Trên các máy bay thân rộng như Boeing 787 hoặc Airbus A350, khu vực nghỉ ngơi của đội ngũ tiếp viên và phi hành đoàn được bố trí khuất tầm nhìn của hành khách.
Những người đi máy bay không được tiếp cận chỗ này trong bất kỳ trường hợp nào. Khoang nghỉ phi hành đoàn được bố trí ở thân trên, và phía trên cabin chính. Còn với những dòng máy bay đời cũ hơn, khoang đặc biệt này cũng có thể nằm trong hầm chứa hàng hay thậm chí là ngay trong cabin chính.
Thông thường, các hãng hàng không sẽ không thiết kế khu nghỉ ngơi cho tiếp viên ngay từ đầu sẽ để Cục hàng không Liên bang Mỹ kiểm duyệt bởi những quy định kĩ càng của nó. Ví dụ, khoang ngủ cần đảm bảo 6 giường trở lên, độ rung lắc chỉ được phép ở mức vừa phải, nhiệt độ và ánh sáng đều cần phải điều chỉnh được.
Đầy tiện nghi với mô hình tương tự “khách sạn con nhộng” ở Nhật Bản
Không gian của chỗ nghỉ này được ví với “khách sạn con nhộng” ở Nhật Bản với các đặc trưng như: không có cửa sổ, diện tích chật chội nhưng ấm cúng, có ổ cắm điện, đèn ngủ và hệ thống liên lạc nội bộ, mặt nạ dưỡng khí, đai an toàn…
Một tiếp viên hàng không đã có thâm niên làm việc lâu năm các loại máy bay khác nhau có nhận xét rằng việc nghỉ ngơi ở kiểu phòng nghỉ này trông vậy nhưng cũng khá thoải mái. Cụ thể hơn, chỗ nghỉ ngơi luôn đảm bảo kích thước 198cm x 76cm cùng không gian tối thiểu khoảng 1m² giúp tiếp viên cảm thấy thoải mái khi nằm ngủ.
Theo những chuyên gia thiết kế máy bay, khoang nghỉ của tiếp viên được thiết kế để không thu hút nhiều sự chú ý của hành khách. Bởi vậy, có không ít hành khách khi đi ngang qua sẽ nghĩ rằng có một tủ đựng quần áo ở trên máy bay thay vì nhận ra đó là khoang ngủ. Thực chất, phía sau cánh cửa là bậc thang dẫn lên khu nghỉ ngơi và người muốn sử dụng cần phải có chìa khóa hoặc mã số mở.
Tuỳ vào các đời máy bay, các khoang ngủ sẽ được bố trí ở các vị trí khác nhau. Ví dụ, ở các đời máy bay cũ như Airbus A330, khoang nghỉ có thể được bố trí trong hầm chứa hàng và có cầu thang dẫn xuống bên dưới. Ngược lại, với phi cơ đời mới như Boeing 767, buồng ngủ được đặt ngay trong cabin chính và chỉ là những chiếc ghế tựa có rèm che xung quanh. Những chiếc rèm này đóng vai trò như một bức màn cản âm thanh và ánh sáng từ khoang hành khách.
Chốn riêng tư khách hàng không thể tiếp cận để tiếp viên có thể nghỉ ngơi
Thông thường, thành viên phi hành đoàn trên các chuyến bay đường dài thường dành ít nhất 10% thời gian bay của mình ở khu vực nghỉ ngơi.
Các tiếp viên ước lượng bản thân được nghỉ ngơi khoảng 1.5 tiếng giữa các chuyến bay dài. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi tùy thuộc vào từng hãng hàng không và thời gian bay. Có những chuyến bay mà thời gian nghỉ ngơi của tiếp viên có thể kéo dài đến vài giờ, hoặc có những lúc không được nghỉ mà phải làm liên tục.
Các tiếp viên đều rất quý trọng khoảng thời gian nghỉ hiếm hoi này vì họ không có bất kỳ khu vực riêng tư nào trên máy bay để ăn trưa hoặc nghỉ giải lao nên quãng nghỉ này là cực kỳ quan trọng và cần thiết giúp họ duy trì sự tỉnh táo trong suốt chuyến bay. Trong thời gian nghỉ ngơi này, tiếp viên có thể ngủ, hoặc tận hưởng những thú vui cá nhân của mình như đọc sách báo, xem phim trên điện thoại…
Ngoài các tiếp viên, tổ bay cũng sẽ chia đôi để thay phiên nhau phục vụ và nghỉ ngơi. Phi công thường có nơi nghỉ riêng ở phía trên buồng lái và nằm tách biệt với khu vực dành cho tiếp viên. Do đặc thù công việc luôn luôn phải túc trực để đảm bảo tính an toàn cho chuyến bay, phòng nghỉ của các phi công thường chỉ có hai giường, hay thậm chí chỉ là một trên các máy bay đời cũ và một chiếc ghế tựa.Với máy bay cỡ lớn như Boeing 777, các phi công có khoang ngủ riêng rộng rãi hơn, với hai ghế hạng thương gia, tủ quần áo, bồn rửa hoặc nhà vệ sinh, hệ thống giải trí.
Nguồn: Tổng hợp