Ung thư phổi là một trong những căn bệnh gây tử vong hàng đầu ở Vương quốc Anh. Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong lớn thứ 5 ở Anh và cướp đi sinh mạng của khoảng 96 người mỗi ngày. Khoảng 47.000 người Anh được chẩn đoán mắc ung thư phổi mỗi năm. Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố vào năm 2020, nước ta có hơn 26.200 ca mắc mới ung thư phổi và trong đó có gần 24.000 ca tử vong.
Tương tự như các loại bệnh khác, ung thư phổi được chẩn đoán càng sớm thì hiệu quả điều trị càng cao.
Bài kiểm tra "khoảng trống kim cương"
Bài kiểm tra 'khoảng trống kim cương' có thể giúp phát hiện sớm căn bệnh ung thư phổi. Cụ thể, bạn sẽ áp sát móng tay của 2 ngón tay trỏ vào nhau để kiểm tra xem có khoảng trống hình kim cương giữa lớp da của 2 ngón tay hay không. Nếu không có, điều này có nghĩa bạn có ngón tay dùi trống.
Ngón tay dùi trống là một trong những dấu hiệu phổ biến cảnh báo bệnh ung thư phổi. Theo Tổ chức nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh, có khoảng hơn 35% số người mắc ung thư phổi có triệu chứng ngón tay dùi trống. Biểu hiện của ngón tay dùi trống là phần gốc móng trở nên mềm và vùng da cạnh móng trở nên sáng bóng; các đầu ngón tay phình to khiến móng tay cong lên bất thường.
Ngoài ung thư phổi có một số nguyên nhân khác có thể gây ra triệu chứng ngón tay dùi trống. Các vấn đề sức khỏe như xơ gan, bệnh tim, bệnh Crohn (một loại bệnh viêm đường ruột), một số bệnh ung thư khác hoặc vấn đề di truyền đều có thể gây ra tình trạng này.
Đa số các ca mắc ung thư phổi thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn vì các triệu chứng thời kỳ đầu thường mờ nhạt, khiến nhiều người chủ quan không đi khám. Chỉ đến khi các khối u phát triển đến kích thước nhất định hoặc di căn vào các bộ phận khác của cơ thể, người bệnh mới xuất hiện nhiều triệu chứng rõ rệt hơn. Việc chẩn đoán bệnh ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn.
Các triệu chứng khác của ung thư phổi
Không phải tất cả các bệnh nhân mắc ung thư phổi đều sẽ xuất hiện triệu chứng ngón tay dùi trống. Do đó, ngoài dấu hiệu ngón tay dùi trống, mọi người cần lưu ý thêm một số dấu hiệu khác cảnh báo ung thư phổi.
1. Khó thở
Tiến sĩ Deborah Lee, Chuyên gia chăm sóc sức khỏe tại Dịch vụ y tế quốc gia, Vương Quốc Anh (NHS) cho biết một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi là tình trạng khó thở.
Triệu chứng khó thở có thể xuất hiện đột ngột hoặc xuất hiện từ từ trong vài tuần hoặc vài tháng. Tình trạng khó thở cũng có thể tồi tệ hơn vào ban đêm khi nằm ngủ. Khó thở do khối u ở phổi chèn ép có thể kéo dài dai dẳng.
Ngoài ra, ung thư phổi có thể gây ra tình trạng tràn dịch màng phổi, khiến chất lỏng tích tụ xung quanh phổi. Chất lỏng tích tụ trong lồng ngực có thể gây khó thở.
2. Ho
Ho cũng là dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi. Đa số những người mắc ung thư phổi sẽ xuất hiện tình trạng ho khan. Nếu tình trạng ho khan kéo dài dù đã dùng thuốc điều trị nhưng cũng không thấy thuyên giảm thì mọi người nên chú ý và tốt nhất nên lập tức đến bệnh viện kiểm tra.
Ngoài ra, tình trạng ho ra đờm kèm máu cũng là một dấu hiệu cần chú ý. Các bệnh lý thông thường hiếm khi gây ra tình trạng ho ra đờm kèm máu. Do đó, nếu cơ thể xuất hiện tình trạng ho ra máu, cho dù chỉ là ho ra một chút máu thì mọi người cũng cần cảnh giác với ung thư phổi.
3. Đau vai
Nếu vị trí của các khối u ở gần vai, khi kéo căng cơ ngực người bệnh cũng có thể xuất hiện tình trạng đau vai. Mặt khác, có thể do các tế bào ung thư đã di căn đến xương quai xanh, cổ tạo áp lực lên dây thần kinh gây ra hiện tượng đau vai.
Ngoài các dấu hiệu trên, người bệnh có thể sẽ xuất hiện một số hiện tượng như tức ngực, sụt cân, khản giọng, khó nuốt,... Những triệu chứng này thường xuất hiện vào thời kỳ đầu và không biểu hiện rõ ràng khiến người bệnh lơ là. Vì vậy, “khi các dấu hiệu trên xuất hiện với tần suất nhiều và không có dấu hiệu thuyên giảm, mọi người nên đến bệnh viện kiểm tra để phát hiện bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.” Tiến sĩ Lee nói thêm
Phòng ngừa ung thư phổi
Chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư phổi bằng cách tránh xa các yếu tố nguy cơ và xây dựng một số thói quen lành mạnh. Cụ thể hãy bỏ thuốc lá, tránh xa các chất độc hại làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi như amiăng, asen, crom, niken, cadmium.
Ngoài ra, mọi người nên lựa chọn một chế độ ăn uống lành mạnh với các loại trái cây và rau củ đa dạng. Rau củ quả là nguồn thực phẩm giàu vitamin, chất xơ và chất chống oxy hóa, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn uống lành mạnh giúp phòng ngừa hoặc giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư và các loại bệnh mãn tính khác.
Cuối cùng, hãy duy trì thói quen tập thể dục. Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường khả năng chống chọi của cơ thể với các yếu tố độc hại bên ngoài gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tập thể dục không chỉ an toàn và khả thi trong quá trình điều trị ung thư mà còn có thể cải thiện mức độ hoạt động về thể chất và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Nguồn: The Sun, Express.co.uk