Hôn nhân là kết quả của tình yêu và trái ngọt của tình yêu ấy chính là những đứa trẻ. Đối với cha mẹ mà nói, con cái là điều tuyệt vời nhất mà họ có trên đời. Ai khi kết hôn cũng mong muốn một cuộc hôn nhân bền vững, lâu dài, nhưng cuộc sống có nhiều điều không thể nói trước.
Khi xảy ra lục đục, mâu thuẫn, những đứa con chính là sợi dây lớn nhất kéo 2 người lớn lại với nhau. Có nhiều bậc phụ huynh chia sẻ rẳng giữa họ có quá nhiều điểm khác biệt, thậm chí là không thể cùng tiếng nói, nhưng họ vẫn cố gắng ở lại, cùng nhau giữ trọn vẹn mái ấm cho con. Nhiều người duy trì cuộc sống hôn nhân dù không có gì là hạnh phúc chính bởi những đứa con chứ không phải vì chính họ.
Thế nhưng, khi những đứa trẻ biết cha mẹ mình không hạnh phúc, thường xuyên phải chứng kiến những cuộc cãi vã, xung đột thì cảm xúc của chúng sẽ như thế nào. Liệu lúc này câu nói "giữ gia đình chỉ vì con" có còn thực sự đúng?
Những đứa trẻ sẽ chịu cảm xúc gì khi bố mẹ không hạnh phúc?
Cảm thấy mệt mỏi
Một gia đình hạnh phúc là khi cả bố mẹ, con cái đều có những trải nghiệm vui vẻ bên nhau. Khi 1 trong 2 không mấy vui vẻ nhưng phải cố gắng đôi khi sẽ nảy sinh những tình huống gượng gạo. Họ thường cố gắng vui vẻ trước mặt con, còn ngoài ra sẽ lạnh nhạt, khó chịu với nhau. Những đứa trẻ rất nhạy cảm, con luôn biết rõ bố mẹ đang cảm thấy như thế nào dù trẻ không nói ra bằng lời.
Quen với việc chịu cảm xúc tiêu cực
Cha mẹ cãi nhau, nói xấu, thậm chí là né tránh nhau khiến con dễ bị tổn thương. Đôi khi, vì tức giận nửa kia mà sự bực bội sẽ truyền sang con cái, biến trẻ trở thành nạn nhân của loạt cảm xúc tiêu cực. Lâu ngày, trẻ sẽ cho rằng mình đáng phải chịu như thế, dần dần con cũng mất đi sự tự tin, không muốn tin tưởng và cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Cho rằng mình là nguồn cơn của việc bố mẹ không hạnh phúc
"Bố mẹ cố gắng duy trì gia đình này là vì con", "Tôi không yêu cô nữa, chỉ vì con mà không ly hôn thôi"... những câu nói như thế thường xuất hiện trong nhiều gia đình hiện nay. Con cái đôi khi vẫn nghĩ bản thân mình là nguyên nhân của vấn đề, chỉ vì mình mà bố mẹ không hạnh phúc, phải chịu đựng lẫn nhau.
Trở thành người có xu hướng tiêu cực trong tương lai
Những đứa trẻ sống trong gia đình không hạnh phúc thường có cảm xúc tự ti, nhút nhát, không dám bày tỏ ý kiến, thái độ. Hoặc có những đứa trẻ sẽ dễ nổi nóng, khó kiểm soát cảm xúc của bản thân. Theo các nhà tâm lý học, trẻ phải chịu sự mệt mỏi, tiêu cực trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, cảm xúc, đặc biệt có xu hướng trở thành người có tính cách tương tự bố hoặc mẹ trong tương lai.
Luôn cảm thấy lo lắng và sợ hãi
Trẻ em rất nhạy cảm. Ngay cả khi không biết tận gốc vấn đề, chúng vẫn có thể cảm nhận được điều gì đó không ổn. Ở tình huống này, mỗi đứa trẻ sẽ có một cách phản ứng khác nhau như gây hấn, cô lập bản thân,... Chúng sẽ cảm thấy lo lắng, sợ hãi như đang gặp nguy hiểm trong khi mọi việc thực tế không tồi tệ đến vậy.
Lời khuyên dành cho những bậc cha mẹ là hãy yêu thương, tôn trọng con cái. Ngay cả khi không hạnh phúc, hãy cố gắng trở thành những người cha, người mẹ đúng nghĩa. Cố giữ gia đình vì con không phải là điều sai, thế nhưng nếu việc đó khiến mối quan hệ trờ nên ngột ngạt, mệt mỏi, gây đau khổ cho những đứa con thì đó không hẳn là cách xử lý tốt. Một gia đình hạnh phúc không chỉ là có đủ người, mà phải là sự tôn trọng, yêu thương từ tâm.