Elon Musk là một tỷ phú "lắm tài nhiều tật". Thế nhưng, khi nói đến những "điều không thể" trong lĩnh vực công nghệ và sáng tạo, không ai có thể phủ nhận tài năng của ông.
Theo Elon Musk, khả năng tư duy rõ ràng mà ông có được là nhờ rèn luyện một kỹ năng vô cùng quan trọng. Trong khi người bình thường chỉ biết nhìn quanh xem người khác làm gì và bắt chước, vị tỷ phú này lại tin tưởng vào cái gọi là "Nguyên tắc suy nghĩ cơ bản".
"Nguyên tắc suy nghĩ cơ bản" yêu cầu chúng ta phải bắt đầu từ con số 0, không lệ thuộc vào những thứ có sẵn. Chúng ta phải tự đi tìm giải pháp, tự đưa ra ý tưởng để giải quyết các khó khăn.
Ông chủ Tesla luôn tập trung vào những sự thật và hạn chế cơ bản trong lĩnh vực chuyên môn của mình, từ đó xây dựng bàn đạp tư duy. Đây là việc tương đối dễ dàng với Elon Musk, nhưng không phải với số đông người bình thường.
Theo một số nghiên cứu về tâm lý, đa số chúng ta đều gặp khó khăn trong việc suy nghĩ mạch lạc. Chúng ta thường bị chi phối bởi cảm xúc của bản thân, đánh giá của người khác, hoặc chỉ đơn giản là những suy nghĩ vẩn vơ hoặc thành kiến mơ hồ.
Liệu người bình thường có thể học hỏi cách tư duy của ông chủ Tesla không, nếu được chuẩn bị từ khi con nhỏ?
Bài đăng của ông chủ Tesla
Elon Musk cho rằng điều này hoàn toàn khả thi. Cách đây không lâu, ông đã lên Twitter tuyên bố rằng thiên kiến nhận thức "nên được dạy từ khi còn bé". Vị tỷ phú này cũng đăng tải thêm một bảng minh họa 50 thiên kiến nhận thức, lỗi tư duy và khuynh hướng phi lý trí phổ biến của con người mà trẻ em nên biết từ sớm.
Bài đăng của Elon Musk đã nhận về hơn 300.000 lượt thích và hơn 3.000 bình luận. Đa số mọi người đều đồng tình và cho rằng cuộc sống sẽ trở nên dễ thở nếu con người được dạy về các thiên kiến nhận thức từ bé.
- "Đúng đấy. Tôi đồng ý 100%. Cách duy nhất để trở nên thông minh là chúng ta phải nhận ra ai cũng ngu ngốc."
- "Hiệu ứng Dunning-Krueger, thiên kiến xác nhận và đồng thuận giả là những thứ mà mọi người nên biết. Tuy nhiên, ngày nay phản kháng và hiệu ứng phản ứng ngược cũng tác động nhiều đến xã hội. Thật may vì tôi đã được học về thiên kiến nhận thức từ nhiều năm về trước."
Đây không phải lần đầu ông chủ Tesla đưa ra những quan điểm khác lạ về giáo dục. Bản thân Elon Musk từng khiến cư dân mạng bàn tán xôn xao khi mở trường học bí ẩn cho 5 con trai với phương châm: Không phân cấp, không đồng phục, không chấm điểm.
Ngoài ra, vị tỷ phú này cũng cho rằng tấm bằng đại học không quyết định thành công mà dựa nhiều hơn vào năng lực và kiến thức học được từ thực tế của mỗi người. "Tôi nghĩ đại học cơ bản chỉ để cho vui…chứ không phải để học", Elon Musk từng phát biểu trong một hội nghị năm 2020.
Dưới đây là 50 thiên kiến nhận thức phổ biến mà Elon Musk nghĩ mọi người nên biết càng sớm càng tốt.
50 thiên kiến nhận thức mà Elon Musk nghĩ nên được dạy cho trẻ em từ sớm
1. Lỗi quy chụp căn bản: Khi người khác đến muộn, đó là do họ lười. Khi bạn đến muộn, đó là do đường tắc.
2. Thiên kiến tự phục vụ: Bạn nghĩ mình thành công là nhờ năng lực và bản thân, còn thất bại là do hoàn cảnh hoặc thiếu may mắn.
3. Ưu đãi bè phái: Bạn có xu hướng thiên vị thành viên nhóm mình hơn những người khác.
4. Hiệu ứng đoàn tàu: Bạn chạy theo xu hướng, làm điều mà những người khác cũng đang làm.
5. Tư duy tập thể: Bạn thuận theo số đông để tránh xung đột. Đây cũng là sai lầm khiến nhiều tổ chức sụp đổ.
6. Hiệu ứng hào quang: Bạn có ấn tượng tốt về một người và cho rằng họ có nhiều đức tính đẹp khác chỉ vì thấy họ thể hiện một đức tính tốt. Ví dụ, người xinh đẹp và tự tin chưa chắc đã thông minh và tốt bụng.
7. May mắn đạo đức: Cho rằng người chiến thắng luôn là người có phẩm chất tốt đẹp hơn.
8. Lời nguyền kiến thức: Mặc định rằng mọi người đều biết cái mà mà mình vừa học được.
9. Hiệu ứng ánh đèn sân khấu: Đánh giá quá cao suy nghĩ của người khác về mình.
10. Hiệu ứng lối tắt sẵn có: Bạn nghĩ rằng đi xe máy an toàn hơn đi máy bay chỉ vì báo chí thường đưa tin nhiều về tai nạn máy bay, trong khi thực tế thì ngược lại. Con người có xu hướng đánh giá dựa trên mức độ dễ dàng mà điều gì đó xuất hiện trong suy nghĩ của chúng ta (VD: Tai nạn máy bay để lại nhiều ấn tượng hơn là tai nạn xe máy hay ô tô)/
11. Quy chụp phòng thủ: Đổ lỗi cho một người hoặc yếu tố nào đó để làm giảm khả năng nó xảy ra với chính bản thân mình. (VD: Khi chứng kiến tai nạn giao thông, bạn sẽ nghĩ ngay đến việc tài xế có lỗi, thay vì nghĩ rằng tai nạn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, với bất kỳ ai.)
12. Định kiến "đời là thế": Tin rằng mọi việc trên thế giới này đều diễn ra theo luật nhân-quả nhằm hợp lý hóa các sự kiện xảy ra trong cuộc sống.
13. Chủ nghĩa hiện thực ngây thơ: Nghĩ rằng mình hiểu rõ thực tại hơn bất kỳ ai khác.
14. Chủ nghĩa hoài nghi ngây thơ: Cho rằng ai sống cũng chỉ ích kỷ nghĩ cho bản thân.
15. Hiệu ứng Barnum: Hiệu ứng này thường xảy ra khi bạn đọc những thông tin về chiêm tinh hay tử vi. Những điều bạn nghĩ là chỉ đúng với mình thật ra lại đúng với cả số đông.
16. Hiệu ứng Dunning Kruger: Bạn đánh giá khả năng nhận thức của mình cao hơn năng lực thực tế. Càng kém cỏi, bạn lại càng cảm thấy tự tin, bởi bạn không đủ khả năng để hiểu vị trí chính xác của mình. Ngược lại, những người càng giỏi lại càng cảm thấy tự ti, bởi họ biết mình còn nhiều điều chưa biết.
17. Hiệu ứng mỏ neo: Thông tin đầu tiên mà bạn nghe thấy sẽ định hướng hoặc đóng khung cách nhìn nhận của bạn về một vấn đề cụ thể.
18. Thiên kiến vô ý thức: Dựa dẫm quá mức vào các hệ thống tự động như GPS hay tự động sửa lỗi.
19. Hiệu ứng Google: Bạn sẽ dễ quên những gì mà bạn chỉ cần Google là ra.
20. Phản kháng: Bạn làm ngược lại điều được dặn khi cảm thấy bị uy hiếp và dồn vào chân tường.
21. Thiên kiến xác nhận: Bạn có xu hướng tìm kiếm và dễ bị thuyết phục bởi những thông tin ủng hộ cho ý kiến của mình.
22. Hiệu ứng phản ứng ngược: Việc liên tục nhắc đến một thông tin sai để phản bác nó có thể khiến người khác càng tin vào thông tin sai đó.
23. Hiệu ứng người thứ ba: Bạn tin rằng mình sáng suốt hơn số đông và không dễ bị mắc lừa bởi những chiêu trò thường thấy.
24. Thiên kiến niềm tin: Bạn đánh giá vấn đề dựa trên góc nhìn và niềm tin sẵn có thay vì nhìn vào bản chất vấn đề.
25. Thiên kiến về Điều sẵn có: Bạn có xu hướng tin thứ gì đó nhiều hơn nếu chúng được lặp đi lặp lại, bất kể chúng có đúng hay không.
26. Chủ nghĩa suy tàn: Bạn tin rằng quá khứ mới là điều tốt đẹp, còn tương lai sẽ ngày càng tồi tệ hơn.
27. Thiên kiến nguyên trạng: Bạn muốn mọi thứ giữ nguyên hiện trạng, kể cả khi việc thay đổi đem lại nhiều lợi ích hơn.
28. Bẫy chi phí chìm: Bạn quyết định tiếp tục một việc gì đó vì tiếc tiền bạc và công sức đã bỏ ra, dù biết rằng mọi chuyện sẽ chẳng đi đến đâu. (VD: Nhà đầu tư tiếp tục bỏ thêm tiền đầu tư với hy vọng sẽ kiếm lời bù lỗ.)
29. Ảo tưởng của những con bạc: Bạn cho rằng xác suất trong tương lai bị ảnh hưởng bởi các sự kiện trong quá khứ. (VD: Nếu tung đồng xu 10 lần đều ra mặt sấp, bạn sẽ nghĩ nhiều khả năng lần thứ 11 sẽ là mặt ngửa, trong khi thực tế chưa chắc đã vậy.)
30. Thiên kiến không rủi ro: Bạn cố gắng giảm thiểu một khía cạnh rủi ro của một vấn đề xuống mức tối thiểu bất chấp vấn đề đó có nhiều khía cạnh rủi ro khác.
31. Hiệu ứng đóng khung tâm lý: Bạn có xu hướng đưa ra quyết định về thông tin dựa trên cách thông tin được trình bày.
32. Khuynh hướng khuôn mẫu: Bạn có xu hướng nhận định thành viên của một nhóm xã hội có những đặc điểm nhất định, hay còn gọi là "vơ đũa cả nắm". (VD: Người thành công thường dậy sớm).
33. Thiên kiến đồng nhất về những người ngoài nhóm: Bạn nghĩ rằng các thành viên trong nhóm mình là khác biệt, "mỗi người một vẻ", còn tất cả những người ngoài kia đều giống nhau.
34. Thiên kiến uy quyền: Bạn quá tin tưởng vào một nguồn nhất định mà bạn cho là uy tín, dù có nhiều nguồn khác sáng tạo, hiệu quả và chính xác hơn.
35. Hiệu ứng giả dược: Nếu bạn tin một thứ gì đó có hiệu quả, bạn có thể sẽ thấy một chút hiệu quả của nó, cho dù nó có hiệu quả thật hay không.
36. Thiên kiến kẻ sống sót: Bạn chỉ nhớ đến những người chiến thắng ít ỏi mà quên mất vô số những người thất bại ngoài kia.
37. Tư duy tăng tốc: Tình trạng kiệt sức, chất kích thích và những chấn thương tâm lý gây xáo trộn nhận thức về thời gian của bạn.
38. Định luật tầm thường: Bạn quan trọng hóa những vấn đề nhỏ nhặt trong khi xem nhẹ những vấn đề quan trọng hơn.
39. Hiệu ứng Zeigarnik: Bạn liên tục lo lắng về những công việc dang dở, nhưng đây cũng là động lực giúp bạn hoàn thành tốt công việc.
40. Hiệu ứng Ikea: Bạn có xu hướng đánh giá quá cao giá trị của một thứ mình góp phần tạo ra.
41. Hiệu ứng Ben Franklin: Bạn có xu hướng thân thiện hơn với một người sau khi đã giúp họ làm việc gì đó, đặc biệt là nếu trước đây bạn từng ghét, không thích hoặc không quan tâm tới họ.
42. Hiệu ứng người ngoài cuộc: Khi càng nhiều người có mặt tại hiện trường thì lại càng có ít người giúp đỡ nạn nhân. Ai cũng nghĩ "chắc ai đó sẽ làm", còn đó không phải là trách nhiệm của mình.
43. Thông tin gợi ý: Ký ức của bạn bị sai lệch do lời nói, hành động hoặc cách dẫn dắt của người khác.
44. Ký ức giả: Bạn hồi tưởng về một thứ chưa từng xảy ra hoặc xảy ra sai lệch so với quá khứ.
45. Ký ức ẩn giấu: Bạn nghĩ ký ức của mình chỉ là tưởng tượng, trong khi đó là ký ức thật..
46. Ảo giác gom nhóm: Bạn có xu hướng "nhìn thấy" quy luật trong một hệ thống dữ liệu ngẫu nhiên.
47. Thiên kiến tiêu cực: Bạn có xu hướng nhìn thấy nhiều điều tiêu cực xảy đến với mình.
48. Thiên kiến lạc quan: Bạn có xu hướng nhìn thấy nhiều điều tích cực xảy đến với mình.
49. Đồng thuận sai: Cho rằng mọi người đều đồng tình với bạn dù sự thật không phải vậy.
50. Thiên kiếm điểm mù: Bạn nghĩ rằng mình không có nhiều thiên kiến như những người khác, trong khi sự thực không phải như vậy.
(Theo Inc)