01
Sự tự tin thể hiện trên khuôn mặt
Đường đời của con người không bao giờ suôn sẻ, có sự thất bại trong sự nghiệp, có sự đau khổ trong tình yêu, có những nét bút hỏng trong cuộc sống và có cả những tiếc nuối trong cuộc đời.
Vậy nên, chúng ta mới có những lúc chán nản, nhụt chí. Thế nhưng dù có thế nào đi chăng nữa, cũng tuyệt đối không được đánh mất sự tự tin.
Tự tin là gan dạ, là dũng khí không chịu khuất phục trước khó khăn, trắc trở của con người. Tự tin là dũng khí để sống. Đánh mất tự tin sẽ khiến bạn xa dần thành công.
Triết gia người Hy Lạp cổ đại Sokrates trước lúc lâm chung, từng có một sự tiếc nuối không hề nhỏ. Trợ thủ đắc lực nhiều năm của ông không thể giúp ông tìm thấy một người nối nghiệp giỏi trong suốt nửa năm.
Người trợ thủ đắc lực đó không màng gian khổ, liên tục tìm kiếm đủ đường. Anh ta đưa đến hết người này đến người khác nhưng Sokrates đều không hài lòng.
Nửa năm sau, Sokrates tự thấy mình sắp phải rời xa nhân thế, nhưng vẫn chưa tìm thấy người nối nghiệp.
Người trợ thủ cảm thấy vô cùng xấu hổ, nước mắt giàn giụa ngồi trước giường bệnh, với giọng nặng nề ông nói:
- Tôi thực sự xin lỗi ngày, tôi đã khiến ngài phải thất vọng rồi.
Sokrates đáp:
- Người cảm thấy thất vọng là tôi, mà người xin lỗi lại là cậu.
Sokrates nhắm mắt đầy tiếc nuối, im lặng hồi lâu mới nói:
- Thực ra, người nối nghiệp giỏi nhất chính là cậu, chỉ là cậu không dám tin vào chính mình nên mới bỏ lỡ và đánh mất. Thực ra, ai cũng đều giỏi cả, chỉ khác ở chỗ nhận thức về mình như thế nào, phát hiện và trọng dụng mình ra sao mà thôi.
Nói xong Sokrates trút hơi thở cuối cùng, rời xa nhân thế.
Người trợ thủ cảm thấy vô cùng hối hận, thậm chí là tự trách móc mình trong suốt quãng đời còn lại.
Ai cũng đều giỏi giang cả, nhất định phải tin vào chính mình. Chỉ khi tin vào chính mình, mới có thể đối mặt với mọi phong ba bão táp trong cuộc sống này một cách tích cực nhất, để từ đó có được thành công.
Tự tin là thẻ thông hành của mỗi người trên đường đời, cũng là hậu thuẫn kiên cố nhất để bạn tiến tới thành công. Bởi vậy, làm người nhất định phải tự tin.
02
Sự thành tín khắc sâu trong tim
Cổ nhân dạy rằng: "Nhân vô tín tắc bất lập". Con người mà không có chữ tín thì không thể đứng vững được. Nhân sinh ở đời, nhất định phải chú trọng thành tín.
Một người nếu không có thành tín sẽ không thể đứng vững trong xã hội, làm người phải giữ chữ tín, phải có thành tín mới có thể thành người.
Phải giữ chữ tín thì mới đổi được sự tôn trọng của người khác, dễ nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của người khác khi gặp phải khó khăn.
Cuối thời Tần có một người tên là Quý Bố. Quý Bố lúc nào cũng nói lời giữ lời, rất có uy tín. Rất nhiều người có quan hệ bằng hữu nồng hậu với ông. Thậm chí, khi đó còn lưu truyền một câu ngạn ngữ rằng: "Trăm ký vàng bạc không bằng một lời hứa của Quý Bố".
Sau này, Quý Bố đắc tội với Hán Cao Tổ Lưu Bang bị treo thưởng để truy bắt. Kết quả, bạn bè của Quý Bố không những bị tiền bạc mê hoặc, thậm chí còn mạo hiểm mang tội chu di cửu tộc để bảo vệ Quý Bố, giúp Quý Bố thoát khỏi tai vạ.
Một người luôn có sự thành tín khắc sâu trong tim ắt sẽ giành được nhiều sự trợ giúp. Làm người đường đường chính chính, làm việc minh minh bạch bạch, đừng bao giờ đánh mất niềm tin và sự tín nhiệm của người khác đối với mình.
Bởi sự tín nhiệm của người khác đối với bạn sẽ là giá trị để bạn tồn tại trong lòng họ. Thành tín, là gốc để đứng vững trong xã hội.
Nếu như ngay cả những lời mình đã nói mà cũng không thể thực hiện, thì người đó sống trên thế giới này lấy gì để khiến người khác có thể tin tưởng mình.
Con người chỉ khi giữ thành tín mới có thể có được sự tin tưởng và tín nhiệm của người khác. Nói lời phải giữ lời, đã nói là phải làm thì mới có thể khiến người khác tín phục, mới có thể giành được thứ mà mình muốn.
Một người chỉ cần có thành tín, ắt sẽ có phương hướng kiên định, dễ có được thành không, đường đời mới càng đi càng rộng.
Franklin từng nói: "Sẩy chân, bạn có thể lập tức đứng dậy được, nhưng nếu thất tín, bạn có thể sẽ mãi mãi không thể cứu vãn được". Làm người, quan trọng nhất là phải "nói lời giữ lời".
03
Sự lương thiện ở sâu thẳm
Lúc nhỏ, cha mẹ và thầy cô thường dạy chúng ta phải làm một người lương thiện. Tâm hồn con người nhất định phải lấy lương thiện làm vốn, phẩm hạnh nhất định phải lấy lương thiện làm quý, hành vi nhất định phải lấy lương thiện làm tiêu chuẩn, đứng trong xã hội nhất định phải lấy lương thiện làm gốc.
Lương thiện là màu nền của nhân sinh, thẩm thấu vào trong sự sống tốt đẹp. Quý nhân tốt nhất trên thế giới này chính là mình lương thiện.
Tôi từng đọc được một câu chuyện như thế này:
Chiến tranh Thế giới thứ Hai loạn lạc, nhốn nháo, những người chạy nạn thường không có cơm ăn. Một bà lão người Đức phát hiện bên ngoài hàng rào ngăn cách có một người đàn ông ăn mặc lịch sự, tay xách cặp da đang nhìn ngó xung quanh.
Bà lão biết, người đàn ông đó chắc chắn đang bị đói, nhưng lại ngại không dám vào xin ăn.
Bà lão chủ động bước tới nói với người đàn ông:
- Cậu có thể giúp tôi bê đống củi ở phía trong hàng rào này sang góc bên kia được không? Tôi già rồi không thể bê được nữa.
Người đàn ông lập tức đồng ý. Vội vàng đặt cặp da xuống, cởi áo khoác rồi bê đống củi gọn sang một góc.
Bà lão tốt bụng nhân cơ hội đó mời người đàn ông ăn cơm. Người đàn ông vui vẻ nhận lời, ăn xong bữa cơm rồi lại tiếp tục lên đường.
Đống củi đó của bà lão đã vô số lần được hết người này đến người khác bê từ góc này sang góc kia. Mỗi lần có người bê củi, bà đều mời người đó ở lại ăn cơm.
Bà lão dựa vào đống củi để bày tỏ ý tốt của mình một cách khéo léo, làm ấm lòng những người cần được giúp đỡ.
Lương thiện là bản năng và cũng là một cảnh giới chí cao. Gìn giữ sự lương thiện, không phải là vì để có được câu "cảm ơn" của người khác, cũng không phải là vì hư vinh. Mà là bởi trên thế giới này chỉ có lương thiện mới ánh sáng sưởi ấm cho nhân gian.
04
Khí chất tan chảy trong máu
Có người nói, con người ở đời, không thể không có khí chất. Khí chất là lòng tự trọng, là nhân cách, là mạch sống của con người.
Có khí chất là sẽ có can đảm và dũng khí, không ăn mòn được thân, không mê hoặc được tâm. Những người có khí chất vừa khiến người khác người khác ngưỡng mộ, vừa khiến người khác kính phục.
Thi nhân Đào Uyên Minh chính là một người có khí chất như vậy. Lần làm quan cuối cùng của Đào Uyên Minh là lúc ông đã qua tuổi 40, chín chắn và chững chạc.
Năm đó, được bạn bè khuyên bảo, ông nhậm chức huyện lệnh Bành Trạch. Có lần, trên quận phái đốc bưu tới huyện tìm hiểu tình hình.
Có người nói với Đào Uyên Minh, đó là người ở trên phái xuống, nên phải ăn mặc chỉnh tề và cung kính tiếp đón. Đào Uyên Minh nghe xong chỉ thở dài:
"Tôi không muốn vì 5 đấu lương bổng của chức huyện lệnh bé nhỏ này mà phải thấp cổ bé họng, ân cần, niềm nở trước những người đó".
Nói xong, Đào Uyên Minh liền từ quan về quê. Đào Uyên Minh đương chức huyện lệnh Bành Trạch chỉ hơn 80 ngày. Sau lần từ quan đó, ông vĩnh viễn thoát ly khỏi chốn quan trường.
Đào Uyên Minh vì "không khom lưng trước 5 đấu gạo" mà có được sự tự do về tâm hồn, có được lòng tự trọng về nhân cách. Ông còn viết thành thơ lưu truyền trăm đời.
Ông không những để lại cho đời sau khối tài sản văn học quý báu mà còn để lại khối tài sản về tinh thần vô cùng trân quý.
Khí chất mà Đào Uyên Minh "không khom lưng vì 5 đấu gạo", trở thành tấm gương mẫu mực về ý chí quyết tâm cho hậu thế.
Mạnh Tử từng nói: "Giàu sang không hoang dâm, nghèo hèn không thay lòng đổi dạ, không khuất phục trước quyền uy, đó mới là bậc trượng phu".
Người có khí chất sẽ không vì một chút sa sút, trầm luân tạm thời trong cuộc sống mà hạ thấp mình, tâm hồn họ luôn cao quý. Dù có thất bại nhưng vẫn được người khác tôn trọng, tuy bại nhưng vẫn vinh.
Làm người nhất định phải có khí chất. Nếu không có khí chất sẽ không thể ưỡn ngực, ngẩng cao đầu, sẽ không thể làm được việc lớn. Có khí chất là sẽ có tự tin, có cơ hội để thành công.
Mỗi người đều nên có lý tưởng và mục tiêu của mình đó là sống có giá trị và không phải hối hận, tiếc nuối.