JAS 39 Gripen là mẫu máy bay chiến đấu thế hệ 4 tuyệt vời đến từ Thụy Điển. Mặc dù không có khả năng tàng hình như F-22 và F-35 nhưng nó đã tạo ra một thách thức lớn cho Trung Quốc vài năm trước.
Chuyện bắt đầu vào tháng 12/2019, khi phi công thử nghiệm Li Zhonghua của Không quân Trung Quốc (PLAAF) có một bài thuyết giảng tại Đại học Bách khoa Tây Bắc ở Thiểm Tây. Bài giảng này đã thu hút sự chú ý rất lớn của giới truyền thông bởi nó đề cập tới việc ‘tiêm kích Su-27’ của Không quân Trung Quốc đã rất chật vật khi đối đầu với các chiến đấu cơ Gripen.
Cuộc tập trận ngày đó [mang tên Falcon Strike 2015, diễn ra tại Thái Lan] đã phô diễn khả năng đa dạng của các máy bay Su-27 Trung Quốc [còn được biết tới là J-11] và các máy bay Gripen-C của Thái Lan. Nó cũng đồng thời đưa ra những tín hiệu gợi ý về vị thế công nghệ mà những mẫu máy bay này đang hướng tới trong những năm tiếp theo.
Thất bại cay đắng trước Gripen đã phơi bày thực tế về khả năng tác chiến đường không của Trung Quốc. Giới chuyên gia nhận định rằng với năng lực đó, Su-27/J-11 Trung Quốc không có cơ hội chống lại các máy bay chiến đấu Rafale mà Không quân Ấn Độ - một trong những đối thủ lớn của Bắc Kinh trong khu vực - đang vận hành.
Tiêm kích Gripen của Thái Lan. Ảnh: Gripen News
Thất bại bất ngờ trước Gripen
Theo nhà báo quốc phòng Rick Joe trên tạp chí Diplomat, so với Su-27, Gripen-C có khả năng tác chiến ngoài tầm nhìn cao hơn đáng kể, trội hơn ở phạm vi quét tối đa của radar (160km so với 120km), tầm bắn tối đa của các tên lửa ngoài tầm nhìn (80km so với 50km), và khả năng tấn công đồng thời nhiều mục tiêu (4 – 1).
Ngoài ra, tiết diện phản xạ radar của Gripen-C về cơ bản cũng nhỏ hơn đáng kể so với Su-27 (1,5-2m² so với 10-12m²). Cấu trúc tác chiến điện tử tổng thể, hệ thống liên kết dữ liệu và điện tử hàng không của Gripen-C vượt trội hơn so với Su-27. Nó còn có hiệu suất khí động học tức thời/tốc độ vòng quay tốt hơn Su-27.
Trong khi đó, Su-27 có lực đẩy động cơ lớn hơn, khả năng duy trì hiệu suất khí động học/tốc độ quay tốt hơn Gripen-C, đồng thời có thể tác chiến trong tầm nhìn tốt hơn do được trang bị tên lửa R-73 với khả năng ngắm bắn cao hơn.
Cuộc tập trận Falcon Strike 2015 thực sự đã làm nổi bật một điều: Máy bay có cảm biến, vũ khí, hệ thống điện tử hàng không, liên kết dữ liệu và tác chiến điện tử vượt trội có thể đánh bại đối thủ trong tác chiến ngoài tầm nhìn và trong các tình huống giao tranh đòi hỏi sự hợp tác cao, cùng khả năng nhận thức tình huống rõ rệt.
Tiêm kích J-11 của Trung Quốc (Ảnh: Twitter)
Trong suốt 7 ngày tập trận, các chiến đấu cơ của Trung Quốc đã có màn biểu diễn "dưới mức trung bình", khiến nhiều nhà phân tích nghi ngờ về khả năng tác chiến đường không của Trung Quốc.
Hai ngày đầu tiên, các tiêm kích Su-27/J-11 đã 'bắn hạ' 16 chiếc Gripen khi không chiến trong tầm nhìn mà không bị tổn thất gì.
Tuy nhiên, vào những ngày tiếp theo, khi nội dung diễn tập chuyển hướng sang các cuộc giao tranh ngoài tầm nhìn, Gripen – với tên lửa tầm trung AIM-120 – đã chứng tỏ nó là mẫu máy bay vượt trội hơn nhiều so với các tiêm kích Trung Quốc trang bị tên lửa PL-12.
Gripen đã 'bắn hạ' tổng cộng 41 chiếc Su-27/J-11 của Trung Quốc trong khi chỉ tổn thất 6 máy bay. Kết quả cuối cùng sau khi kết thúc 7 ngày tập trận đã nghiêng về các máy bay chiến đấu do Thụy Điển sản xuất, khi nó 'bắn hạ' tới 42 chiếc Su-27/J-11, trong khi máy bay Trung Quốc chỉ 'bắn hạ' được 34 chiếc Gripen.
Đáng lưu ý, 88% số lần ghi điểm của Gripen diễn ra ở cự ly ít nhất là 30,5km, trong khi ở khoảng cách này, số lần ghi điểm của Trung Quốc chỉ chiếm 14% tổng số điểm của họ.
Ở cự ly xấp xỉ 50km, Gripen đã tiêu diệt được 10 máy bay đối phương, trong khi J-11 không đạt được thành tích nào.
Không quân Trung Quốc gấp rút nâng cao trình độ
Có vẻ như quân đội Trung Quốc đã khai thác kết quả của cuộc tập trận đó để cải thiện quá trình đào tạo phi công.
Bộ chỉ huy huấn luyện của PLAAF đã đưa ra một chương trình giảng dạy thực tế mới, lần đầu tiên khuyến khích các phi công suy nghĩ và hành động độc lập trong những tình huống căng thẳng nhất.
Những thay đổi này có thể báo hiệu sự kết thúc của hệ thống huấn luyện 'kiểu bảo mẫu' mà Trung Quốc áp dụng bấy lâu nay.
Quá trình huấn luyện chưa sát với thực tế đã cản trở khả năng không chiến của phi công Trung Quốc. Ảnh: gov.cn
"Các bài báo bằng tiếng Trung vào tháng 12/2019 đã chỉ ra những thiếu sót về năng lực nhận thức tình huống đẩy đủ, đặc biệt là trong các cuộc giao tranh đa máy bay, và làm nổi rõ năng lực sụt giảm trong việc đánh bại chính xác các tên lửa mô phỏng tác chiến ngoài tầm nhìn.
Những khiếm khuyết trong nhận thức tình huống có thể một phần là do cảm biến, buồng lái, hệ thống liên kết dữ liệu kém hơn của các tiêm kích Su-27K.
Tuy nhiên, cách bài diễn giảng mô tả về kết quả đạt được cho thấy một kỳ vọng ở mức độ nhất định từ phía Trung Quốc rằng: Các phi công Su-27SK cần vượt qua được những sự mất cân bằng đó, ngay cả khi đối mặt với sự yếu kém hơn về công nghệ" – Ông Rick Joe kết luận.