Đầu tháng 7, Kyle Fairbanks - một influencer về mảng chứng khoán - đã bị TikTok chặn vì đã công khai lăng mạ các CEO của công ty môi giới Robinhood.
Nhà đầu tư 23 tuổi này cho biết, nguyên nhân thực sự nằm ở lời tuyên bố "gây tranh cãi" về ứng dụng giao dịch này mà anh đã nói với 132.000 người theo dõi của mình.
Lời chỉ trích của Fairbanks không phải là vô lý, bởi Robinhood đang bị điều tra vì một số sai phạm được báo cáo.
"Tôi muốn đem lại thông tin tốt nhất cho những người theo dõi mình", Fairbanks nói. "Khi có ai hỏi tôi trên TikTok rằng Robinhood có phải nhà môi giới tốt không?’, tôi muốn thành thật trả lời ‘Không’".
Tiếp cận đầu tư qua mạng xã hội
Fairbanks là một trong những chuyên gia chứng khoán thuộc Gen Z (những người sinh năm 1997-2010) trên mạng xã hội. Tài khoản TikTok của anh có 120.000 người theo dõi, với mục tiêu giáo dục các nhà đầu tư thế hệ mới để họ không bị các công ty môi giới lợi dụng.
"Hệ thống giáo dục không dạy bạn làm thế nào để tạo ra thu nhập thụ động, hay đầu tư chứng khoán. Tôi nghĩ đây là một lỗ hổng lớn", anh nói.
"Tôi đã chứng kiến mẹ sống vất vả như thế nào. Bà làm công việc văn phòng suốt 44 năm, cho tới tận 60 tuổi. Tôi không nghĩ mọi người nên thúc ép bản thân như vậy".
Kyle Fairbanks và tài khoản TikTok của anh
Fairbanks học đầu tư thông qua các khóa học online, sách và podcasts. Anh bắt đầu với số tiền kiếm được từ một vài công việc làm thêm như huấn luyện viên, quay phim…
Hiện tại, chàng trai này đang là 1 trong 4 chủ sở hữu của Asset Entities - một "cộng đồng những người chung chí hướng". Họ dùng nền tảng Discord để thảo luận mọi thứ, từ cơ hội chứng khoán tiềm năng cho đến các món đầu tư dài hạn.
Asset Entities có tài khoản TikTok với hơn 1 triệu người theo dõi. Họ thường xuyên đăng tải những video như "Chứng khoán đã giúp tôi ra khỏi lũy tre làng", "Chứng khoán sẽ giúp tôi giàu vào năm 2022". Một số bài đăng của họ đã nhận về tới gần 3 triệu lượt xem.
Nhiều người hoài nghi về khả năng quyết định của Gen Z. Trên diễn đàn Reddit, không khó để bắt gặp những bài viết như "Tôi đã đặt sai ngày đến hạn của hợp đồng quyền chọn bán, khiến số tiền tiết kiệm suốt 3 năm qua tan thành mây khói".
Chưa kể, Gen Z đang tự tin vô căn cứ khi mà họ không tận mắt chứng kiến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 2008.
Tuy nhiên, Gen Z cũng sở hữu rất nhiều tiềm năng ẩn giấu bên trong.
"Gen Z đang tiếp cận với đầu tư thông qua những kênh truyền thông khác biệt: TikTok, Reddit và Twitter", chuyên gia bảo hiểm Patricia Pelayo-Romero (Đức) đánh giá.
"Điều này càng trở nên hấp dẫn, khi mà cơ hội có được công ăn việc làm ổn định đã thấp hơn so với 1 năm trước. Về cơ bản, thị trường chứng khoán chính là con đường mới để kiếm tiền".
Giấc mơ làm giàu từ chứng khoán
Vivian Sam (22 tuổi) từng mơ ước trở thành đầu bếp. Ở tuổi 19, anh đăng ký khóa học quản lý khách sạn ở Bengaluru (Ấn Độ), nhưng nhanh chóng nhận ra đây không phải nghề phù hợp với mình.
Vì tò mò, Sam đã tính toán thử số tiền mình sẽ kiếm được từ lĩnh vực nhà hàng - khách sạn.
"Tôi sẽ mất tới 40 năm để có thể làm ra 1 triệu USD", anh nói.
Khi đang học năm cuối, Sam dự định sẽ thay đổi con đường sự nghiệp. Dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 đã lựa chọn thay chàng trai này. Anh tìm hiểu về giao dịch cổ phiếu thông qua các khóa học online trên YouTube, dè dặt đầu tư bằng tiền tiêu vặt tiết kiệm được.
Giờ đây, Sam là một nhà đầu tư full-time, làm việc tại thành phố Bhilai (Ấn Độ).
"Tôi là nhà đầu tư chứng khoán thuộc thế hệ Covid-19", anh nói. "Cảm giác nhìn tiền cứ tăng dần lên rất dễ gây nghiện. Tôi sẽ tiếp tục đầu tư vì mọi thứ vẫn diễn ra tốt đẹp".
Trong khi đó, tại Thụy Sĩ, Santiago Mezzano (22 tuổi) bắt đầu chơi chứng khoán để tận dụng lợi thế khi thị trường khôi phục hậu đại dịch. Anh vay tiền từ cha mẹ và dành toàn bộ thời gian cách ly tại nhà để bán khống.
"Khi ấy, tôi không biết mình đang làm gì. Thế nhưng, bằng một cách nào đó, tôi luôn đầu tư đúng công ty và rời đi đúng lúc", chàng trai cho biết.
Mezzano hiện đang đầu tư dài hạn, hy vọng sẽ thu về nhiều lợi nhuận để đảm bảo tương lai.
Là sinh viên ngành Tâm lý học, lại sắp lấy học thạc sĩ Khoa học thần kinh trong kỳ tới, anh đã học về các loại bệnh thoái hóa thần kinh và chi phí tuổi già, đủ để lo lắng cho cuộc sống sau khi về hưu.
"Ai sẽ chăm sóc tôi khi tôi 80 tuổi?", anh hỏi. "Các quỹ hữu trí là giải pháp kém bền vững, bởi không ai chi trả cho chúng. Tôi không tin vào hệ thống đó. Tôi muốn sống hạnh phúc sau khi về hưu".
Trong khi ổn định tài chính là mối quan tâm chính của nhiều nhà đầu tư, Elena Broglia (22 tuổi) lại nghĩ xa hơn. Nữ doanh nhân người Ý đang phát triển một nền tảng cho phép mọi người chia sẻ và khám phá các sản phẩm được sản xuất một cách bền vững, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.
Broglia dùng tiền tiêu vặt và thu nhập từ những công việc trước đó để đầu tư. Cô muốn thể hiện sự cam kết vào một tương lai bền vững, bỏ tiền vào những công ty thực hành chính sách thân thiện với môi trường.
"Tôi muốn dùng tiền của mình một cách có chủ đích, và đầu tư vào ý tưởng của người khác", cô nói.
Broglia đang theo đuổi một xu hướng cảm quan của người tiêu dùng: ngày càng có nhiều người bảo hộ cho các công ty phát triển bền vững. Cô tin rằng họ sẽ làm tốt hơn nữa trong tương lai.
Dù vậy, cảm quan là một điều lạ lùng. Hầu hết các nhà đầu tư gen Z đang có xu hướng mua cổ phiếu của các công ty mà họ biết, đặc biệt là trong khối công nghệ.
Liều lĩnh chấp nhận rủi ro
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tin rằng tương lai sẽ nằm ở chiến lược đầu tư bí ẩn nhất: tiền số.
Justin Castillo (24 tuổi) hiện đang là giáo viên ngôn ngữ tại Philippines. Lần đầu tiên anh nhìn thấy tiềm năng của tiền số là vào năm 2017, khi giá Bitcoin tăng lên gần 20.000 USD.
Cú sập năm 2018 khiến nhiều người hoài nghi về tính hợp pháp của loại tiền tệ thay thế này. Tuy nhiên, hậu đại dịch, thị trường đã chứng kiến sự phục hồi.
"Khi đại dịch mới bùng phát, mọi người tìm cách giữ tiền, còn nền kinh tế phải gánh hậu quả do sản xuất đình trệ", Castillo - người trích một phần thu nhập hàng tháng để đầu tư - cho biết. "Tôi coi tiền số như một cách đề phòng ngừa những biến động trong của tiền pháp định".
Castillo không phải là người duy nhất nghĩ vậy. Ngay cả triệu phú Robert Kiyosaki - tác giả cuốn "Cha giàu, cha nghèo" cũng khuyến khích mọi người đầu tư nhiều hơn vào "vàng, bạc và Bitcoin".
"Chúng ta vẫn còn cả chặng đường dài phía trước trong việc xác định giá trị của một thứ gì đó", chàng trai 24 tuổi nhận định.
"Tôi không nghĩ chứng khoán, tiền số hay bất kỳ kiểu đầu tư nào khác thoát khỏi cảnh bị đầu cơ. Chúng ta không thể đoán được khi nào khủng hoảng, khi nào tăng trưởng. Bạn chỉ có thể hướng về tương lai".
Chuyên gia bảo hiểm Pelayo-Romero lại có một trăn trở khác. Trong khi thế hệ Millennials (những người sinh năm 1980-1996) chỉ đầu tư vào thị trường khi đã có hiểu biết về tài chính, các nhà đầu tư Gen Z thường tỏ ra liều lĩnh hơn khả năng chi trả của mình.
Theo bà, thông tin chứng khoán trên các mạng xã hội như TikTok chưa hẳn đã chính xác. Nếu không được tư vấn phù hợp, các nhà đầu tư trẻ sẽ không thể đưa ra các lựa chọn khôn ngoan.
Gen Z chỉ mới thấy thị trường khởi sắc hậu Covid-19 và có thể sẽ lầm tưởng vào khả năng kiếm lời từ chứng khoán. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ giúp họ tăng cường kiến thức tài chính về lâu dài.
"Càng có nhiều kinh nghiệm, bạn càng làm tốt hơn, dù ở trong lĩnh vực nào", Pelayo-Romero chia sẻ. "Gen Z táo bạo trong đầu tư là do hoàn cảnh của họ vốn đã khá tuyệt vọng. Vì thế, thực sự là họ chẳng còn gì để mất".
(Theo Vice)