Thầy Ngô Khánh Duy hiện đang là giảng viên bộ môn Lý luận Chính trị tại Trường ĐH FPT phân hiệu TP. HCM. Đảm nhiệm những môn học được cho là vừa khô vừa khó như Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng thầy giáo trẻ này luôn gây bất ngờ cho sinh viên với những bài giảng sáng tạo, lý thú. "Giang hồ đồn thổi rằng các môn lý luận chính trị vừa khô vừa khó, nhưng có lẽ nó chỉ đúng khi người dạy cũng "khô và khó" mà thôi. Muốn sinh viên vui học thì phải tiết học phải vui, vì vậy mình luôn cố gắng nghiên cứu, tìm tòi để đổi mới cách dạy, giúp sinh viên thấy được cái hay của bộ môn và không khí lớp học cũng sôi nổi, hào hứng hơn", thầy Duy chia sẻ.
Biến những kiến thức chính trị, lý luận tưởng chừng khô khan trở nên gần gũi với cuộc sống, chân thực và sống động đúng với tinh thần của người trẻ, đó chính là bí quyết để lớp học của thầy Duy luôn thu hút sinh viên Trường ĐH FPT. Khi dạy môn Lịch sử Đảng, nam giảng viên thường hướng dẫn cả lớp tham gia hoạt động trải nghiệm cuộc sống thời bao cấp: làm tem phiếu, nấu bo bo, khoai mì, cơm cháy, rồi ngồi nói chuyện lịch sử với các bạn theo kiểu hợp tác xã ngày xưa. Khi dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, thầy Duy tổ chức cho sinh viên đi thăm các bảo tàng trong thành phố, sau đó thi kể chuyện hoặc thi vẽ báo tường để tổng kết lại những điều mình thu hoạch được sau chuyến tham quan. Lớp học trên giảng đường với thầy Duy cũng không kém phần sáng tạo và thú vị khi sinh viên sẽ được chơi rung chuông vàng hoặc giải những câu đố, bài toán để tìm ra từ khóa liên quan tới bài học.
Những ngày đầu áp dụng phương pháp dạy và học mới, thầy giáo 9X cho biết nhiều sinh viên còn ngại ngần, lạ lẫm nên chưa nhiệt tình tham gia. "Mình cũng phải dành nhiều thời gian để giải thích nào là luật chơi, mục tiêu mà hoạt động hướng tới là gì để sinh viên hiểu. Rất vui là sau 1, 2 buổi lên lớp thì sinh viên đã bắt nhịp được với cách dạy của mình và hưởng ứng nhiệt tình, quá trình dạy và học cho thấy những thay đổi tích cực. Nhiều buổi học mình vừa mới mở cửa bước vào lớp, sinh viên đã hào hứng thắc mắc "Không biết bữa nay thầy cho mình chơi gì ta?". Hay cũng có bạn nói "Em không nghĩ học môn này vui đến thế luôn ạ, đây là môn duy nhất em không nghỉ buổi nào luôn đó thầy"… Nghe những lời này mình vô cùng hạnh phúc. Đó cũng là động lực để mình tiếp tục "cháy hết mình" với công việc nghiên cứu, giảng dạy ở Trường ĐH FPT", thầy Duy tâm sự.
Ngoài những giờ dạy trên lớp, thầy Duy còn đồng hành cùng SV Trường ĐH FPT phân hiệu TP. HCM trong nhiều hoạt động trải nghiệm, nổi bật nhất là Philosophy Talk, hay còn gọi là Tuần lễ Triết học. Tại đây, thầy trò Trường ĐH FPT sẽ tổ chức những workshop trao đổi về Triết học, trong đó giảng viên là những người lắng nghe, người hướng dẫn, còn sinh viên chính là những diễn giả chia sẻ về các chủ đề (điện ảnh, văn học, văn hóa…) dưới góc nhìn Triết học. Theo thầy Duy, nhờ cách tiếp cận mới mẻ, bàn luận thú vị tại Philosophy Talk mà nhiều chủ đề, khái niệm triết học tưởng chừng khô khan, "khó nuốt" nhưng qua trở nên "mềm hóa", hấp dẫn và dễ nhớ hơn. Đó cũng là cách mà anh và rất nhiều thầy cô ở Trường ĐH FPT đang nỗ lực sáng tạo, đổi mới phương pháp nhằm đưa các môn lý luận đại cương trở nên gần gũi, thú vị hơn với các bạn trẻ.
"Những kiến thức lý luận chính trị tưởng chừng hàn lâm, học thuật nhưng lại rất hữu ích, giúp người học trong việc xây dựng thế giới quan, nhìn nhận và giải quyết vấn đề. Vậy nên mình không ngại nghiên cứu, sáng tạo để mang đến những bài giảng mới lạ, hấp dẫn, chỉ mong có thể lan tỏa được niềm yêu thích, sự hào hứng tìm hiểu những kiến thức này ở sinh viên. Hạnh phúc nhất là khi những bài giảng, chia sẻ của mình luôn được các em nhớ đến và lấy làm ‘kim chỉ nam’ trong cuộc sống", thầy Duy chia sẻ.