Bắt đầu từ ngày 27/9 và kết thúc ngày 10/11/2020, bằng một thỏa thuận hòa bình ba bên, dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh đã phá hủy quân đội mà Armenia cố công xây dựng trong suốt nhiều năm qua.
Thất bại thảm hại ở Karabakh đã dạy cho Quân đội Armenia những bài học khắc nghiệt về chiến tranh hiện đại và cách nó diễn ra. Điều này cũng tác động lớn đến kế hoạch mua sắm vũ khí của Armenia và nhiều quốc gia khác trong tương lai.
Có một điều không cần phải bàn cãi là máy bay tấn công không người lái (UAV) giữ một vai trò quan trọng trong chiến thắng của Azerbaijan trên chiến trường Nagorno-Karabakh. Đến nay cả Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cũng phải tự hào khi tuyên bố UAV của nước này đã phá hủy hơn 1 tỷ USD khí tài quân sự của Armenia chỉ sau 40 ngày giao tranh.
Về phần Armenia, họ bị động trong việc đánh trả các cuộc tấn công bằng UAV của Azerbaijan. Phi đội tiêm kích đa năng Sukhoi Su-30SM của Không quân Armenia án binh bất động và không được sử dụng trong suốt thời gian diễn ra chiến sự.
Không thể có được ưu thế trên không cộng với việc tin dùng các hệ thống phòng không (mua lại từ nước ngoài) lỗi thời do Liên Xô chế tạo đã đẩy nhanh sự thất bại của Armenia ở Karabakh. Lực lượng bộ binh của Armenia gần như bị vô hiệu hóa trước các đòn tấn công của UAV Azerbaijan, có thể nói Baku gần như làm chủ bầu trời Nagorno-Karabakh.
Xe tăng T-72 của Armenia bị Azerbaijan bắt sống ở Nagorno-Karabak. Ảnh: Reporter.
Theo Matthew Bryza, cựu Đại sứ Mỹ tại Azerbaijan, một trong những thành viên thuộc phái đoàn ngoại giao của Mỹ tham gia tiến trình hòa giải ở Nagorno-Karabak cho biết, cuộc xung đột vừa qua đã chứng minh rằng các hệ thống vũ khí của Nga cho dùng chúng là tên lửa phòng không S-300, xe tăng T-72 trang bị giáp phản ứng nổ cũng không phải là đối thủ của UAV.
Cũng theo ông Bryza, ngay cả Quân đội Armenia cũng muốn được trang bị các loại vũ khí như Azerbaijan, tuy nhiên điều này có phần quá sức đối với họ.
Israel, nhà cung cấp vũ khí lớn của Azerbaijan và cũng là một trong những quốc gia nhập khẩu dầu của Baku, do đó khó có khả năng Tel Aviv sẽ bán vũ khí hoặc máy bay không người lái tiên tiến cho Yerevan. Còn Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ từ chối bán vũ khí cho Armenia khi họ là đồng minh của Azerbaijan.
Cựu Đại sứ Mỹ ở Azerbaijan cũng hoài nghi về khả năng Washington sẽ đồng ý bán các loại vũ khí tấn công tiên tiến cho Armenia. Theo nhận định của Bryza, quốc gia duy nhất mà Yerevan có thể mua được các loại khí tài chiến tranh hiện đại chỉ có mỗi Nga.
Tuy nhiên, Moscow chưa chắc đã đồng ý việc bán cho Armenia các hệ thống phòng không tiên tiến có thể trị được UAV Azerbaijan. Một vấn đề khác nữa là Yerevan không có tiền để mua những thứ vũ khí đắt đỏ như vậy.
Theo Bryza, người Armenia luôn tin rằng quân đội của họ bất bại, còn người Azerbaijan không biết cách chiến đấu. Cái giá phải trả cho sự tự tin này chính là việc họ để mất gần như toàn bộ Nagorno-Karabakh.
Bryza tin rằng khi vượt qua được mất mát hiện tại, người Armenia sẽ nghiêm túc hơn trong việc xây dựng lại quân đội, việc đầu tiên cần phải làm là nâng cấp kho vũ khí họ hiện có. Thế nhưng Yerevan không nhất thiết phải sở hữu một lực lượng vũ trang ngang bằng hay mạnh hơn Azerbaijan, bởi Baku sẽ không dại dốt tấn công vào lãnh thổ Armenia vốn được quốc tế công nhận.
"Baku biết rằng nếu họ tấn công lãnh thổ Armenia, điều đó sẽ kéo Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) vào cuộc, Moscow sẽ có hành động đáp trả để bảo vệ đồng minh. Vì vậy, Yerevan sẽ xây dựng lại quân đội theo hướng mà họ cho là phù hợp, đủ để người Armenia cảm thấy an toàn", ông Bryza cho biết.
Hàng trăm phương tiện chiến tranh của Armenia bị Azerbaijan bắt sống được đưa về tham gia lễ duyệt binh mừng chiến thắng ở Baku.