Giải đấu cuối cùng HLV Park Hang-seo dẫn dắt đội tuyển Việt Nam đã không đạt được kết quả như mong đợi. Dù đặt mục tiêu vô địch AFF Cup 2022 song toàn đội đã để thua Thái Lan ở lượt chung kết, và đây là lời chia tay để lại nhiều sự tiếc nuối với HLV người Hàn Quốc.
Vào ngày 31/1 này, hợp đồng của HLV Park Hang-seo sẽ chính thức kết thúc. Ông Park sẽ chia tay đội tuyển Việt Nam sau 5 năm gắn bó. Chắc chắn, sẽ có nhiều khoảng trống ở tuyển Việt Nam sau triều đại của thầy Park mà người hâm mộ bóng đá nước nhà không khỏi lo lắng.
Điều dễ nhận thấy nhất nằm ở phong độ của cả một lứa cầu thủ trụ cột ở ĐTQG. Theo dõi AFF Cup 2022 có thể nhận thấy, nhiều học trò của HLV Park đã không còn duy trì được phong độ như Quang Hải, Hùng Dũng, Phan Văn Đức, Hoàng Đức, Tuấn Anh… Hầu hết những cầu thủ này đều chơi dưới sức hoặc sụt giảm phong độ tương đối rõ rệt so với thời điểm họ thi đấu ở vòng loại thứ ba World Cup 2022.
Dưới triều đại của HLV Park, những cầu thủ nói trên liên tục phải cày ải quá nhiều, cả ở ĐTQG lẫn U23 (khi đá giải U23 châu Á hay SEA Games…). Bộ khung mà HLV Park xây dựng đã chơi thành công và đạt nhiều dấu ấn suốt 5 năm qua tuy nhiên bóng đá thường mang tính chu kỳ. Sau chu kỳ thành công sẽ là chu kỳ thoái trào. Giờ đây, hiện tượng thoái trào đang xảy đến với tuyển Việt Nam và nó bộc lộ ngay ở phong độ của nhiều trụ cột ĐTQG.
Trên một số diễn đàn của các nhóm CĐV, không ít người hâm mộ cho rằng sau triều đại của HLV Park, liệu một nhà cầm quân mới có nên "thay máu" nòng cốt ở ĐTQG để làm mới đội tuyển hay không. Luồng ý kiến này cho rằng những cầu thủ đánh mất phong độ như Hùng Dũng, Quang Hải, Phan Văn Đức, Tuấn Anh… nên được thay bằng lứa cầu thủ trẻ hơn để tạo ra làn gió mới, động lực mới ở ĐTQG. Tuy nhiên, trên thực tế thì đây lại là bài toán rất nan giải với bất kỳ một HLV nào sau "triều đại" của HLV Park. Bởi, liệu nhóm cầu thủ trẻ có đủ khả năng thay thế lứa nòng cốt hiện tại hay không vẫn là câu hỏi còn khá mông lung.
Tại hai kỳ AFF Cup gần nhất (2020 và 2022), Thái Lan đều là những nhà vô địch trong khi tuyển Việt Nam chơi không thật sự thành công. Trước trận chung kết lượt về vào tối qua (16/1), ngay cả một số chuyên gia bóng đá cũng cho rằng tuyển Việt Nam ở "cửa trên" so với Thái Lan dù toàn đội chịu bất lợi sau trận lượt đi. Tuy nhiên, sau 2 lượt trận chung kết AFF Cup 2022, chúng ta mới nhận ra mối tương quan thật sự giữa tuyển Việt Nam so với Thái Lan.
Dưới triều đại của HLV Park, có nhiều thời điểm số đông người hâm mộ cho rằng bóng đá Việt Nam đã vượt lên trên Thái Lan và trở thành "Vua Đông Nam Á". Tuy nhiên, sau hai kỳ AFF Cup gần nhất, có thể thấy dường như ĐQG Thái Lan vẫn nhỉnh hơn một chút so với ĐTQG Việt Nam và danh hiệu "Vua Đông Nam Á" vẫn thuộc về đội tuyển xứ Chùa Vàng.
So sánh với Thái Lan, hẳn chúng ta có thể đặt ra câu hỏi rằng liệu sau triều đại của HLV Park, tâm lý "ngại Thái Lan" có lại xảy ra với tuyển Việt Nam hay không.
Trước khi được dẫn dắt bởi thầy Park, tuyển Việt Nam thường có tâm lý e dè mỗi khi phải đụng độ Thái Lan. Đây là lý do quan trọng khiến chúng ta luôn lép vế về thành tích đối đầu trước đối thủ này. Đến hai trận đấu cuối cùng thầy Park dẫn dắt tuyển Việt Nam, tâm lý "ngại Thái Lan" vẫn còn bộc lộ và điều này hoàn toàn có thể sẽ tái diễn sau triều đại của nhà cầm quân người Hàn Quốc.
Về cơ bản, HLV Park đã để lại quá nhiều dấu ấn với bóng đá Việt Nam trong suốt 5 năm qua. Những thành tích, di sản và đóng góp rất lớn của ông là điều xứng đáng nhận được sự ghi nhận và tôn vinh. Giờ đây, sự chia tay của HLV Park cũng để lại nhiều khoảng trống cho ĐTQG và khi bước sang triều đại của một nhà cầm quân mới, tuyển Việt Nam có thể sẽ cần những sự thay đổi rất lớn nếu muốn gặt hái thêm những thành công ở đấu trường khu vực và châu lục.