Một trong những biểu hiện rối loạn hành vi xuất hiện ở trẻ như xuất hiện các hành động bất thường hay phát ra các âm thanh kì lạ rất có thể xuất phát từ hội chứng Tic. Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng - chuyên khoa 1 Nhi khoa, Tai mũi họng. Bác sĩ - Chuyên gia tâm lý điều trị bệnh lý chậm nói, tăng động giảm chú ý ở trẻ em chia sẻ về hội chứng này như sau:
"Khi bạn thấy con có những biểu hiện bất thường như:
- Nhún vai.
- Nháy mắt.
- Chu mũi.
- Chu miệng.
Hoặc hay có những hành động như:
- Thở dài.
- Ho hắng.
- Khịt khạt.
Khi có những dấu hiệu trên, có khả năng em bé nhà bạn đang mắc chứng rối loạn Tic. Đây là những hành động, rối loạn không chủ ý ở trẻ. Có thể là những hành động vận động như trên, hoặc là những âm thanh. Tic được chia ra thành 2 nhóm: Tic vận động và Tic âm thanh. Những biểu hiện này diễn ra thường xuyên, dày đặc hơn. Hội chứng này có thể xảy ra ở trẻ nhỏ 3-5 tuổi, hoặc những trẻ lớn hơn từ 10-15 tuổi.
Hiện nay, chưa có một nguyên nhân nào rõ ràng cho hội chứng nay, tuy nhiên có một số yếu tố có thể làm bệnh xuất hiện như:
- Xem tivi, điện thoại quá nhiều.
- Trẻ trong độ tuổi đi học bị stress, lo nghĩ quá nhiều.
- Một số trường hợp ở trẻ tăng động, giảm chú ý.
Ngay khi thấy con có dấu hiệu khác thường này, hãy liên hệ bác sĩ để có những tư vấn, chẩn đoán kịp thời. Bố mẹ có thể yên tâm là Tic có thể điều trị trong thời gian ngắn", bác sĩ Hùng chia sẻ.
Hội chứng Tic có khỏi được không?
Đây không phải là một hội chứng quá hiếm gặp với tỷ lệ mắc bệnh ở các bé trai thường cao hơn các bé gái 3 lần. Đây không phải là một hội chứng quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể chữa khỏi. Các biểu hiện của bệnh không có tính ổn định có thể tăng hoặc giảm qua từng giai đoạn. Các biểu hiện có nhiều mức độ nhưng đều không đe dọa tới tính mạng của trẻ. Nếu sử dụng đúng phương pháp để điều trị bệnh thì việc chấm dứt tình trạng bệnh là vô cùng đơn giản.
Tic đơn giản
Ở trẻ em, rối loạn tic đơn giản liên quan đến một nhóm cơ hoặc âm thanh đơn giản.
- Tic âm thanh đơn giản bao gồm: thở dài, ho, lẩm bẩm, các âm thanh khác như tặc lưỡi, hắng giọng, la hét...
- Tic vận động đơn giản bao gồm: nháy mắt, chun mũi, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm.
Tic phức tạp
Rối loạn Tic phức tạp liên quan đến nhiều nhóm cơ.
- Tic âm thanh phức tạp bao gồm nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh. Trẻ lặp lại lời của chính mình hoặc nhại lại giọng của người khác. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể nói thành tiếng hoặc lẩm bẩm trong miệng.
- Tic vận động phức tạp bao gồm hành động tự vỗ vào người, tự cắn, nhảy nhót, giậm chân, xoay tròn... Đôi khi, Tic vận động phức tạp là do trẻ bắt chước hành động của người khác.
Lưu ý khi điều trị Tic cho con
Để hiệu quả điều trị được đảm bảo cần có sự phối kết hợp chặt chẽ của các bậc phụ huynh. Các bậc cha mẹ phải có những hiểu biết cần thiết và nắm được những lưu ý sau đây sẽ hỗ trợ phần nào trong quá trình điều trị.
+ Rèn luyện cho con các thói quen khoa học: ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc, sử dụng nguồn thực phẩm có lợi cho sức khỏe...
+ Luôn tạo cho trẻ tinh thần thoải mái, tránh việc nhắc đến tình trạng bệnh quá nhiều.
+ Thường xuyên trao đổi giao tiếp và trấn an tinh thần của bé.
+ Bố mẹ có thể chủ động sử dụng biện pháp giáo dục để điều trị tình trạng bệnh của con.
+ Hạn chế xem tivi, điện thoại.
Phòng ngừa chứng rối loạn Tic ở trẻ
- Sự căng thẳng và lo lắng là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra Tic. Vì vậy, hãy cố gắng giữ không khí trong gia đình không bị căng thẳng.
- Đôi khi, rối loạn Tic là do dị ứng thực phẩm. Kiểm tra những thực phẩm mà trẻ đã ăn. Nếu xác định dị ứng thực phẩm gây ra chứng rối loạn này, bạn ngưng cho trẻ ăn các thực phẩm làm từ sữa, có màu nhân tạo, hương vị hoặc chất bảo quản, thực phẩm chế biến sẵn và các thực phẩm gluten khác trong một thời gian.
- Đảm bảo rằng trẻ ngủ đủ vào ban đêm. Trẻ nên ngủ ít nhất 10 giờ mỗi ngày.
- Nếu các triệu chứng của Tic không quá nghiêm trọng, hãy quên chúng đi. Chú ý quá nhiều vào nó sẽ làm cho trẻ cảm thấy căng thẳng và khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
- Tic có thể làm trẻ lúng túng. Bạn hãy giải thích với con điều này không có là gì sai và con chỉ cần hạn chế những hành động này.
- Khoảng 72% trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) bị thiếu magiê. Hội chứng Tic thường có mối quan hệ mật thiết với ADHD, do đó bạn nên cho trẻ ăn những món ăn giàu magiê.
Chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống và môi trường sống tích cực sẽ giúp trẻ có sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái, giúp ngăn ngừa rối loạn Tic ở trẻ. Tuy nhiên, nếu con mắc phải hội chứng này thì bạn nên bình tĩnh và đừng để trẻ bị căng thẳng. Ngoài ra, bạn cũng nên ghi lại những gì đã xảy ra trước khi các triệu chứng Tic xuất hiện. Điều này sẽ giúp bạn biết được khi nào các triệu chứng của Tic xuất hiện để biết cách ngăn ngừa.