Tính cách của một người ra sao ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ mỗi ngày của chính họ. Nói chính xác hơn, cảm xúc là "chiếc gậy chỉ huy" vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của con người. Thái độ lạc quan có thể kéo dài tuổi thọ trung bình của con người thêm 7,5 năm. Ấy thế mà, nhiều người không nhận thức được mối nguy hại của những cảm xúc tiêu cực đối với sức khỏe. Theo Giáo sư Thẩm Chính của Khoa Tâm lý, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, con người được chia thành 3 loại tính cách sau:
- Loại A - háo thắng, vội vàng, dễ nóng giận: Đây là kiểu người thích cạnh tranh, nhiệt huyết, năng động, tham vọng, luôn nỗ lực để đạt được mục tiêu, dễ nhận được sự "săn đón" trong sự nghiệp vì luôn chú trọng đến sự hoàn hảo, dễ thành công. Tuy nhiên, cũng chính vì tính cách này mà họ có thể dễ mắc các bệnh về tim mạch, hay mạch máu não.
- Loại B - biết thoả mãn, biết thích nghi: Đây là kiểu người thích sự yên bình, thoải mái, điềm nhiên trước khó khăn, bình tĩnh giải quyết các khúc mắc trong cuộc sống, dễ hài lòng, dễ cảm thấy hạnh phúc, dễ thích ứng với những thay đổi của xã hội. Hơn 80% người trên 90 tuổi có tính cách loại B, trích từ kết quả của một khảo sát ở Thượng Hải, Trung Quốc,
- Loại C - hay lo lắng, không muốn chia sẻ: Đây là kiểu người "sống vì người khác", thường xuyên lo lắng mọi điều nhưng lại chẳng kể với ai, chỉ giữ lại trong lòng mình, không muốn làm phiền ai nhưng luôn làm chính mình phải khổ sở. Tuy nhiên, cũng chính vì tính cách này dễ bị rối loạn chức năng nội tiết, khi các hoạt động chức năng của cơ quan bị rối loạn điều hòa, nó sẽ dẫn đến trở ngại trong nhận diện của hệ thống miễn dịch và tăng khả năng mắc ung thư.
Elizabeth Helen Blackburn, từng nhận giải Nobel Sinh lý và Y khoa năm 2009, đã đúc kết về công thức sống thọ, đó là: chế độ ăn uống hợp lý chiếm 25%, các yếu tố khác chiếm 25%, và cân bằng tâm lý chiếm 50%. Y học cổ đại cũng dạy "tinh, khí, thần" gọi là "tam bảo" (ba tài sản) của cơ thể.
Theo danh y Hải Thượng Lãn Ông, "Tức giận quá sẽ hại can. Vui mừng quá hại tâm. Buồn lo quá hại phế. Kinh sợ quá hại thận. Suy nghĩ quá hại tỳ". Có 7 cảm xúc phổ biến thường trực trong cảm xúc của con người: vui vẻ, tức giận, lo lắng, suy nghĩ, buồn bã, sốc và sợ hãi. Mọi cảm xúc này đều là những cảm xúc bình thường của một người, tuy nhiên mỗi trạng thái đều có những mặt tốt, xấu khác nhau.
Nếu loại cảm xúc nào cũng bị "đẩy" lên thái quá, không chừng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cơ thể. Giả dụ, nếu vui vẻ quá thì có thể dễ mắc bệnh tim. Nếu tức giận quá và thường xuyên nóng nảy, mất bình tĩnh thì theo các nhà nghiên cứu Harvard, có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 3 lần, bên cạnh đó người hay tức giận sẽ làm tổn thương gan. Nếu thường xuyên lo lắng thì dễ mắc bệnh trầm cảm - một căn bệnh vô hình nhưng vô cùng nguy hiểm.
Có thể bạn không tin nhưng cảm xúc tiêu cực có thể khiến hệ thống miễn dịch suy yếu, hệ thống nội tiết bị phá vỡ, tăng khả năng mắc bệnh và do đó ảnh hưởng đến tuổi thọ của một người. Vì vậy, một thái độ sống tốt hoàn toàn quyết định một người có khỏe mạnh hay không. Danh y Tuệ Tĩnh có một câu nói: "Thân thể con người nhờ khí huyết mà sinh trưởng, nhờ tạng phủ mà nuôi dưỡng".