Dịch Covid-19 với những diễn biến phức tạp thực sự đã khiến đời sống của mỗi người bị đảo lộn không nhỏ. Quá nhiều những hệ lụy đã xảy ra nhưng điều dễ nhận ra nhất chính là việc nguồn thu nhập của từng cá nhân đều bị ảnh hưởng.
Giảm lương, bỏ thưởng, nghỉ ở nhà không lương, thậm chí là cắt giảm nhân sự đối với dân công sở hay doanh thu bấp bênh, không khách hàng, lỗ gấp mấy lần lãi đối với dân làm ăn là những điều chúng ta không quá lo nghĩ trong thời điểm bình thường. Nhưng hiện tại mọi chuyện không còn được đảm bảo nữa. Và cũng chính nguyên nhân này kéo theo nhiều sự thay đổi khác, trong đó có sự thay đổi của mọi người về thói quen chi tiêu, về cách quản lí tài chính cũng như quan niệm về tiền tiết kiệm.
Dù ít dù nhiều, mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ đều đã có cách chi tiêu khác so với thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra. Hãy cùng nghe họ chia sẻ:
Công việc đình trệ, có người bị giảm tới 60-70% thu nhập
Rất nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên không ít người đã phải trải qua cảnh giảm lương, giảm số đơn hàng, giảm nguồn thu... trong thời gian qua.
Đặng Phú Cường - một home designer ở Sài Gòn cho biết thu nhập tháng vừa rồi của anh chàng đã bị giảm 60-70% vì dịch. Lý do là bởi rất nhiều job được Cường nhận từ trước nhưng hiện tại đã bị hủy, hoặc trong tình trạng "pending" không thể thực hiện được.
Phú Cường - một home designer cho biết thu nhập của anh chàng bị giảm 60-70% vì dịch
Trong khi đó, Đỗ Thùy Linh (30 tuổi, chuyên viên Marketing) khá khẩm hơn một chút khi tiền lương chính không bị cắt giảm gì. Tuy nhiên, ngoài công việc chính thì nguồn thu nhập phụ của Linh từ việc viết lách lại bị ảnh hưởng ít nhiều. "Mình viết cho rất nhiều khách nước ngoài định gia nhập thị trường Việt Nam. Thế nhưng, kế hoạch của họ bị pending vì dịch, thành ra việc của mình cũng bị pending theo. Khách trong nước cũng vậy. Thu nhập ngoài năm ngoái bằng 1/3 tổng thu nhập của mình, nhưng với tình hình thế này thì mình tạm tính là năm nay mình sẽ bị giảm tổng thu nhập khoảng 1/6".
Hữu Dương - một freelance photographer thì cho biết: "Công việc của mình bị ảnh hưởng khá nhiều vì mình chủ yếu chụp mảng quảng cáo, sự kiện và thời trang. Nó phụ thuộc rất nhiều vào dự án của các công ty, nhãn hàng và nhà sản xuất. Cụ thể thì thu nhập của mình đã giảm khoảng 70% so với cùng kì năm ngoái".
Những người làm nhiếp ảnh như Hữu Dương cùng lao đao vì ảnh hưởng của Covid-19
Thái Hoàng (24 tuổi) đang làm kế toán, không có thu nhập ngoài mà chỉ sống dựa vào lương cũng đang than trời khi lương tháng vừa rồi của cô nàng chính thức bị giảm 15% theo chỉ đạo từ công ty.
"Bye bye" việc lượn lờ, không còn cafe trà sữa, mua sắm lung tung
Có thể nói, dịch Covid-19 đã khiến thói quen chi tiêu của nhiều người chuyển biến rõ rệt. Không còn hàng quán mở cửa, mọi người bỏ luôn sở thích ngồi lê la cafe mỗi ngày. Các hoạt động giải tri bị hủy bỏ, những chi phí liên quan cũng được cắt giảm.
Nguyễn Mai Phương (26 tuổi), hiện đang làm chuyên viên PR tại một công ty phần mềm ở Hà Nội chia sẻ: "Bình thường mình chi tiêu từ 40 - 60% lương tháng. Từ khi có dịch, mọi hoạt động chi tiêu của mình đều giảm, do gần như đã không mua sắm những thứ như quần áo, giày dép, không đi chơi được đâu xa... Mình cũng chuyển từ chuyện hay đi ăn ngoài sang tự nấu nướng, tự pha cafe... nên chi phí cho việc ăn uống giảm đáng kể. Hai tháng mùa dịch, số tiền mình chi tiêu đã giảm chỉ còn khoảng 30% lương".
Thói quen chi tiêu của Mai Phương đã thay đổi rất nhiều sau khi dịch bùng phát
Cũng giống Mai Phương, Nguyễn Tiến Hải (28 tuổi, nhân viên IT) cho biết việc phân bổ chi tiêu của anh chàng thay đổi rất nhiều: "Trước khi dịch bùng phát, sau giờ làm mình thường xuyên ngồi trà đá cùng bạn bè. Vào những ngày cuối tuần thì có thể ngồi café hoặc chọn một quán buffet lẩu, nướng nào đó để tự thưởng cho bản thân. Bây giờ những điều ấy không còn nữa, đi làm về là về nhà luôn, ăn uống tại nhà và không ra ngoài nếu không có nhu cầu cần thiết".
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng của những cô nàng công sở điển hình trưa ăn ngoài, tối đi chơi bạn bè, rảnh thì ngồi lướt web mua sắm online nay cũng buộc phải từ bỏ. Lương Linh Hương (30 tuổi, kế toán) tâm sự tháng rồi những khoản chi cho việc shopping của cô gần như giảm hẳn. Do đặc thù công việc, Hương cũng hay phải tăng ca sau đó đi ăn khuya nhưng hiện tại thì không còn nữa. "Giờ các hàng quán đều đóng cửa cộng thêm với nỗi lo lây nhiễm chéo nếu cứ lang thang ngoài đường nên mình sẽ ăn cơm tối ở nhà, nhờ đó mà tiết kiệm được một khoản. Mình cũng bỏ tật mua sắm linh tinh vì mua về chẳng để làm gì hết", Hương nói.
Thay đổi quan niệm về tiền tiết kiệm
Trước khi dịch bệnh bùng phát, nhiều bạn trẻ đã ngậm ngùi thừa nhận rằng bản thân thuộc diện kiếm được bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu. Tất cả đều cho rằng mình còn trẻ, nên dành thời gian ăn chơi bay nhảy cho đỡ uổng, chỉ nên bắt đầu tiết kiệm khi đã bước sang tuổi 30.
Lương Linh Hương (kế toán) xấu hổ khi phải thú nhận trước dịch cô nàng chưa bao giờ có thói quen tiết kiệm: "Lương tháng của mình đủ để góp tiền ăn hàng tháng cho gia đình và phần còn lại để cho việc chi tiêu cá nhân. Qua mùa dịch này mình sẽ phải nghiêm túc thay đổi thói quen chi tiêu của bản thân, sẽ lên kế hoạch sử dụng tiền bạc cho hợp lý và cố gắng mỗi tháng để dành được một khoản phòng cho những trường hợp khẩn cấp".
Linh Hương đã thay đổi suy nghĩ về việc tiết kiệm tiền
Mai Anh (25 tuổi, nhân viên sale) chia sẻ: "Mình sống xa nhà, ở trọ nên tháng nào cũng phải dành ra khoản lớn để trả tiền nhà. Số tiền còn lại là tiền điện nước, ăn uống, xăng xe rồi đi chơi, tụ tập bạn bè. Tất cả đều vừa đủ không dư gì hết nên tháng rồi lương tụt quá nửa, mình sống dở chết dở. May mà chủ nhà biết có dịch, ai cũng khó khăn nên cho mình khất tiền nhà".
Tới lúc này, Mai Anh cũng như Linh Hương mới nhận ra sự quan trọng của tiền tiết kiệm và cô nàng hứa sau khi hết dịch sẽ chi tiêu cẩn thận hơn. Tuy nhiên, khác với 2 cô nàng kể trên, cũng có không ít những bạn trẻ đã có ý thức tiết kiệm tiền ngay trước khi Covid-19 bùng phát.
Mai Phương (26 tuổi, chuyên viên PR) cho biết: "Mình đã có thói quen tiết kiệm được khoảng 1,5 năm nay. Dù lương ít hay nhiều, mỗi tháng mình đều dành 20 - 30% lương cho việc tiết kiệm. Khi có dịch, nhờ việc cắt giảm chi tiêu, mình càng tăng số lượng tiền để tiết kiệm lên, đạt con số khoảng 40 - 50% lương.
Mình tin rằng tự chủ tài chính là điều kiện tiên quyết để bạn có nhiều hơn tự do trong việc lựa chọn cách sống, làm việc và phát triển bản thân trong hiện tại và tương lai. Vì vậy mình cố gắng để có thể quản lý tài chính tốt nhất trong khả năng của mình, để có được sự chủ động và bình tĩnh khi có những tình huống khá tiêu cực như hiện tại".
Min Nguyễn - một photographer tại Sài Gòn cũng chia sẻ mỗi tháng anh chàng đều cố gắng bỏ ra một khoản tiền để phòng trường hợp bất ngờ. Tháng rồi tuy không dư được khoản nào do công việc đình trệ nhưng nhờ tiền tiết kiệm nên chàng nhiếp ảnh không bị lao đao nhiều.
Làm sao để tiết kiệm tiền hiệu quả trong mùa dịch?
Về quy tắc tiết kiệm, mỗi cá nhân đều có một phương pháp riêng. Trong số đó, mô hình 3-5 chiếc lọ tài chính được nhiều người áp dụng nhất. Theo đó, bạn sẽ phân chia thu nhập của mình làm nhiều phần, mỗi phần dành cho một nhu cầu nhất định như chi tiêu hàng ngày, tiền du lịch, tiền đầu tư phát triển... và một phần để tiết kiệm. Trong mùa dịch, quy tắc này có thể thay đổi đôi chút, bởi lẽ những nhu cầu chi tiêu bình thường đều đã thay đổi.
Đỗ Thùy Linh (chuyên gia marketing) đưa ra lời khuyên: "Ở thời điểm hiện tại, muốn tiết kiệm thì mình nghĩ mọi người cần rà soát lại thói quen chi tiêu của mình để xác định xem đâu là chi tiêu thiết yếu, đâu là chi tiêu gia tăng để cắt giảm phù hợp. Trong đó, chi tiêu thiết yếu là chi tiêu mà không tiêu không được. Còn chi tiêu gia tăng là chỉ để gia tăng giá trị hưởng thụ thôi. Bạn có thể cắt giảm hoàn toàn hoặc 1 phần. Cách thứ 2 là thay đổi thương hiệu sử dụng, ví dụ dưỡng da là 1 kiểu chi tiêu gia tăng, không mua hãng đắt nhất mà mua hãng đắt vừa vừa cũng được".
Thùy Linh là người luôn có kế hoạch chi tiêu cũng như tiết kiệm rất cụ thể
Linh Hương thì cho rằng trong thời gian cách ly xã hội, hãy tìm đến những thú vui mới để quên đi thú vui mua sắm. Đây cũng là một cách để tiết kiệm. "Thời gian trước mình có thói quen mua sắm ở những trang thương mại điện tử nhưng giờ mình sẽ dành để đọc sách, chăm sóc bản thân. Trong một tuần kể từ ngày có thông báo cách ly toàn xã hội mình đã đọc xong vài cuốn sách mà bản thân đã mua từ lâu nhưng chưa có thời gian đọc vì bận rồi đấy", cô nàng hóm hỉnh.
Chàng photographer Min Nguyễn thì đơn giản hơn nữa: "Mình nghĩ mọi người nên cắt giảm chi tiêu cho các nhu cầu giải trí, ăn uống đúng giấc để không bị đói ngang giữa các buổi. Các bạn có thể lên thực đơn từng ngày theo nhu cầu dinh dưỡng để tránh mua dư thừa thức ăn, các nhu cầu về dịch vụ thì cân nhắc việc tự phục vụ để giảm chi phí. Ngoài ra thì nhớ tập thể dục đều đặn để có hoạt động và dễ ngủ sớm mà không ăn đêm nhiều".
Còn với cô nàng Mai Phương, việc tất cả cần làm nghiêm túc nhất chính là chia rõ những thứ mình cần và những thứ mình thích để quyết định chi tiêu ra sao. Với các nhu cầu cơ bản như tiền nhà, tiền ăn uống, đi lại... là thứ phải chi thì nên nghĩ cách chi tiền hiệu quả hơn (mua đồ ăn 1 tuần 1 lần, mang cơm đi làm, hạn chế ăn vặt...). Các đồ đạc, nhu cầu thuộc về sở thích cá nhân hiện tại nên cắt để giữ tiền cho mình. Mọi người phải nghĩ rằng mục tiêu cao nhất là tồn tại qua giai đoạn khó khăn này chứ không phải việc thích gì tiêu nấy.
Việc phân bổ chi tiêu hợp lý giúp Mai Phương luôn có sẵn một khoản tiền nhất định
"Trước đây mình cũng như nhiều bạn tiêu nhiều tiền cho các khoản chưa thật sự cần nhưng mình thích, thích phát cuồng lên như quần áo, mỹ phẩm... Quả thực, ngay lúc đó bạn rất vui nhưng về sau sẽ hối hận ngay. Còn nếu bạn tiết kiệm ngay từ đầu thì ban đầu, bạn sẽ thấy khó chịu vì không được tiêu nhiều nhưng sau bạn sẽ thấy thoải mái vì tiêu ít thật ra là được nhiều: yên tâm tài chính, không mất thời gian băn khoăn đắn đo, thấy tiền trong tài khoản mất ít, tiết kiệm tăng dần...
Thậm chí mình biết có nhiều bạn quản trị dòng tiền tốt nên thời điểm này các bạn vẫn có thể thấy được cơ hội đầu tư. Mình chưa có điều kiện đó nên mình làm tốt phần tiết kiệm tiền đã", cô bạn cho biết.
Mai Phương cũng chia sẻ thêm: "Sếp mình có 1 câu keyword cho đợt dịch này là: Chỗ bị cắt là chỗ thừa. Đã thừa là phải cắt. Chủ nghĩa tiêu dùng hiện nay làm cho mọi người có xu hướng mua nhiều hơn những thứ mọi người cần mua.
Mình nghĩ đây là dịp tốt để mọi người rèn luyện tiết kiệm, tiêu tiền cho thứ cần tiêu. Nếu tiền là một nguồn lực thì đây là thời điểm "trong nguy có cơ" bạn sẽ học được cách dùng tiền hợp lý, để bạn có quyền quyết định dòng tiền chứ không phải ngược lại".