Tôi đã buộc phải dừng ăn ngoài - một thói quen khó bỏ - vì quá trình chữa bệnh yêu cầu điều đó. Cụ thể hơn, tôi cần phải chọn lựa thực phẩm cẩn thận, tuyệt đối tránh đồ uống có cồn và đi ngủ điều độ hơn. Thành thật mà nói, tôi khó chịu suốt mấy tuần đầu khi phải vào nề nếp sinh hoạt này, trước đó tôi là một người gần như cuối tuần nào cũng có kèo đi ăn nhậu với bạn bè, trong tuần thì cà phê trà sữa chẳng thiếu. Tuy nhiên, tôi bắt buộc phải thỏa hiệp bởi vì sức khỏe ngày càng tệ đi của mình.
Tôi vẫn ra ngoài, tụ tập với bạn bè, chỉ là không còn thường xuyên như trước. Một tháng chỉ khoảng 2-3 lần, thay vì như trước, mỗi cuối tuần đều tụ tập. Có những tuần, tôi có đến 4-5 kèo nhậu. Một phần cũng bởi vì tính cách ham chơi, hơn thế nữa tôi rất thích uống rượu. Đây là cách tôi tự thưởng cho bản thân cũng như tận hưởng cuộc sống, theo quan điểm riêng. Song, tôi nhận ra rằng dù chỉ uống một cốc nước lọc, ăn đồ lành mạnh, tôi vẫn có thể hòa nhập với mọi người và có những buổi tâm tình thú vị.
Chuyện ăn nhậu gần như là một thói quen sống của những người văn phòng, chí ít là những người xung quanh tôi. Cứ cuối tuần, tôi lại cùng đồng nghiệp hoặc bạn bè tìm hiểu những quán nhậu mời. Chén chú chén anh cũng là cách để trở nên thân thiết hơn. Và rõ ràng là rất dễ để "mất dấu" số tiền đã tiêu vào những bữa nhậu, đặc biệt vào những đêm khuya say xỉn.
Thật dễ dàng để quên đi 1 bữa ăn vài trăm nghìn tự thưởng sau 1 tuần làm việc chăm chỉ, hoặc chai rượu gần triệu đồng trên đường đến nhà 1 người bạn. Hầu như mọi người đều cố gắng để ước tính số tiền chi trả cho những bữa trong 1 tháng. Song, theo kinh nghiệm của bản thân, đó là một cái bẫy để tự trấn an bản thân, vì con số dự tính luôn thấp hơn nhiều so với thực thế.
Rất khó để nói ra một con số cụ thể cho mỗi ăn bữa ăn nhậu. Tuy nhiên, thông thường nó sẽ rơi vào khoảng 200-300k/ người cho 1 bữa bình dân bao gồm cả đồ uống và thức ăn. Một tuần như thế trung bình có 4 kèo đi ăn nhậu, mỗi tháng chi khoảng 4 triệu, 1 năm là 48 triệu, riêng cho câu chuyện "mua vui" mỗi tuần. Đây là chưa tính đến những dịp lễ Tết, hay có những tuần sẽ giao du với bạn bè nhiều hơn bình thường. Dự tính có thể lên tới 60-70 triệu/ năm. So với mức thu nhập hàng năm 200 triệu, tôi đã bỏ ra ¼ thu nhập chỉ để đi ăn nhậu.
Tôi đã mất hơn 3 tháng để nhận ra lý do tại sao tôi lại tích luỹ được số tiền này, vì tôi không có thói quen theo dõi chi tiêu của mình tốt lắm. Điều này khiến tôi nhận thức rõ hơn về tài chính của mình và trở nên tiết kiệm. Tôi có thể đã không đưa ra lựa chọn để ngừng đi nhậu, nhưng ít nhất tôi biết đó là một kế hoạch tiết kiệm có hiệu quả.
Nhiều người lo lắng rằng nếu không đi nhậu, uống rượu thì làm sao để gắn kết bạn bè hay có những mối quan hệ xã giao tốt hơn cho công việc. Tôi nghĩ rằng, nếu không vì sức khỏe quá tồi tệ, chúng ta không nhất thiết phải bỏ nó. Tuy nhiên, có một sự thật rõ ràng rằng, bạn không nhất thiết phải đi nhậu 4 buổi/ tuần để có được những mối quan hệ tốt hơn. Và có rất nhiều cách để gắn kết lại với nhau, chẳng hạn như đến nhà nhau ăn những bữa cơm đơn giản, cùng làm lẩu, tiết kiệm chi phí mà có thể gắn kết hơn. Đặc biệt là chi phí cho đồ uống có cồn ở các quán nhậu luôn bị "độn giá" lên rất nhiều.
Khi nói đến tiết kiệm, hầu hết chúng ta đều mắc sai lầm phổ biến là tìm kiếm một món hàng có giá trị lớn mà chúng ta đang dành tiền bạc cho nó. Song, thực tế là chúng ta đánh giá thấp con số tổng từ những chi tiêu nhỏ nhặt cộng lại. Chúng ta không nhất thiết phải loại bỏ mọi thứ nhưng nên cân nhắc cẩn thận hơn trong quá trình chi tiêu. Bên cạnh đó, từ khi bớt đi nhậu lại, tôi cũng thấy tình trạng sức khỏe mình tốt hơn. Mỗi năm còn tiết kiệm khoảng 50 triệu đồng.
Ảnh minh hoạ