Một ngày đầu tháng 3, gia đình chị Thu Mai (Phú Thọ), hiện sinh sống tại Scotland nhận được thông báo con trai Bách Hợp, 11 tuổi giành học bổng của trường Robert Gordon's College trị giá 400 triệu/năm, dành cho 6 năm học.
Đây là trường thứ hai đồng ý cấp học bổng cho Bách Hợp. Trước đó em nhận được một học bổng nữa từ Albyn school. Cả Albyn school và Robert Gordon's College đều là hai trường tư thục nổi tiếng ở Scotland.
Năm 2015, Bách Hợp 5 tuổi sang Australia sống cùng bố mẹ, bé sốc vì chưa bao giờ biết tới tiếng Anh. Nhưng đến năm học lớp 1, cậu bé giành giải nhất Toán khối 1; năm lớp 2 và 3, đoạt giải nhất cả Toán và đánh vần của khối. Năm lớp 3, bé tham gia thi khảo sát chất lượng toàn Australia (NAPLAN) và giành điểm tuyệt đối ở các môn.
Bách Hợp cũng đạt chứng chỉ High Distinction cho môn Toán và tiếng Anh trong kỳ thi ICAS (International Competitions and Assessments for Schools) dành cho học sinh tiểu học và trung học trên toàn thế giới, do Đại học New South Wales tổ chức.
Ở Australia 3 năm, gia đình chị Mai chuyển sang Scotland do công việc của chồng chị thay đổi, Bách Hợp tiếp tục giành được học bổng của 2 trường tư thục nổi tiếng của thành phố Aberdeen.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị Hà Thu Mai về kinh nghiệm đồng hành cùng con học tiếng Anh:
- Chị có chia sẻ giai đoạn đầu Bách Hợp bị sốc vì chưa biết tiếng Anh. Chị làm thế nào để động viên và khuyến khích con yêu thích ngoại ngữ này?
Bách Hợp qua Úc một tuần thì bắt đầu đi học. Buổi đầu tiên đến lớp, Bách Hợp muốn mượn bút của bạn nhưng không biết diễn đạt bằng tiếng Anh nên tự lấy và bị bạn chọc bút chì vào tay. Con bị yêu cầu ngồi tô tranh kỷ luật do đẩy bạn.
Lúc đó thấy con khi về buồn và có vẻ không muốn đi học, mình thương con lắm. Mình ngày nào cũng đưa con đến trường, cố nán lại cùng con một chút để con cảm thấy vui hơn. Chiều đi đón thì hỏi con có gì vui, có gì buồn, giúp con mở lòng hơn. Mình cũng nhờ cô giáo để ý đến con hơn, và các cô rất tốt đã bố trí cho con một lớp phụ đạo 2 giờ mỗi ngày để con làm quen.
Những ngày đầu con chưa quen mình không để con học bất cứ bài nào, thay vào đó mình đưa con đi chơi sau mỗi buổi học, đặc biệt là hẹn gia đình một số bạn trong lớp để sang chơi. Điều này giúp con nhận ra là môi trường mới cũng có nhiều điều thú vị để khám phá.
Không giỏi tiếng Anh, mình làm theo phương pháp cô giáo dạy con trên lớp. Để giúp con nhớ từ, sáng nào đi bộ đi học, mình cùng con học đánh vần qua hình thức đố vui.
Mình và con chiều nào cũng qua thư viện mượn thêm sách. Việc đọc sách đem lại cho Bách Hợp vốn từ vựng phong phú và khả năng đọc trôi chảy. 6 tháng sau, Bách Hợp đạt giấy khen của lớp vì đánh vần tốt.
- Năm 5 tuổi qua Australia, Bách Hợp hoàn toàn chưa biết nói tiếng Anh nhưng sau 3 năm đã thành thạo và (sau đó) đạt học bổng. Theo chị, việc học tiếng Anh có nhất thiết phải bắt đầu sớm ngay từ độ tuổi mẫu giáo?
Nhiều nghiên cứu chỉ ra độ tuổi vàng cho con bắt đầu học tiếng Anh là từ 4-6 tuổi và mình cũng nhất trí với kết quả này. Học sớm quá theo mình cũng không tốt vì lúc đó các con còn quá nhỏ và đang tập trung phát triển ngôn ngữ tiếng Việt.
Trong khi đó học muộn quá thì sửa phát âm và ngữ điệu sẽ khó vì các con đã quen với ngữ điệu tiếng Việt. Một số mẹ cũng tâm sự với mình là tiếc khi con còn nhỏ không sửa phát âm, giờ các cháu hơn 10 tuổi đọc sai nhiều từ và giọng đọc cũng không đúng ngữ điệu nữa. Khó hơn là các cháu lớn rất khó sửa vì đã quen theo lối mòn nhiều năm.
- Với những bố mẹ không rành tiếng Anh, việc đồng hành cùng con sẽ khó khăn hơn. Chị có lời khuyên nào cho trường hợp này?
Với những phụ huynh rành tiếng Anh thì việc kèm con sẽ đơn giản hơn còn với những mẹ không giỏi như mình thì cần cố gắng gấp 10, 20 lần.
Mình nhớ khi con mới sang lúc đầu đọc sách Level thấp còn dễ, sau này lên Level cao hơn, có những bài có rất nhiều từ mình không biết phát âm sao cho đúng. Lúc đó chỉ có kiên trì ngồi tra từ điển xem họ đọc mẫu và cho con thực hành lại. Sửa lỗi cho con khi học từ vựng, học đánh vần (spelling) cũng là những việc cần nhiều thời gian và sự kiên trì. Nhiều khi con học cả tuần không xong 1 bảng từ, lúc đó nản lắm nhưng nếu mình bỏ cuộc trước thì con sẽ dựa vào ai mà cố gắng.
Khi con lớn hơn rồi thì việc theo con sẽ rất vất vả, kiến thức sẽ ngày một nhiều mà phụ huynh thì vì bộn bề công việc và khả năng cũng có hạn nên sẽ khó, thậm chí không thể theo được nữa. Chính vì thế, dạy con thói quen tự giác từ bé là rất quan trọng.
Bách Hợp nhà mình từ nhỏ được rèn tự mở sách ra đọc, tự làm bài và chấm bài cho mình và sau đó rút kinh nghiệm cho bản thân. Con đã hình thành được thói quen khi cần học gì hay cần tìm hiểu thông tin gì thì thay vì đi hỏi, con sẽ tự tra google trước và tổng hợp thông tin. Mình tạo cho con hứng thú bằng cách nhờ con hướng dẫn lại mình, vừa giúp mình biết con học gì làm gì, vừa giúp con vui và tự tin hơn khi hướng dẫn mẹ.
- Ngoài sự cố gắng không ngừng nghỉ và sự đồng hành của mẹ, Bách Hợp có lợi thế là được sinh sống ở môi trường nói tiếng Anh. Chị có lời khuyên nào cho các bạn nhỏ học tiếng Anh nhưng không có điều kiện tiếp xúc với người nước ngoài?
Đúng là Bách Hợp có lợi thế hơn các bạn vì được tiếp xúc với môi trường tiếng Anh hàng ngày, hình thành cho con được phản xạ nghe nói tốt. Tuy nhiên sau một thời gian quản lý nhóm học tập cùng Bách Hợp, tiếp xúc với nhiều bạn đang ở Việt Nam, mình thấy các con nói tiếng Anh khá chuẩn. Thế nên môi trường nhiều khi không phải là yếu tố quyết định việc có giỏi ngoại ngữ hay không. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, các con dễ dàng tìm kiếm nhiều video do người bản ngữ thực hiện, nhiều tài liệu học tập, và có thể kết nối với họ để giao tiếp.
Ban đầu khi học tiếng Anh theo mình cần chú ý đến phát âm và đánh vần vì đó là cái gốc để xây dựng nền tảng tiếng Anh. Phát âm đúng sẽ giúp mình đọc đúng, nghe chuẩn. Còn đánh vần sẽ giúp ghi nhớ từ, thuận lợi cho việc đọc và viết sau này. Sau đó là tập nói cho có ngữ điệu, một khác biệt của tiếng Anh so với tiếng Việt mình.
Người nước ngoài có xu hướng nói nhấn nhá vào những chỗ quan trọng của câu, giọng lên cao xuống thấp…Nghe họ nói sau đó mình bắt chước theo cũng là một cách để có được giọng đọc với ngữ điệu hay. Đánh vần thì nên luyện thường xuyên, mình gợi ý học qua trang spellingtraining mà Bách Hợp đã có video hướng dẫn. Xuyên suốt quá trình này, hãy thực hành phát âm và từ vựng trên những cuốn sách từ Level đơn giản đến trung bình.
Khi các kỹ năng như phát âm và đọc trôi chảy và đánh vần đã làm tốt thì chuyển sang làm các dạng bài tập ngữ pháp và đọc hiểu, kết hợp với kết nối với bạn bè để nói chuyện, nâng cao phản xạ nói. Các con lúc này nên thi các chứng chỉ quốc tế như một cách để đánh giá và chứng minh khả năng của mình.
Tất cả những lời khuyên này mình đều đã áp dụng với nhóm học tập của Bách Hợp và nhiều bạn đã tiến bộ chỉ sau một thời gian ngắn.
- Việc chuyển từ Australia sang Scotland có khiến việc học tập của Bách Hợp xáo trộn nhiều hay không, thưa chị?
Nền giáo dục ở Australia theo mình có nhiều cạnh tranh hơn so với Scotland. Ở Australia, Bách Hợp có kỳ thi ở trường, kỳ thi toàn quốc và có nhiều trung tâm luyện thi, trong khi Scotland gần như không có kỳ thi nào.
Việc học không áp lực thi cử nên không tạo động lực cho Bách Hợp như khi học ở Australia. Để tiếp tục duy trì động lực, mình đặt mục tiêu cho con giành học bổng vào trường tư. Hơn nữa, con muốn học tập trong môi trường tốt, cách duy nhất là thi được học bổng.
Trước khi thi trường Albyn school, Bách Hợp viết một bức thư cho hiệu trưởng giới thiệu bản thân cùng những mong đợi ở môi trường học tập mới. Con làm bài thi online trong một tiếng rưỡi và có buổi phỏng vấn nhóm với thầy hiệu trưởng sau một tuần. Tại trường Robert Gordon’s College, Bách Hợp thi trong hai tiếng rưỡi với nhiều môn như toán, viết, IQ...
- Được biết Bách Hợp có một kênh Youtube hiện được nhiều bạn nhỏ yêu thích và theo dõi. Hiện ngoài hướng dẫn học tiếng Anh, HopChannel sẽ tập trung vào mảng sáng tạo nội dung gì?
Mình muốn làm kênh để con tăng sự tự tin thông qua việc làm người hướng dẫn và giúp được nhiều bạn nhỏ giỏi Tiếng Anh hơn.
Kênh Youtube vẫn theo tôn chỉ của gia đình ngay từ đầu, thiên về giáo dục và cung cấp những kiến thức bổ ích cho người xem. Sắp tới Bách Hợp dự kiến hướng dẫn các bạn nhiều hơn nữa về phần mềm máy tính và các công cụ e-learning, giúp các bạn không chỉ giỏi ngoại ngữ mà còn có được kiến thức nhất định về tin học.
Bách Hợp hướng dẫn các bạn phát âm các âm cơ bản.
- Vừa sản xuất video, vừa tạo nhóm học tập với các bạn Việt Nam, điều này có ảnh hưởng đến viêc học của Bách Hợp không chị?
Hiện nay thời khóa biểu của Bách Hợp khá bận rộn. Trong tuần thì con đi học từ 8h sáng đến 3h30 chiều ở trường, sau đó con về và đọc sách, làm bài tập về nhà cũng như các bài tập bổ trợ nâng cao. Mỗi ngày con học khoảng 2h. Cuối tuần thì con dành thời gian hướng dẫn một số nhóm học ở Việt Nam, lúc cao điểm là 4 nhóm, mỗi nhóm 10 bạn. Con cũng dành thời gian cuối tuần để quay video mới cho kênh, và chuẩn bị bài giảng cho nhóm học.
Thú thật là lúc đầu con tham gia hướng dẫn nhóm mình thấy thời gian lúc nào cũng gấp gáp, đặc biệt là cuối tuần, lúc mọi người đi chơi thì con lại ở nhà hướng dẫn nhóm. Tuy nhiên mình và con đã cùng nhau bố trí lại thời gian biểu hợp lý để không ảnh hưởng đến việc học và chơi của con.
- Theo chị ngoài tiếng Anh, đâu là những kỹ năng quan trọng mà những bạn nhỏ hiện này cần có?
Theo mình kỹ năng giao tiếp – xã hội và kỹ năng về máy tính là hai kỹ năng các bạn nhỏ thời nay cần có. Nhiều khi đơn giản chỉ là con biết nói cảm ơn khi ai đó giúp mình, xin lỗi khi mình mắc lỗi. Xa hơn, đó là cách con thể hiện mình trước đám đông, cách con tương tác với tập thể, cách con làm việc nhóm với các bạn.
Việc sử dụng thành thạo máy tính và các phần mềm cốt lõi sẽ hỗ trợ cho các bạn nhỏ rất nhiều trong công cuộc chinh phục kiến thức. Mình lấy ví dụ Bách Hợp, ngay từ lớp 1 đã làm quen với các ứng dụng học toán và tiếng Anh trực tuyến trên lớp. Lên lớp 3 đã được học sử dụng thành thạo bộ công cụ Open Office của Google, con tự làm bài thuyết trình với Google Slide, tự làm bài thi trắc nghiệm với Google Form,…
- Chị có những nguyên tắc nào trong việc dạy con của mình?
Quan điểm của mình rất đơn giản: Cố gắng biến mình thành một người bạn lớn của con, cùng con chơi, cùng con học, cùng con tâm sự, sẻ chia.
- Cảm ơn chị!