Việt Nam là một thị trường tương đối đặc biệt. Dù phát triển chậm so với thế giới nhưng với khả năng hấp thu kiến thức và công nghệ hiện đại mạnh mẽ, nơi đây thỉnh thoảng xuất hiện những dự án khởi nghiệp hoặc xu hướng kinh doanh độc đáo mà không nơi nào trên thế giới có.
Ai cũng công nhận thị trường bán lẻ với 100 triệu dân cùng sự gia tăng theo cấp số nhân của tầng lớp trung lưu, là hết sức màu mỡ; nhưng cho đến thời điểm hiện tại, mấy ai có thể kiếm lời từ nó. Tất cả các mô hình bán lẻ theo chuỗi đình đám trên thị trường như Circle K, Family Mart, Pharmacity hay Long Châu đều đang lỗ.
Một trong những nguyên do khiến tất cả hàng năm đều lỗ là bởi họ ưu tiên chuyện tăng trưởng cửa hàng để chiếm lĩnh thị trường hơn cân đối dòng tiền – cash flow. Mục tiêu cuối cùng của các chuỗi chính là độc chiếm thị trường và sau đó mới tính đến chuyện hòa vốn hay có lời.
Tuy nhiên, trong khoảng vài năm trở lại đây, cùng sự ra đời của những startup như VinShop, Bách Hóa Việt, MedLink hay BuyMed, công cuộc xâm chiếm thị trường của các chuỗi kể trên đang gặp rất nhiều trở ngại.
Bởi, nếu theo đúng tiến trình phát triển ở các thị trường đã phát triển, sự bành trướng của các chuỗi đồng nghĩa cùng sự tiêu biến của các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Nhưng, ở thị trường Việt thì ngược lại, nhờ được startup giúp chuyển đổi số, các cửa hàng truyền thống vẫn kiên cường sống sót và đối đầu trực tiếp cùng các chuỗi.
Trong cuộc chiến này, mỗi bên sẽ có những điểm yếu và điểm mạnh riêng.
- Về tài chính: nếu các chuỗi có các quỹ hoặc tập đoàn lớn đứng đằng sau thì các startup cũng thế.
- Về tốc độ phủ thị trường: trong thời gian đầu, nhờ chủ động tất cả mọi thứ nên chuỗi có thể thực thi rất nhanh, còn startup phải bỏ thời gian đi thuyết phục các đối tác; tuy nhiên, sau một thời gian, chắc chắn độ phủ của các startup sẽ nhanh hơn chuỗi, bởi họ không phải xây dựng gì mà sử dụng lượng cửa hàng có sẵn của các đối tác.
- Về quản lý: chuỗi sẽ dễ dàng hơn bởi có sự đồng nhất trong hệ thống, nhân sự lẫn quy cách trưng bày hàng hóa; các startup sẽ gặp khó khăn hơn trong công tác này, bởi ngoài nhà cung cấp họ còn một lượng đối tác cửa hàng khổng lồ mỗi người một ý.
- Về chi phí vận hành: chuỗi sẽ phải trả rất nhiều tiền cho việc thuê mặt bằng, trong khi các startup không phải làm thế.
- Về danh mục hàng hóa: chắc chắn các chuỗi sẽ có danh mục trưng bày offline phong phú và đa dạng hơn các cửa hàng trong hệ thống quản lý của các startup.
Cũng như thế, nếu là doanh nghiệp Việt Nam, thì rõ ràng nền tảng kết nối sẽ dễ Global - như đi sang các nước Đông Nam Á hơn là chuỗi cửa hàng.
Hiện tại, các chuỗi đang tạm thời thắng thế ở các khu vực trung tâm tại các thành phố lớn, thế nên ‘chiến trường’ của hai bên trong thời gian sắp tới sẽ là tỉnh lẻ và khu vực nông thôn rộng lớn. Với sự xuất của các startup nền tảng kết nối, tiến trình phát triển thị trường bán lẻ tại Việt Nam có thể sẽ không đi theo con đường mà những thị trường trưởng thành đã từng đi qua.
Với sự xuất hiện của Bách Hóa Việt, đặc biệt là Vinshop, hẳn những GS25, 7-Eleven hay Circle K có đang run sợ?
Theo số liệu từ vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) năm 2019 cho thấy, đã gần 30 năm liên tục phát triển, nhưng đến nay kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) mới chỉ chiếm được 25% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Phần doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa. Tức tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chỉ chiếm 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (34%), Malaysia (60%) hay Singapore (90%).
Dù các đại siêu thị đã mang lại lợi nhuận cho các chủ đầu tư, còn các cửa hàng tiện lợi vẫn chưa, trong khi rất nhiều chuỗi đã ‘cày cuốc’ ở mảnh đất này hơn 10 năm. Một lý thuyết cho rằng, các chuỗi cửa hàng tiện lợi sẽ có lời khi đạt con số trên 150 cửa hàng, song điều này lại chưa đúng ở thị trường Việt.
Circle K hiện chính là tay chơi lớn nhất thị trường với gần 400 cửa hàng, tập trung tại hai thành phố là Hà Nội và TP.HCM. Năm 2018, Circle K đạt doanh thu hơn 2.300 tỷ đồng sau 10 năm có mặt tại Việt Nam, tăng trưởng 33% so với trước đó một năm, biên lợi nhuận gộp cho thấy sự cải thiện đáng kể - vượt 31%. Dù thế, thương hiệu này vẫn lỗ tới 130 tỷ đồng trong năm 2018, nâng tổng số lỗ lũy kế lên gần 800 tỷ đồng.
Tiếp theo sau là Family Mart ra đời từ 2009 với 130 cửa hàng. Năm 2019, doanh thu của Family Mart khoảng 1.360 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp duy trì ổn định trong nhiều năm - đạt trên 26%. Họ vẫn lỗ song mức lỗ đang giảm dần xuống còn 50 tỷ đồng. Đứng thứ 3 về quy mô là B’s Mart có 160 cửa hàng, tập trung chủ yếu tại TP. HCM. Năm 2019, chuỗi của Tập đoàn Phú Thái đạt doanh thu 522 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp duy trì từ 17% - 18%, lỗ 124 tỷ đồng, khiến mức lỗ lũy kế lên đến 901 tỷ đồng.
Trong năm 2020, đột nhiên trên thị trường khởi nghiệp Việt xuất hiện liên tục 2 cái tên cạnh tranh trực tiếp với các chuỗi cửa hàng tiện lợi, bằng cách hỗ trợ các cửa hàng bách hóa truyền thống chuyển đổi số, đó là Bách Hóa Việt và VinShop. Mô hình kinh doanh của Bách Hóa Việt với nền tảng GT Link và VinShop tương đối giống nhau, nhưng nếu phải so sánh thì quả thật Bách Hóa Việt của K Group đã gặp ‘đại sư phụ’ VinShop có VinGroup hậu thuẫn phía sau.
Mục tiêu của GT Link trong năm 2020 là có thể thu hút được khoảng 45.000 cửa hàng bách hóa tham gia vào mạng lưới, năm 2021 có thể thêm 45.000 nữa. Doanh thu của startup này sẽ đến từ 3 nguồn: các cửa hàng bách hóa, nhà phân phối và nhà sản xuất.
Mục tiêu xa hơn, GT Link sẽ còn mở rộng với sự tham gia của khách hàng tiêu dùng cuối. Ước mơ của doanh nghiệp mới này là muốn nâng cấp cửa hàng bách hóa trở thành e-siêu thị, như là nơi ‘trưng bày’ ảo - chứa khoảng 1.000 đến 2.000 mặt hàng, khi khách hàng đặt hàng qua e-siêu thị đó bằng máy tính bảng hoặc tivi, hàng hóa sẽ được giao trong vòng 24h và sau đó phấn đấu lên 2h.
Ông Lữ Thế Hùng – Founder GT Link
"Thay vì Bách Hóa Việt đầu tư mở 9.000 cửa hàng, thì chúng tôi hợp tác với 9.000 tiệm bách hoá có sẵn để đi nhanh hơn. Khi các cửa hàng bách hóa truyền thống hợp tác với GT Link, họ sẽ có 2 bước chuyển đổi số cở bản: từ cửa hàng bách hóa truyền thống lên cửa hàng tiện lợi và từ cửa hàng tiện lợi lên e-siêu thị.
Cửa hàng bán lẻ ở dưới quê mà biến mất, thì cửa hàng tiện lợi sẽ nhảy vào chứ không thể siêu thị hoặc đại siêu thị. Nếu mình dùng GT Link để nâng cấp chị bán lẻ hay nôm na là chuyển đổi số hoặc tự động hoá các cửa hàng bách hóa sẽ biến nó giống như Amazon Go. Lúc đó, người tiêu dùng có thể đến các tiệm tạp hóa để nạp tiền, thanh toán hóa đơn…y như ở các cửa hàng tiện lợi. Như vậy, các cửa hàng bách hoá sẽ không thụt lùi so với các cửa hàng tiện lợi.
Trong Đông Nam Á, mỗi Thái Lan là hệ thống cửa hàng bách hóa là gần như đã tiêu biến, chỉ còn sự thống trị của cửa hàng tiện lợi, như nhiều nước tiên tiến ở châu Âu. Nhưng, ở 9 nước còn lại, như tại Việt Nam, các cửa hàng bách hóa truyền thống vẫn đang có tiếng nói trọng lượng trong ngành bán lẻ, khi vẫn còn chiếm tới 60% thị phần. Và theo dự đoán của tôi, nếu không có sự can thiệp nào đặc biệt, phải 10 năm nữa, các cửa hàng bách hóa mới biến mất hoàn toàn ở vùng Đông Nam Á.
Tuy nhiên, với sự xuất hiện của GT Link, các cửa hàng bách hóa sẽ không mất đi mà sẽ phát triển song hành cùng các chuỗi cửa hàng tiện lợi của các thương hiệu lớn", ông Lữ Thế Hùng – Founder GT Link từng chia sẻ với chúng tôi.
Phần mình, dù đã bán VinMart cho Masan, song VinGroup vẫn không tính sẽ ‘buông tha’ thị trường bán lẻ giàu tiềm năng, đó là lý do họ hậu thuẫn cho nền tảng VinShop từ One Mount Group.
Ngoài kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và chủ các tiệm tạp hóa như cách GT Link đang làm, VinShop còn tích hợp với VinID và có thể triển khai những gói vay nhỏ trực tiếp với chủ cửa hàng khi đã hợp tác chiến lược với Techcombank. Với tiềm lực mạnh mẽ của VinGroup, trong giai đoạn đầu tiên, VinShop đã có thể triển khai tất cả những sản phẩm - dịch vụ mà GT Link dự định sẽ làm trong nhiều năm.
"Chúng tôi không xây dựng, sở hữu hay vận hành bất kỳ một cửa hàng hay điểm bán nào, thay vào đó là dùng công nghệ để giải quyết bài toán luân chuyển hàng hóa quy mô lớn tới hàng tỷ sản phẩm mỗi năm. Hợp tác giữa VinShop và VinID thông qua Vinshop được kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc cách mạng cho kênh bán lẻ truyền thống, vốn đang chiếm trên 80% thị phần toàn ngành, đồng thời giảm tới 10% giá bán hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Bên cạnh mang lại lợi ích của chủ tiệm tạp hóa, nhà sản xuất, người tiêu dùng cũng sẽ có cơ hội mua hàng với giá giảm tới khoảng 10%, do tối ưu tới 15% chi phí toàn chuỗi. Mục tiêu đến năm 2022, số lượng đối tác gia nhập hệ thống dự kiến sẽ đạt 300.000 tiệm trên cả nước", bà Trương Quỳnh Phương - Giám đốc phát triển Kinh doanh One Mount Group giải thích cụ thể.
VinShop vẫn đang "đốt tiền" để tăng nhận diện thương hiệu và phát triển người dùng (User Acquisition). Các đại lý sẽ được nhận ngay 750.000 đồng/tháng khi tham gia trưng bày VinShop với đầy đủ bộ nhận diện như bảng tên, ốp cột dọc, dán quầy, biển đứng, bảng thông tin, tờ rơi. Ngoài ra, khi giới thiệu khách mua hàng tải và đăng ký ứng dụng VinID, chủ cửa hàng cũng được nhận tới gần 9,5 triệu đồng/tháng. Việc sử dụng tính năng bán hàng (1POS) của VinShop cũng được khuyến khích với ưu đãi lên tới 500.000 đồng/tháng.
Dù thế, theo quan điểm của ông Tuấn Nguyễn - Phó Tổng Giám đốc CTCP VCCorp, thời gian cần để VinShop educate thị trường không dưới 3 năm.
Co-Founder BuyMed: Tôi tin vào sức mạnh của công nghệ hơn là sức mạnh của quy mô
Dù đi sau, song các chuỗi bán lẻ dược phẩm đang cho thấy quyết tâm độc chiếm thị trường của họ lớn lao chẳng kém gì mảng chuỗi tiện lợi.
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, với nguồn vốn dồi dào từ các quỹ đầu tư đổ vào, Pharmacity đang điên cuồng tăng cường sự hiện diện của mình trên toàn quốc. Hiện tại, họ đã có khoảng trên 500 cửa hàng tính từ Đà Nẵng trở vào Nam.
Mới đây, trong báo cáo tài chính của mình, Pharmacity cho biết, sau 6 tháng đầu năm 2020, mức lỗ sau thuế của họ hơn 194 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2019 họ lỗ 122 tỷ. Được biết, mức lỗ theo kế hoạch của chuỗi dược phẩm này là 136 tỷ đồng cho năm 2020. Ngoài ra, hệ số nợ/vốn chủ đi ngang ở mức 0,3 - tương đương nợ cũng tăng mạnh tương ứng lên 1.360 tỷ.
Một nguồn tin cho biết, dù Pharmacity là chuỗi có quy mô lớn nhất thị trường, nhưng doanh số của họ không lớn nhất thị trường, người đứng đầu chính là Phano Pharmacy. Nguyên do bởi doanh thu ở mỗi cửa hàng của Pharmacity khá thấp khi chủ yếu bán đồ gia dụng chứ không phải dược phẩm; ngược lại, ngoài B2C, Phano còn có B2B khi phân phối thuốc cho bệnh viện và họ cũng tập trung bán thuốc theo toa thay vì thuốc thông thường.
Còn về mô hình kinh doanh của Long Châu, theo bà Nguyễn Bạch Điệp – Chủ tịch FPT Retail – chủ sở hữu chuỗi dược phẩm Long Châu, thì đó là câu chuyện của tương lai, chứ ở thời điểm hiện tại, nó vẫn chưa là tối ưu nhất. Thế nên, khi mua lại chuỗi Long Châu, thay vì mở rộng thêm ngành hàng tiêu dùng như Pharmacity, FPT Retail vẫn giữ mô hình kinh doanh cũ.
Tại báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2020, mảng dược phẩm mang về cho FPT Retail doanh thu hơn 472 tỉ đồng, tăng gần 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, với chi phí giá vốn và phí hoạt động tăng mạnh, dẫn đến khoản lỗ trước thuế tăng gấp đôi lên hơn 26 tỷ đồng. Cuối quý II/2020, Long Châu có 135 cửa hàng, mục tiêu sẽ mở 220 cửa hàng vào cuối năm.
Ngoài ra, bà Nguyễn Bạch Điệp còn tin rằng, như cách Thế Giới Di Động cùng FPT Shop đã làm tiêu biến các cửa hàng nhỏ lẻ ở thị trường bán lẻ ICT, sự bành trướng của các chuỗi dược phẩm như Long Châu hay Pharmacity sẽ khiến các cửa hàng thuốc truyền thống tiêu biến đi. Lúc đó, Long Châu sẽ trở thành ‘con gà đẻ trứng vàng" cho FPT Retail như FPT Shop đã từng.
Tuy nhiên, với sự ra đời của các startup công nghệ như BuyMed hay MedLink, khả năng độc chiếm thị trường của các chuỗi dược phẩm đang bị bỏ ngỏ.
Hoàng Nguyễn – Co-Founder BuyMed
BuyMed là startup về mảng dược nổi bật ở mùa Covid-19, khi liên tục gọi được vốn từ các quỹ đầu tư. Họ đã nhận được khoảng 3 triệu USD từ các vòng gọi vốn tiền Serie A, đồng thời vừa được Google chọn vào danh sách hỗ trợ tăng tốc. BuyMed là nền tảng kết nối trực tiếp giữa các nhà sản xuất dược phẩm và các hiệu thuốc nhỏ lẻ trên toàn quốc. Sắp tới, họ còn ý định triển khai phần mềm giúp các hiệu thuốc truyền thống quản lý việc kinh doanh dễ dàng hơn, như cách chuyển đổi số các cửa hàng thuốc nhỏ.
Những hiệu thuốc nào tham gia vào mạng lưới của BuyMed sẽ được gắn logo của BuyMed giống kiểu Tripavisor đang làm trong mảng du lịch. Những hiệu thuốc có gắn logo BuyMed đồng nghĩa với nguồn thuốc chủ yếu đến từ BuyMed và startup này sẽ bảo đảm chất lượng của sản phẩm trước người dùng.
Hoàng Nguyễn – Co-Founder BuyMed bày tỏ, anh tin vào sức mạnh của công nghệ hơn là sức mạnh của quy mô. Anh muốn dùng công nghệ để giúp mọi người cùng phát triển và tiến lên phía trước, hơn là tự mình đứng ra mở một hệ thống nhà thuốc thật lớn như cách Long Châu hoặc Pharmacity đang làm. Mặc dù, hiện tại nền kinh tế chia sẻ dựa vào sức mạnh công nghệ gặp khá nhiều trắc trở, song anh vẫn tin đây là mô hình kinh doanh đúng của tương lai.
Ngoài việc chính thức tiến công ra Bắc như đã nói ở trên, BuyMed cũng đang tính đến chuyện ‘Go Global’, trước mắt sẽ tấn công thị trường Malaysia và Thái Lan.
"Sau vài lần đi điều nghiên các thị trường trong khu vực Đông Nam Á, tôi nhận ra một điều, thị trường phân phối dược phẩm của các nước tương đối giống nhau. Như tại Thái Lan, có thể họ có những hãng sản xuất dược phẩm nổi tiếng và nhiều nhà phân phối lớn hơn Việt Nam, nhưng chủ các hiệu thuốc nhỏ lẻ ở đây vẫn đang gặp những khó khăn tương tự chủ hiệu thuốc nhỏ Việt Nam, trong suốt quá trình kinh doanh.
Thế nên, tôi nghĩ cơ hội của chúng tôi tại thị trường Thái Lan cũng như các thị trường lân cận như Malaysia, Indonesia hay Phillipines là rất lớn", Co-founder BuyMed không dấu diếm tham vọng lớn của bản thân.
Ngoài bản thân chuỗi và các startup, thì sự hỗ trở tài chính - công nghệ - các mối quan hệ của các quỹ đầu tư và tập đoàn lớn, sẽ có tác động lớn đến sự thắng thua của cả hai trong cuộc chiến thú vị này.