Cuối năm 2019, thông tin từ Dealstreat Asia cho biết, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và Central Restaurants Group đã công bố hợp tác để cùng vận hành chuỗi Café Amazon tại Việt Nam. Central Group cũng là ông lớn đã đã triển khai một loạt các thương vụ M&A đình đám tại Việt Nam để mở rộng kinh doanh, bao gồm việc mua lại Nguyễn Kim, Big C và Lan Chi Mart.
Tờ BangkokPost cho biết tổng vốn đầu tư vào khoảng 3,5 triệu USD. Trong đó, PTT thông qua PTTOR (công ty con của PTT chuyên về mảng bán lẻ) chiếm 60% cổ phần, 40% còn lại do Central Group nắm giữ.
Lúc đó, ông Wisarn Chawalitanon - Phó chủ tịch điều hành cấp cao của PTTOR còn cho biết, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển hoạt động kinh doanh các cửa hàng cà phê vì có nền kinh tế tăng trưởng cao. Mặt khác, Việt Nam cũng cho phép các nhà đầu tư nước ngoài thành lập và tổ chức hoạt động kinh doanh. "Tiềm năng lớn này còn đến từ nhu cầu tiêu dùng cà phê khổng lồ ở Việt Nam", ông lưu ý.
Ông Wisarn thiết lộ thêm, Café Amazon sẽ mở thêm các chi nhánh bằng cách nhượng quyền thương mại cho các doanh nghiệp nội địa. PTTOR sẽ đưa những thiết kế riêng theo lối "ốc đảo yên tĩnh" tại các đô thị Việt Nam.
Lúc đầu, có thông tin rằng, cửa hàng đầu tiên của Café Amazon tại Việt Nam sẽ khai trương vào quý II/2020, nhưng do Covid-19, nên dự định của họ đã bị hoãn lại. Và phải đến gần cuối năm 2020, khoảng cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12/2020, họ mới ra mắt cửa hàng đầu tiên tại tỉnh Bến Tre, một cách âm thầm.
Cửa hàng đầu tiên của Café Amazon tại Bến Tre.
Bên trong cửa hàng Café Amazon đầu tiên tại Việt Nam.
Sở dĩ họ vào Bến Tre trước là đi theo chuỗi siêu thị Go! của Central Group và theo nhiều nguồn tin, thì Go! sẽ dần thay thế cái tên BigC trở thành chuỗi bán lẻ chủ lực của Central Group tại Việt Nam. Central Group mua lại thương hiệu BigC tại Việt Nam trong thời hạn 10 năm. Hiện tại, chuỗi Go! đang tập trung đánh các thị trường ở tỉnh – đặc biệt là miền Tây thay vì các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM.
Một vài sản phẩm trong cửa hàng Café Amazon tại Việt Nam.
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, chuỗi Café Amazon vừa xây dựng và thiết kế xong cửa hàng thứ 2 ngay đường Phan Xích Long – quận Phú Nhuận, được mệnh danh là "thủ phủ ăn chơi" của TP. HCM, nơi tập trung rất nhiều thương hiệu F&B lớn trên thị trường. Cửa hàng thứ hai này đang trong thời gian chạy thử.
Toàn cảnh cửa hàng thứ 2 tại quận Phú Nhuận - TP. HCM.
Ngoài ra, fanpage chính thức trên FB của chuỗi cà phê lớn nhất Đông Nam Á này được lập ra vào cuối tháng 9/2020. Theo giới thiệu trên fanpage này, Café Amazon ra mắt thị trường vào năm 2002, đến nay đã phát triển thành chuỗi cà phê phổ biến nhất Thái Lan với 3.513 cửa hàng trong nước và 278 cửa hàng quốc tế.
Những quốc gia đã có sự hiện diện của Café Amazon.
Từ năm 2011, chuỗi bắt đầu mở rộng ra nước ngoài, hiện đã có mặt ở 10 quốc gia châu Á, thu hút 2,4 triệu lượt khách mỗi năm. Việt Nam là quốc gia thứ 11 có sự hiện diện của Café Amazon. Mục tiêu tương lai là muốn trở thành thương hiệu cà phê toàn cầu. Năm 2019, họ tấn công 1 lần 3 thị trường là Trung Quốc, Malaysia và Singapore. Năm 2020, do Covid-19, họ chỉ có thể mở rộng ở 1 quốc gia duy nhất là Việt Nam.