Thường thì các cha mẹ luôn nghĩ rằng trẻ con thì thích đồ chơi nhất. Thế nên, cứ mỗi lần đi mua sắm hoặc mua quà cho con, các ông bố bà mẹ đều "lượn" qua quầy đồ chơi đầu tiên và dừng ở lại ở đó rất lâu để lựa chọn.
Nhưng bố mẹ không biết rằng trẻ được chơi, được tương tác cùng bố mẹ không những sẽ tự tin hơn mà não bộ cũng phát triển hơn gấp nhiều lần. Dù những đồ chơi đó có đắt tiền và đẹp đẽ đến mấy, cũng không mang lại nhiều lợi ích cho trẻ như khi được cười đùa cùng bố mẹ.
Nhưng có một vấn đề đặt ra mà hầu như các bố mẹ đều không thể tìm ra cách giải quyết, đó là làm thế nào để kiên nhẫn chơi với con mà không thấy chán. Quả thực chơi với trẻ không hề dễ dàng. Để trẻ thích chơi với bố mẹ lại càng khó khăn hơn. Và thế là các bố mẹ đành phó mặc chuyện chơi với con cho những đồ chơi đắt tiền, những bộ ô tô mô hình, những bộ nhà bếp sáng loáng và tất nhiên cả ti vi, điện thoại, máy tính bảng.
Theo parent coach Nguyễn Tú Anh, món đồ chơi "xịn" nhất của con trong những tháng năm đầu đời: SỰ TƯƠNG TÁC
Không phải là chọn món nào để giúp con phát triển kỹ năng và trí tuệ, mà là cách cha mẹ và ông bà chơi tương tác như thế nào với con.
Không phải là "nó bé tí thì biết cái gì mà học với dạy", mà là "sự phát triển não bộ và các kết nối thần kinh diễn ra mạnh mẽ nhất trong 5 năm đầu đời".
Không phải là phương pháp nào sẽ giúp con phát triển não bộ từ sơ sinh, mà là cha mẹ có thể dành bao nhiêu THỜI GIAN CHẤT LƯỢNG cho con.
Thời gian chất lượng không phải là hàng giờ kè kè theo con ôm ấp, mà là mức độ lưu tâm và sự hiện diện của bạn khi con cần, thay vì "Đang bận, để sau".
Không phải là khi nào con biết thêm bao nhiêu từ vựng hay mặt chữ, mà là cách người lớn cung cấp dữ liệu để con tự tạo ra kết nối thông tin thế nào.
Không phải là mọi giá phải giảm thiểu việc khóc la, ăn vạ, giận dữ bằng cách chiều theo con, mà là dạy con hiểu và nhận ra cảm giác mà con đang có.
Không phải là làm sao để ngăn chặn những cảm xúc tiêu cực của con, mà hãy ghi nhận và dạy con cách thể hiện cảm xúc ra ngoài theo cách phù hợp.
Không phải là làm sao để con NGƯNG hay CHỪA khi có một hành vi chưa tốt, mà người lớn cần biết nguyên do ẩn sau để PHÒNG NGỪA hoặc ĐÁP ỨNG.
Những điều này, con chỉ có được khi có mối quan hệ gắn kết với người chăm sóc, cho con được luyện tập những tương tác tích cực, từ đó, con sẽ có được nền tảng phát triển tối ưu nhất.
Nếu chưa nghĩ ra sẽ chơi với con cái gì, thì những trò chơi đơn giản sau đây không những giúp bố mẹ - con cái gần nhau hơn mà còn khiến trẻ hào hứng và tìm thấy niềm vui khi được ở gần bố mẹ.
Tú Anh Nguyễn là tác giả sách nuôi dạy con: "Làm mẹ rất vui" và "Hiểu con để dạy con tích cực". Với chuyên môn trong lĩnh vực Tâm lý Trẻ em & Gia đình, công việc của chị là Parent Coach – Chuyên gia tư vấn phụ huynh, trực tiếp hướng dẫn và giảng dạy các khóa đào tạo cha mẹ Nuôi dạy con Tích cực.
Parent Coach Tú Anh Nguyễn còn là một chuyên gia đào tạo chương trình quốc tế TRIPLE P – Positive Parenting Program, được Liên Hiệp Quốc và CDC xếp hạng là một trong 4 chương trình dạy con hiệu quả nhất thế giới, dựa trên bằng chứng khoa học.
Là mẹ của hai bạn nhỏ, sống tại TP.HCM, chị Tú Anh đã sáng lập dự án Happy Parenting nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm nuôi dạy con theo khoa học, hỗ trợ để các phụ huynh có thể trở thành cha mẹ tích cực, vui vẻ trong chặng đường nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc. Tú Anh mong muốn có thể đồng hành cùng các bậc cha mẹ tạo nên một hành trình khôn lớn cùng con đầy ý nghĩa và nhiều niềm vui.
Bạn có thể tìm đọc những bài viết của chị Tú Anh Nguyễn TẠI ĐÂY.