Mặc dù vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, thậm chí còn giới hạn số lượng tài khoản tham gia, nhưng không vì thế mà Valorant có thể nằm ngoài tầm tấn công của nạn hack cheat - nỗi nhức nhối của mọi dòng game FPS. Bản thân Riot Games cũng ý thức được phần nào về mối nguy hại này. Bằng chứng là sự ra đời của phần mềm anti gian lận mà họ phát triển mang tên Vanguard, bất chấp việc nó đang bị chỉ trích kịch liệt, thậm chí còn bị tố cáo đã vô hiệu hóa các phần mềm hay xa hơn là cả phần cứng của máy tính người dùng.
Mặc dù bị chỉ trích rất nhiều, nhưng phần mềm Vanguard vẫn đang được Riot Games áp dụng để tìm ra các hacker, cheater trong game
Tuy nhiên, con số mới đây đã khiến cho tất cả phải bất ngờ. Cụ thể, sau khi tung ra một bản vá và tiến hành bảo trì Valorant trong ngày hôm qua, ông Phillip Koskinas, một trong những kỹ sư phụ trách phần anti hack cheat của Valorant đã thẳng thắn chia sẻ một con số không tưởng. Theo đó, dù phiên bản thử nghiệm chỉ mới ra mắt được tầm một tháng, nhưng tới nay đã có chính xác là 8.873 tài khoản bị cấm thẳng tay vì sử dụng các phần mềm thứ ba, hack cheat để phá hoại.
Đã có gần 9.000 tài khoản bị cấm, và nếu còn tiếp tục, sẽ còn nhiều hơn những thành phần bất hảo bị cho ra đảo
Thậm chí, chuyên gia cao cấp của Riot Games về vấn đề này, ông Matt Paoletti còn lên tiếng cho rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu thôi, và trong tương lai, con số này còn có thể nhiều hơn. Thậm chí, vị "boss" này cũng nhấn mạnh rằng sẽ còn nhiều biện pháp mạnh tay hơn nữa để Valorant có thể miễn dịch với hack cheat, tránh đi vào những vết xe đổ của những người tiền nhiệm như CS:GO hay PUBG.
PUBG từng bị hủy hoại triệt để vì hack cheat, Valorant liệu có đi vào bước đường tương tự
Thế nhưng, cộng đồng mạng vẫn có lý do để tỏ ra lo ngại, khi mà rõ ràng, chống hack cheat đối với các tựa game FPS chưa bao giờ được coi là công việc đơn giản. PUBG từng mạnh tay tới mức khoanh vùng khu vực, thậm chí là ban cả phần cứng mà cũng vẫn "nát". Chưa kể, việc cấm 9.000 người chơi tuy có thể là con số ấn tượng với một phiên bản thử nghiệm mới chỉ ra mắt một tháng như Valorant, nhưng cũng chỉ là "muỗi" so với số tài khoản mà các nhà phát triển PUBG từng cho ra đảo. Và thêm một chi tiết nữa, khi mà các hacker còn chẳng ngại bỏ tiền ra để mua tài khoản PUBG phục vụ cho việc gian lận, thì với một tựa game Free to Play như Valorant - nạn hack cheat liệu có phát triển hơn nữa hay không thì chỉ có thời gian mới có thể trả lời được.