Cầu thủ bóng rổ giỏi nhất thế giới - Stephen Curry buộc bản thân phải thực hiện 10 quả ném phạt vào cuối mỗi buổi tập. Nhạc sĩ huyền thoại Yo-Yo Ma luyện đàn Cello mỗi ngày…
Luyện tập tạo nên sự hoàn hảo cho hầu hết mọi thứ trong cuộc sống và tài chính cá nhân cũng không ngoại lệ. Thông thường, phải mất hàng chục năm làm việc để chúng ta có thể đạt được các mục tiêu tài chính mà bản thân đặt ra. Cuộc hành trình suốt đời này sẽ thuận lợi hơn nếu có sự tham gia của một cố vấn đáng tin cậy, người có thể giúp chúng ta đi đúng hướng với mục tiêu của mình.
Tony Robbins - triệu phú tự thân Mỹ, với giá trị tài sản ròng là 600 triệu USD và là người huấn luyện các VĐV chuyên nghiệp, tỷ phú và tổng thống, đã dành hơn 40 năm để trau dồi kiến thức của bản thân và trở thành người hướng dẫn chuyên nghiệp. Ông nhận ra một số điểm mấu chốt sau:
Tin tưởng vào lý trí
Các quyết định tài chính bốc đồng không bao giờ là khôn ngoan bởi vì chúng bị thúc đẩy bởi hai cảm xúc tiêu cực - sợ hãi và tham lam.
"Đầu tư theo cảm xúc luôn kết thúc trong thảm họa và không có ngoại lệ".
Trau dồi tính kiên nhẫn
Làm chủ tài chính cũng giống như làm chủ tư duy - điều đó không xảy ra trong một sớm một chiều.
Phải mất nhiều năm, nếu không phải là nhiều thập kỷ, để chứng kiến một sự chuyển đổi thực sự.
Điều chỉnh thế giới quan
Bản chất của con người là nhìn mọi thứ với thành kiến tiêu cực. Nhưng điều quan trọng là các nhà đầu tư phải có cái nhìn lạc quan về thế giới.
"Nếu bạn chấp nhận rằng đó là thời điểm tuyệt vời để sống - tuổi thọ đang tăng lên, dân số đang tăng lên, chúng ta đang đổi mới và chúng ta đang trở nên tốt hơn - thì đó là nơi mà các công ty có thể phát triển mạnh mẽ. Và nếu các công ty phát triển mạnh, bạn sẽ làm tốt với tư cách là một nhà đầu tư".
Theo Robbins, những người chọn cách nhìn thế giới qua lăng kính lạc quan sẽ làm ăn phát đạt. Ông nói: "Một số người chết cóng vào mùa đông. Số khác lại học cách trượt tuyết và dành thời gian cho gia đình bên bếp lửa ấm áp vì họ biết mùa đông không phải là mãi mãi."
Triết lý, lời khuyên tốt nhất về tiền mà Tony Robbins từng nhận được: "Để mọi thứ thay đổi, bạn cần phải thay đổi."
Khi Robbins mới 17 tuổi, ông tham dự một buổi hội thảo của bậc thầy phát triển cá nhân Jim Rohn. Lời khuyên đơn giản này của Rohn đi theo suốt chặng đường sự nghiệp của ông. Robbins nói: "Triết lý này đã giúp định hướng cuộc sống của tôi".
"Cơ hội tuyệt vời đến sau mỗi 15 phút" - lời khuyên này đến từ nhà đầu tư - tỷ phú Richard Branson, người chọn cách sống với tư duy thịnh vượng thay vì tư duy tối giản.
"Bí quyết thực sự của cuộc sống là tìm ra cách để tăng thêm giá trị" - Robbins đã học được lời khuyên hiền triết này từ Bill Gross- người đồng sáng lập PIMCO, người đã thành lập tới 7 công ty.
Chiến lược giúp bạn đi đúng hướng đối với các mục tiêu tài chính dài hạn của mình:
1. Có chiến lược tài chính
Hãy có chiến lược về tài chính mà bạn sử dụng. Nếu bạn có các khoản đầu tư vào thị trường chứng khoán, bạn không cần phải kiểm tra chỉ số Dow Jones mỗi ngày. Điều đó chỉ khiến bản thân bạn phát điên mà thôi.
Thay vào đó, hãy dành 30 phút đó để làm điều gì khác có giá trị như đọc một cuốn sách về chiến lược tài chính.
Robbins nói: "Chúng ta đang chết chìm trong thông tin nhưng lại đói với trí tuệ. Cách duy nhất để duy trì sự mạnh mẽ và tập trung là hiểu rõ những gì bạn muốn và đảm bảo rằng bạn đang nuôi dưỡng tâm trí của mình".
2. Học cách chấp nhận rủi ro
Ngay cả những khoản đầu tư an toàn nhất cũng có một mức độ rủi ro - việc chấp nhận nó chỉ đơn giản là một phần của thành công.
Robbins đưa ra quan điểm rằng: "Rủi ro là bí quyết thành công. Nếu bạn muốn thành công ở bất kỳ cấp độ nào - trong kinh doanh, tài chính - bạn phải học cách đối phó với từ hai chữ cái này".
3. Tập trung vào những gì bạn đã có
Khi Robbins hỏi mọi người rằng liệu họ có tập trung hơn vào những gì họ hiện có hay những gì còn thiếu, 80% trả lời là vế thứ hai. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên - những người đạt thành tích cao có xu hướng tập trung vào việc cải thiện bản thân.
Nhưng nếu bạn luôn tập trung vào những gì còn thiếu, bạn sẽ không bao giờ có thể đạt được hạnh phúc thực sự. Hãy thay đổi suy nghĩ để tập trung vào những gì bạn có.
4. Đừng đưa ra những quyết định bốc đồng
Mallouk viết trong cuốn "The Path" rằng: "Con người không thực sự có đủ điều kiện để trở thành những nhà đầu tư vĩ đại; đó không phải là cách chúng ta được xây dựng". "Chúng ta có xu hướng cảnh giác với sự thay đổi nhưng cũng bốc đồng và chúng ta thường đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc hoặc trực giác hơn là sự thật".
Lần tới khi bạn muốn đưa ra một quyết định tài chính như bán cổ phiếu, mua bất động sản đầu tư hoặc vay tiền, hãy dành cho mình thời gian một tuần trước khi thực hiện. Rất có thể bạn sẽ thay đổi quyết định sau khi đã suy nghĩ kỹ càng.
5. Biết giới hạn của bạn
Các nhà đầu tư lành nghề nhất trên thế giới không đạt được thành công lớn nhờ một hoặc hai khoản đầu tư may mắn. Bởi vì họ đã dành cả cuộc đời để học cách trở thành người giỏi nhất trong những gì họ làm.
4 phương pháp cân nhắc đầu tư
1. Có kế hoạch được xác định rõ ràng
Đây không nhất thiết phải là một tài liệu 150 trang mà là một bản phác thảo đơn giản về tài chính của bạn.
Bắt đầu bằng cách tạo báo cáo giá trị ròng, sau đó xác định các mục tiêu tài chính, có hoặc không có sự trợ giúp của cố vấn và tạo một danh mục đầu tư tùy chỉnh.
2. Đảm bảo danh mục đầu tư phù hợp với mục tiêu
Thay vì suy nghĩ, tôi nên đầu tư vào Apple ngay hôm nay, hãy nghĩ về các mục tiêu dài hạn, chẳng hạn như tiết kiệm đủ để có 100.000 USD mỗi năm khi nghỉ hưu và tự hỏi bản thân xem loại đầu tư nào sẽ giúp bạn đạt được điều đó.
3. Xem xét lại kế hoạch
Bạn nên xem xét lại kế hoạch tài chính của mình hàng năm và trong các sự kiện lớn của thế giới. Có nhiều khả năng mục tiêu đầu tư của bạn sẽ thay đổi trong những năm qua. Có thể bạn dự định sinh một con và sinh ba hoặc bạn quyết định nghỉ hưu sớm hơn. Từ đó có thể thực hiện các điều chỉnh khi cần thiết.
4. Đừng làm mọi thứ rối tung
Khi bạn đã có danh mục đầu tư của mình, hãy giữ kỷ luật. Đừng để cảm xúc cản trở mục tiêu dài hạn.
Bài chia sẻ của là Jamie Friedlander - nhà văn tự do sống tại Chicago, cựu biên tập viên của trang Success.