngồi nói chuyện với phụ huynh, anh bộ đội cưới được vợ hiền thục, 40 năm hạnh phúc

Lam Giang | 03-02-2023 - 11:43 AM

(Tổ Quốc) - Mỗi lần chú Dũng sang chơi, cô Son đều chạy sang hàng xóm lẩn tránh. Nhưng rồi được sự vun đắp của gia đình, cô chú đã nên vợ nên chồng và có một cuộc hôn nhân hạnh phúc.

Câu chuyện đi hỏi vợ dí dỏm 

Năm 1982, chú Trần Văn Dũng (hiện 62 tuổi) khi đó đang là một chàng thanh niên trẻ. Sau 3 năm đi bộ đội, chú Dũng được dịp về quê công tác kết hợp nghỉ phép 30 ngày. Vô tình, chú đi sang làng bên và gặp cô Trần Thị Son (hiện 61 tuổi), người con gái xinh xắn, hiền thục. Thấy ưng nên chú quyết định đến nhà cô Son để xin phép tìm hiểu.

Khi chú Dũng sang chơi, cô Son liền chạy qua nhà hàng xóm để tránh mặt. Chú Dũng chỉ ngồi nói chuyện với phụ huynh, kể hết chuyện này, chuyện kia trong quân ngũ. Đến lần thứ 3, “nhạc phụ đại nhân” có vẻ đã ưng chú Dũng nên sang hàng xóm gọi cô Son về để hai người gặp mặt. Gặp nhau, cô Son không có ấn tượng và cảm tình với chú Dũng. 

Kiên trì ngồi nói chuyện với phụ huynh, anh bộ đội cưới được vợ hiền thục, 40 năm hạnh phúc - Ảnh 1.

Vợ chồng chú Dũng, cô Son thời trẻ.

Kiên trì ngồi nói chuyện với phụ huynh, anh bộ đội cưới được vợ hiền thục, 40 năm hạnh phúc - Ảnh 2.

Cô chú đã có 40 năm bên nhau.

Thời điểm đó, cô Son vừa học xong, còn ít tuổi nên chưa muốn lấy chồng. Cô cứ liên tục né tránh chú. Mặc dù vậy, chú Dũng vẫn kiên trì, tuy sợ tối nhưng tối nào chú cũng cố gắng đi 3km qua nhiều cánh đồng, nhà hoang, nghĩa địa để đến nhà cô Son chơi. Chú cứ sang chơi 1-2 tiếng rồi lại về, vẫn chủ yếu nói chuyện với “bố vợ tương lai”. Nếu có nói chuyện với cô Son, cả hai cũng chỉ hỏi nhau mấy câu vu vơ, xưng tớ - cậu. 

Đã đến thời điểm phải trở lại đơn vị nên gia đình chú Dũng qua nói chuyện với gia đình cô Son. Chỉ hơn 10 ngày sau lần đầu sang chơi, cô chú đã được hai bên gia đình chọn ngày làm đám hỏi. 

Sau đám hỏi, chú Dũng tiếp tục đi bộ đội, 9 tháng sau thì được xuất ngũ. Chú kể, 9 tháng xa nhau đó là khoảng thời gian cho chú cảm giác biết nhớ, biết thương, biết yêu. Ở trong rừng buồn, mưa nhiều, chú cảm thấy rất nhớ cô Son, mỗi tháng tháng đều đặn viết 2 lá thư gửi về. 

Kiên trì ngồi nói chuyện với phụ huynh, anh bộ đội cưới được vợ hiền thục, 40 năm hạnh phúc - Ảnh 3.

Chú Dũng kể lại câu chuyện hỏi vợ dí dỏm của mình.

Kiên trì ngồi nói chuyện với phụ huynh, anh bộ đội cưới được vợ hiền thục, 40 năm hạnh phúc - Ảnh 4.

Cô Son cũng bật cười khi nghe lại câu chuyện của mình.

Chỉ trong thư, chú mới dám gọi cô là em, xưng anh, hỏi thăm vài câu rồi lại kể chuyện núi rừng. Điều mà chú Dũng nhớ nhất ở cô Son chính là mái tóc đen dài, thoang thoảng hương thơm của bồ kết và vỏ bưởi. Chú chỉ mong được về nhanh, càng sớm, càng tốt. 9 tháng sau, chú Dũng về quê. Về được 10 ngày thì cô chú chính thức tổ chức đám cưới. 

40 năm hôn nhân hạnh phúc

Thời gian trôi đi nhưng cô Son vẫn chưa có tình cảm với chú Dũng. Ngày đón dâu, ngồi sau chồng trên chiếc xe đạp, cô vẫn cố gắng ngồi sao cho cách xa chú nhất có thể. Sau đám cưới, bạn bè về hết, cô cảm thấy buồn, hụt hẫng, không biết phải làm sao vì xung quanh mình toàn người lạ. Thậm chí, cô dâu trẻ còn nghĩ đến chuyện trốn về nhà, nhưng rồi sau cùng chỉ còn cách ở lại, dần hòa nhập với cuộc sống, với mọi người. 

Cưới được hơn 1 năm thì cô chú có con, bố mẹ chồng cũng cho mấy sào ruộng để để các con ra ăn riêng, ở riêng. 2 năm sau thì cô chú sinh người con thứ 2. Cuộc sống ngày càng khó khăn, nếu chỉ trông vào đồng ruộng thì rất chật vật nên chú Dũng đành phải bôn ba đi làm ăn xa, mỗi năm về một lần. Một mình cô Son ở nhà vừa lo toan công việc đồng áng, vừa chăm sóc, nuôi dạy các con. Mỗi khi con ốm đau, mình cô phải ôm con nhỏ đi bệnh viện một mình. Cuộc sống cứ thế bị những bộn bề cuốn đi. 

Sau bao năm vất vả, cô chú giờ đã có thời gian tận hưởng cuộc sống, vui vầy bên con cháu. 

Khó khăn, vất vả, xa cách, nhưng cô chú vẫn ở bên nhau, một lòng chung thủy, cùng nhau nuôi dạy con cái và xây dựng cuộc sống. Đến giờ, các con của cô chú đều đã trưởng thành, ngoan ngoãn, một người đã có tổ ấm riêng.

Đến giờ khi cuộc sống đã thảnh thơi hơn, cô chú mới có thêm nhiều thời gian dành cho nhau để yêu thương và thấu hiểu nhau nhiều hơn. Khi xưa kết hôn, nhẫn cưới không có, nhẫn cỏ cũng không, nay chú Dũng đã chọn cách bù đắp lại cho bà xã bằng một chiếc nhẫn, như lời cảm ơn đong đầy vì những hy sinh cô đã dành cho gia đình suốt bao nhiêu năm qua. 

 Nguồn: Tình trăm năm